Rằm tháng 8 - Tết Trung Thu, là một trong những ngày lễ lớn trong văn hóa Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để các gia đình tụ họp, cùng nhau thưởng thức những miếng bánh nướng, bánh dẻo ngọt ngào và ngắm trăng, mà còn là thời khắc để chúng ta tưởng nhớ công đức của tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính qua nghi lễ cúng rằm.
Theo quan niệm dân gian, mâm cúng đầy đủ, trang trọng trong ngày lễ này không chỉ là sự biểu hiện của tình cảm, lòng thành kính mà còn là cách để gia đình cầu mong bình an, hạnh phúc. Dưới đây là bài văn khấn cúng rằm tháng 8 đầy đủ và chi tiết nhất theo sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin).
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là:... ngụ tại…
Hôm nay là ngày rằm tháng 8, gặp tiết Trung thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!”
Mâm cỗ cúng rằm Trung thu với đủ màu sắc. (Ảnh: Vân Hà Hoàng)
Các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm đầy đủ để dâng lên tổ tiên, thần linh với mục đích cầu bình an, gia đạo hòa thuận. Bên cạnh đó, gia chủ cũng sẽ chuẩn bị mâm cỗ trông trăng để vào lúc trăng lên cao, cả gia đình sẽ quây quần dưới ánh trăng cùng phá cỗ Trung thu.
Tùy theo phong tục của từng địa phương hoặc lối sống của từng nhà mà mâm cúng rằm tháng 8 được chuẩn bị khác nhau, có thể gồm các món ăn chay hay mặn.
Đối với mâm cúng mặn, các gia đình có thể chuẩn bị xôi, thịt gà, giò,và các món ăn truyền thống tùy theo điều kiện. Mâm cúng rằm tháng 8 không cần cầu kì như rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 nhưng phải chuẩn bị một cách kĩ lưỡng, tươm tất, cẩn thận, thể hiện được sự thành kính của gia chủ.
Nếu gia đình theo đạo Phật, có thể làm mâm cỗ chay gồm xôi, cháo chay, nộm chay, các món rau củ xào, đậu hũ… Nếu không có điều kiện và thời gian, các gia đình có thể chuẩn bị trái cây, bánh kẹo đơn giản để thắp hương vào sáng ngày rằm.
Mâm cỗ trông trăng rằm tháng 8 thường bao gồm:
Bánh trung thu là linh hồn của mâm cỗ rằm tháng 8. Có hai loại bánh phổ biến là bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có nhân đậu xanh, hạt sen, trứng muối... Bánh dẻo thì ngọt hơn, thường làm từ bột nếp với nhân đậu xanh hoặc mè đen. Hình dạng bánh thường là hình tròn hoặc vuông, tượng trưng cho sự viên mãn và đoàn tụ.
Một mâm ngũ quả tươi ngon là điều không thể thiếu trong ngày rằm tháng 8. Các loại trái cây phổ biến thường được lựa chọn là: Bưởi, hồng, nhãn, quýt và nho. Mỗi loại quả đều mang ý nghĩa riêng:
Những chị em khéo tay thường tỉa trái cây thành những hình thù ngộ nghĩnh như tạo hình chó bằng bưởi, làm cá bằng thanh long, làm gấu bằng quả nho.
Đèn ông sao, đèn lồng cũng là những biểu tượng của Tết Trung Thu, tượng trưng cho ánh sáng, niềm hy vọng và niềm vui. Chúng không chỉ được dùng để trang trí mà còn thể hiện một phần của văn hóa truyền thống. Ngoài ra, những món đồ chơi truyền thống như đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ em mà còn là gắn liền với ký ức tuổi thơ của người lớn.
Hoa
Hoa dùng để bày trong mâm cỗ trông trăng cũng luôn được chọn lựa kỹ lưỡng, thường là hoa cau, hoa sen hay hoa nhài, mang lại sự tươi mới và may mắn.
Trà
Trà cũng là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu, sau đó sẽ được pha để thưởng thức cùng với bánh trung thu.
Không chỉ vậy, tùy vào vùng miền, mâm cỗ trông trăng có thể có thêm một số món ăn đặc sản, ví dụ ở miền Bắc là cốm, miền Trung có các loại bánh bột lọc, miền Nam có chè trôi nước…
Mâm cỗ cúng rằm tháng 8 đơn giản. (Ảnh: Loan Trần)
Mâm cỗ trông trăng đêm Trung thu không chỉ đẹp mắt với sự sắp xếp tinh tế mà còn phong phú về hương vị, kết hợp giữa ngọt, mặn, chua cay, tạo nên một bức tranh ẩm thực đa dạng và hấp dẫn.