Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông báo đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng. Trong 1 - 2 ngày tới, sẽ tiếp tục tăng cho các ngân hàng đủ điều kiện và thông báo tới từng nhà băng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin về việc nới room tín dụng cho ngân hàng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022. (Ảnh: VGP)
Doanh nghiệp mừng như 'bắt được vàng'
Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn trong thời gian "chạy nước rút" cuối năm.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng) nói, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất thiếu vốn vì ngân hàng siết chặt tín dụng do đã sử dụng hết hạn mức được NHNN giao.
“Thông tin NHNN sắp nới “room” tín dụng cho ngân hàng sẽ tác động rất tích cực tới doanh nghiệp. Việc dễ vay vốn hơn sẽ giúp doanh nghiệp sớm có kế hoạch tăng tốc sản xuất, kinh doanh, từ đó khôi phục tốt hơn sau đại dịch. Nếu không có vốn thì muốn làm việc gì cũng khó", ông Phục nói.
Ông Phục bày tỏ sự đồng tình hoàn toàn với quyết định của NHNN. Theo ông, thời gian qua, khi các ngân hàng cạn room tín dụng, doanh nghiệp đã rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí là phá sản. Thời điểm cuối năm, để đạt được các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, doanh nghiệp càng cần nhiều vốn hơn, trong đó một phần lớn là vay từ ngân hàng.
“Tôi hy vọng, việc nới “room” tín dụng tới đây sẽ giúp cho các doanh nghiệp đang "đói" vốn sẽ hoạt động trơn tru hơn", ông Phục nói.
Nhiều doanh nghiệp đang nóng lòng chờ được rót vốn tín dụng. (Ảnh minh họa: VOV)
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc HTX nuôi trồng, chế biến thủy sản Hải Điền (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết, đơn vị của ông có hơn 15 ha đất, quy hoạch thành 45 ao, đầm tập trung nuôi các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá đối mục, cá thủ, cá vược, cá mú, tôm. Đồng thời, doanh nghiệp đã đầu tư 2 kho lạnh, máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, 2 tàu đánh bắt cá trị giá hàng trăm tỷ đồng. Vậy nhưng chưa khi nào HTX được tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng.
“Vì thiếu vốn nên chúng tôi buộc phải vay các tổ chức tín dụng bên ngoài theo kiểu giật gấu vá vai với lãi suất cao để sản xuất, kinh doanh. Điều này đã khiến cho HTX gặp rất nhiều khó khăn trong cân đối chi phí để duy trì hoạt động, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giảm lợi nhuận”, ông Bình nói.
Trước thông tin NHNN sẽ nới room tín dụng cho vay với các ngân hàng, ông Bình kỳ vọng lần này, doanh nghiệp của ông sẽ dễ vay vốn ngân hàng hơn. "Khi có vốn chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng xưởng sản xuất để phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết", ông Bình dự tính.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Khải, Giám đốc doanh nghiệp sản xuất, lắp đặt thiết bị phòng cháy, chữa cháy Quang Khải (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng đang rất sốt ruột, ngóng từng ngày quyết định của NHNN. Ông Khải cho biết, thời gian qua, giá nguyên liệu tăng hơn 20% khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng phải tăng theo khoảng 50 - 60%. Doanh nghiệp của ông đã phải tìm mọi cách, thậm chí tìm tài sản thế chấp để được vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, các ngân hàng lại báo hết room tín dụng. “Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu vốn của doanh nghiệp đang tăng lên rất cao, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi. Ấy thế mà các ngân hàng lại siết chặt cho vay vì hết room tín dụng, khiến doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa". Chính vì vậy, tôi chắc chắn doanh nghiệp nào cũng phấn khởi khi có thông tin NHNN cho phép các ngân hàng nới room tin dụng”, ông Khải nói.
“Liều thuốc” phục hồi nền kinh tế
Không chỉ doanh nghiệp mà các chuyên gia cũng cho rằng việc nới room tín dụng cho ngân hàng là cần thiết phải làm ngay vì đó là "liều thuốc" để phục hồi nền kinh tế.
"Cả nền kinh tế Việt Nam hiện đang cần tín dụng. Do đó, việc nới room tín dụng là điều cần thiết và hết sức quan trọng", chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
“Tuy nhiên, vai trò của NHNN là kiểm soát lạm phát, nếu việc nới room tín dụng một cách đại trà, thiếu kiểm soát sẽ làm tăng lạm phát lên. Do đó, NHNN thực hiện nới room tín dụng một cách thận trọng, có suy xét kỹ lưỡng là điều đúng đắn”, ông Hiếu nói thêm.
Trả lời VTC News, một PGS.TS là giảng viên của trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) nhấn mạnh: “Nới room tín dụng lúc này là đúng đắn và kịp thời. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội, có thể bứt tốc lấy lại đà phát triển nhưng vì không có vốn nên chỉ đành đứng nhìn. Việc nới room tín dụng vì thế giống như một chiếc phao cứu sinh kịp thời, doanh nghiệp cũng như “chết đuối vớ được cọc", nắm bắt cơ hội mà vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch".
Chuyên gia cho rằng, từ động thái của NHNN, thị trường có thể phục hồi trở lại, doanh nghiệp thoát cảnh bế tắc về nguồn vốn, dòng chảy kinh tế sôi động trở lại, các ngân hàng trở lại đúng với vai trò điểm tựa tài chính cho doanh nghiệp và người dân như trước đây, tạo sức sống mới cho nền kinh tế. Ông nhấn mạnh, việc không siết tín dụng là chính sách đúng đắn, tích cực, cần được tiếp tục duy trì. Kinh tế thị trường không thể điều hành bằng mệnh lệnh hành chính. Bên cạnh đó, việc nới room tín dụng cần thiết phải song hành cùng các biện pháp cụ thể.
“Tuy nhiên, phải nhắm đúng và trúng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị cho xã hội. Tránh để dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ làm lợi cho một số cá nhân, phá rối thị trường", chuyên gia này nói.
Phải cởi mở hơn với bất động sản
Đồng tình và kỳ vọng nhiều về động thái nới room tín dụng cho ngân hàng của NHNN, song nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, chính sách này cần công bằng với tất cả các ngành nghề, không loại trừ các lĩnh vực đầu tư như bất động sản. Ngân hàng phải thực sự là bạn của tất cả doanh nghiệp, phải cởi mở hơn với doanh nghiệp bất động sản.
Chuyên gia cho rằng, bất động sản là lĩnh vực cần được khơi thông nguồn vốn. (Ảnh minh họa: Hà Nội mới)
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) phân tích, bất động sản là lĩnh vực mang tính lan tỏa rất mạnh đến nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế và đặc biệt có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, vì thế đây là lĩnh vực cần thiết phải được đầu tư, được giải ngân vốn để khuyến khích phát triển.
Theo ông Cường, khi doanh nghiệp vay tín dụng để đầu tư phát triển các công trình nhà ở, hạ tầng, khu đô thị, nhà ở xã hội...thì đó không chỉ là hoạt động kinh doanh mà còn góp phần giải quyết nguồn cung sản phẩm đang thiếu trên thị trường và thúc đẩy, lan tỏa cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Việc rót vốn cho doanh nghiệp vì thế là cần thiết và chính đáng.
Đánh giá về tình trạng thiếu nguồn cung bất động sản thời gian qua, ông Cường nhận định, đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá bất động sản tăng theo. Mà việc thiếu nguồn cung lại xuất phát từ việc doanh nghiệp hạn chế đầu tư xây dựng do không tiếp cận được nguồn tín dụng của ngân hàng. Vì vậy, khi NHNN mở room tín dụng cho ngân hàng và ngân hàng cởi mở hơn trong việc giải ngân cho các dự án bất động sản thì tình trạng này có thể được khắc phục.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cho biết, thời gian qua, hầu hết hồ sơ tín dụng vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đều bị dừng xét duyệt, cùng với việc cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chặt hơn việc huy động trái phiếu, khiến nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn vốn để phát triển dự án. Đặc biệt, những dự án mua bán, sáp nhập thì lại càng khó khăn hơn trong quá trình làm hồ sơ vay vốn để tái phát triển dự án.
Vị này phân tích, nếu nguồn vốn cho bất động sản không được khơi thông sẽ khiến nguồn cung trở nên khan hiếm hơn, từ đó đẩy mức giá bất động sản cả phân khúc nhà ở lẫn cho thuê tăng cao. Mức giá bất động sản tăng lên bất thường sẽ thúc đẩy chi phí đầu vào của các ngành bán lẻ, sản xuất công nghiệp.
Ví dụ, chi phí thép chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong các dự án phát triển bất động sản, dao động trong khoảng 15%-20% tổng chi phí đầu tư cho mỗi dự án. Việc giá nguyên vật liệu nói chung và giá thép nói riêng tăng cao trong thời gian qua đã làm tăng chi phí đáng kể cho chủ đầu tư. Cụ thể, giá thép tháng 4/2022 đã tăng 46% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng với chi phí đội lên trung bình gần 7%. Điều này càng thúc đẩy nhu cầu vốn của các doanh nghiệp bất động sản trở nên cấp thiết hơn. "Cần có chính sách tín dụng hợp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản có dự án khả thi, có uy tín thương hiệu, là khách hàng tin cậy, có tài sản bảo đảm được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng", vị này nêu quan điểm.
Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận, đối với phân khúc đất nền trên phạm vi cả nước, mặc dù giao dịch rất ít và lượng người quan tâm cũng giảm mạnh 20 - 30% nhưng mức giá rao bán thì lại tăng bình quân 10 - 15% so với cùng kỳ. Thậm chí vẫn xuất hiện tình trạng sốt đất ở một số địa bàn. Dòng tiền khó tiếp cận cùng với việc giá đất tăng cao khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong việc phát triển dự án mới.
Trung Quốc tính bơm 148 tỉ USD cứu bất động sản
Từng là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế, ngành bất động sản của Trung Quốc thời gian qua được cho đang ngập trong nợ nần và trở thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này.
Nguồn tin của Financial Times cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ban đầu sẽ phát hành khoản vay khoảng 200 tỉ nhân dân tệ với lãi suất thấp, khoảng 1,75%/năm, cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Kế hoạch trên vừa được Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua, và sẽ cho phép các ngân hàng sử dụng các khoản vay của PBOC - tức ngân hàng trung ương, cùng với quỹ của riêng họ để tái cấp vốn cho các dự án bất động sản bị đình trệ.