Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, chiều 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Qua nghiên cứu, thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Về lý do không tán thành, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, theo thông tin báo chí phản ánh dư luận xã hội, nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân và ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra cho thấy, chính sách về sở hữu nhà chung cư có thời hạn chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.
"Hơn nữa, quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, có thể dẫn đến xu hướng “mua đất” thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của dự thảo Luật quy định quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc thuộc các trường hợp phải phá dỡ; thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận định, với quy định này, thời hạn sở hữu nhà chung cư không được xác lập cụ thể cùng với việc xác lập quyền sở hữu mà phụ thuộc vào quyết định hành chính của cơ quan quản lý về xây dựng khi kiểm định nhà chung cư ở các thời điểm khác nhau.
Điều này dẫn đến không xác định được thời hạn sở hữu nhà chung cư khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tiềm ẩn rủi ro cho các bên khi mua bán nhà chung cư do không biết được tình trạng nhà chung cư tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán nhà ở để xác định thời hạn sở hữu còn lại, gây khó khăn cho việc xác định giá nhà, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện về quyền sở hữu nhà chung cư.
Dẫn dự thảo luật tại khoản 1 Điều 26 quy định chủ sở hữu có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư là chưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tài sản là nhà chung cư và tài sản là quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư. Theo đó, quyền sở hữu tài sản trên đất chấm dứt nhưng quyền sử dụng đất vẫn còn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định của dự thảo Luật chưa khắc phục được khó khăn hiện nay là tình trạng nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ nhưng người dân không chịu di dời để cải tạo, xây dựng lại, do họ vẫn có quyền sử dụng đất và vẫn có thể căn cứ vào đó để "trụ lại" nhà chung cư.
"Một lý do khác, kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư nêu trong Báo cáo số 43 của Bộ Xây dựng về đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kèm theo hồ sơ dự án Luật cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật", ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, luồng ý kiến không tán thành cũng đề xuất nghiên cứu phương án quy định không bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật mà vẫn giữ như hiện hành, đồng thời bổ sung một số biện pháp, trình tự, thủ tục cụ thể liên quan đến phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Cụ thể, Nhà nước quyết định di dời người dân ra khỏi các nhà chung cư không bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về kiểm định công trình xây dựng mà không cần có sự đồng thuận của chủ sở hữu nhà chung cư; đồng thời, bổ sung trong dự thảo Luật các quy định cụ thể về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục cưỡng chế di dời người dân ra khỏi nhà chung cư.
Cùng đó, cơ quan thẩm định cho rằng cần luật hóa một số quy định phù hợp tại Nghị định số 69 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng: trường hợp sau một thời gian nhất định do Luật quy định mà các chủ sở hữu không thống nhất được phương án xây dựng lại nhà chung cư thì Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất, sửa quy định tương ứng trong Luật Đất đai cho đồng bộ, thống nhất.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với quy định của dự thảo Luật nhưng đề nghị quy định cụ thể về thời hạn sở hữu nhà chung cư, không nên đồng nhất thời hạn sở hữu với thời hạn sử dụng nhà chung cư.
"Ý kiến khác đề nghị quy định thời gian sử dụng đất ở theo thời hạn sở hữu nhà chung cư (50 - 70 năm) hoặc quy định 2 loại sở hữu vĩnh viễn và sở hữu nhà chung cư có thời hạn", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói thêm.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Trước đó, trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục đích của việc xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan.
Bộ trưởng Xây dựng cho biết, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh, theo đó Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.
Riêng các giao dịch liên quan đến nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chuyển sang điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản để tránh trùng lắp.