Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Van tín dụng' mở nhỏ giọt, lo ngại vận hành 'cỗ máy' không xăng

“Van tín dụng" mở nhỏ giọt, thắt chặt cung tiền đang ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Mở nhỏ giọt

Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng thương mại. "Van tín dụng" được mở khiến nguồn vốn phần nào khơi thông. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng đều được cấp thêm room. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có 15 trên tổng số hơn 30 ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh hoặc đi đầu trong việc thực hiện các quyết sách Chính phủ được cấp thêm room. Hạn mức cấp thêm lần này từ khoảng 0,7-4% so với trần tín dụng cũ. Tính ra, 15 ngân hàng được cấp thêm hạn mức cho vay từ vài nghìn tỷ đến tối đa 50.000 tỷ đồng trong 4 tháng còn lại của năm.

Các ngân hàng được cấp thêm hạn mức cho rằng, so với nhu cầu vay vốn rất lớn, dồn vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm thì con số trên không thấm vào đâu, khiến họ cũng không thể mạnh tay trong việc cho vay. Một số nhà băng có thêm hạn mức nhưng cũng chỉ đủ cho vay với những hồ sơ đã được duyệt, còn vay mới không đáp ứng được nhiều.

Với những ngân hàng không được nới trần tín dụng lần này, dư địa cho vay không thay đổi, gần như không thể cho vay.

"Van" tín dụng được mở, nhưng chỉ mở nhỏ giọt.

Như vậy, “van tín dụng" tuy đã được mở, nhưng do lo ngại lạm phát, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quan điểm, không tăng room vượt quá 14% cả năm nên mở cũng chỉ như nước chảy nhỏ giọt.

Qua trao đổi, một số doanh nghiệp chia sẻ đang được ngân hàng làm thủ tục giải ngân khoản vay. Nhưng đây chủ yếu là những khoản vay ngắn hạn, đã được phê duyệt hồ sơ từ trước và bị gác lại do ngân hàng không còn room tín dụng. Những khoản vay mới phải chờ lâu hơn và vẫn gặp phải khó khăn do room tín dụng phân bổ không nhiều. Các doanh nghiệp lo ngại, tromg bối cảnh các ngân hàng đang phải gánh trách nhiệm giải ngân gói vay cấp bù lãi suất 2%, có khi chưa kịp duyệt vay khoản mới thì room đã cạn.

"Chúng tôi biết mình không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%, chấp nhận vay lãi cao hơn, nhưng cũng không hy vọng ngân hàng sẽ cho vay, hoặc có vay chắc cũng không được nhiều do hạn mức tín dụng cấp nhỏ giọt. Vì vậy, nỗi lo nguồn vốn đáp ứng sản xuất kinh doanh cuối năm đang rất căng thẳng", ông Nguyễn Hoàng Sơn, Công  ty TNHH Hưng Hà Phát (Hà Nội) nói.

Theo một số ngân hàng thương mại, hồ sơ vay vốn thời gian qua dồn lại không ít. Các doanh vay vốn lưu động, người dân vay mua nhà,... đang chồng chất và hạn mức chắc chắn là không đủ. Trong hoàn cảnh này, trên cơ sở đối ứng thu chi, nếu ngân hàng thu nợ được nhiều thì cho vay ra nhiều. Nhưng mấy tháng vừa qua, nhiều doanh nghiệp tồn kho lớn, tiêu thụ chậm nên việc thu nợ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc cho vay mới.

“Cỗ máy” không có xăng 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 9,35% so với cuối năm 2021. Như vậy hai tháng qua, tăng trưởng tín dụng chỉ có 0,56%, chẳng khác nào “van” tín dụng bị khóa chặt.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa có báo cáo cho hay, qua trao đổi, thảo luận, nắm bắt nhanh tình hình từ 16 tổ chức, hiệp hội trong tháng 8/2022 nhận thấy, hầu hết doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn hết sức lớn về tài chính. Cụ thể là: thiếu vốn lưu động, khó tiếp cận vốn vay. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nếu không giải quyết vấn đề tín dụng, sẽ có nguy cơ phá sản, bởi không có tiền trả lương cho người lao động; không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới.

DN đang rất cần có sự trợ lực về tài chính, để có thể duy trì hoạt động và hồi phục. (Ảnh: Nam Khánh)

Thiếu vốn được ví như “cỗ máy” không có xăng dầu, làm sao có thể vận hành được. Thắt chặt cung tiền đang khiến mặt bằng lãi suất tăng, doanh nghiệp thiếu vốn, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tình hình này đang ngày một căng thẳng và càng để chậm, hậu quả tới nền kinh tế sẽ càng nguy hiểm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sử dụng room tín dụng là công cụ đã lạc hậu. Nó đang gây ra vấn đề lớn, khiến cho vốn phục vụ sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Bên cạnh đó, room tín dụng là công cụ hành chính, tạo cơ chế xin - cho, tạo môi trường bất bình đẳng cho các ngân hàng thương mại và ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã không sử dụng room tín dụng để hạn chế cung tiền, thay vào đó là các công cụ điều tiết khác linh hoạt hơn, như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mua bán giấy tờ có giá giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng… Đây là những công cụ mang tính thị trường, rất hiệu quả trong việc hạn chế các ngân hàng thương mại không mở rộng tín dụng quá mức.

Doanh nghiệp đang rất cần có sự trợ lực về tài chính để có thể duy trì hoạt động và hồi phục. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm nâng trần tăng trưởng tín dụng để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản.

Lạm phát hiện tại chủ yếu là do chi phí đẩy chứ không liên quan đến tiền tệ. Do đó, nên tập trung vào chính sách tài khóa nhiều hơn là chính sách tiền tệ. Ngoài ra, cần giảm mạnh thuế, phí để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, qua đó ngăn chặn lạm phát và tạo điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh cung vốn cho nền kinh tế.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới