Ngô là loại cây quen thuộc được trồng phổ biến ở nước ta. Trong Đông y, râu ngô còn được gọi là ngọc mễ tu là vị thuốc được sử dụng nhiều. Vậy, uống nước râu ngô thường xuyên có tốt không?
Tác dụng của râu ngô
Theo Đông y, râu ngô (bắp) và ruột bấc trong thân cây ngô có vị ngọt và tính bình, tác động vào 2 kinh thận và bàng quang. Râu ngô được dùng làm thuốc trong điều trị nhiều bệnh như: Đái vàng rắt buốt, bí tiểu, viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu, xuất huyết nội tạng, sạn trong gan, mật, thận, sỏi niệu quản, bàng quang, phù thũng.
Đồng thời, râu ngô cũng được dùng để hạ áp huyết, làm thông mật trong điều trị gan mật, sỏi mật, vàng da... Đặc biệt, đây cũng là một trong những loại thảo dược dùng để điều trị bệnh gan hiệu quả nhất. Mỗi ngày bạn nên sử dụng 30 - 60g dạng khô, 100 - 200g dạng tươi.
Uống nước râu ngô làm tăng bài tiết mật và giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột được dễ dàng.
Uống nước râu ngô còn giúp hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông.
Sử dụng nước râu ngô hàng ngày thay cho nước chè (trà) tác dụng hiệu quả đối với người bị ứ mật và sỏi túi mật.
Uống nước râu ngô lợi tiểu trong các bệnh về thận.
Nước râu ngô hiệu quả tốt trong các trường hợp bị phù liên quan đến các bệnh về tim mạch.
Thường xuyên sử dụng nước luộc râu ngô lâu dài cho người bị bệnh sỏi thận hay sỏi bàng quang và sỏi niệu quản. Nó sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat.
Nước luộc râu ngô có thể cầm máu trong trường hợp xuất huyết tử cung, nhất là những người dễ chảy máu.
Nước râu ngô tốt cho sức khỏe nhưng việc uống nước râu ngô thường xuyên có tốt không?
Theo Lương y Quốc Trung, dùng râu ngô làm nước giải khát theo kinh nghiệm dân gian là thói quen tốt vì loại đồ uống này tương đối lành tính, rẻ tiền mà rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng cần lưu ý để tránh gây hại sức khỏe. Râu ngô dễ bị nhiễm thuốc trừ sâu từ việc người dân phun nên khi sử dụng đun nước uống giải nhiệt cần rửa thật sạch.
Uống nước râu ngô thường xuyên có tốt không là băn khoăn của nhiều người.
Nhiều người có thói quen lấy râu ngô phơi khô dùng dần thay thế chè cũng rất tốt, song dùng râu ngô ở dạng tươi vẫn là tốt nhất vì chứa nhiều dưỡng chất hơn. Chọn râu sợi to, bóng, mượt và có màu nâu nhung. Để tăng hiệu quả tác dụng, cũng có thể phối hợp với các vị thuốc lợi tiểu khác như mã đề, cỏ xước, rễ tranh, rễ sậy, kim tiền thảo.
Các chuyên gia khuyên, trong trường hợp đang dùng một loại thuốc khác để trị bệnh thì không nên dùng chung với trà râu ngô. Bạn nên chú ý không được dùng chung với bất kỳ loại thuốc lợi tiểu nào khác, cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Khi dùng râu ngô để trị bệnh chỉ nên dùng trong khoảng 10 ngày rồi ngưng dùng khoảng một tuần rồi dùng lại, tránh trường hợp rối loạn điện giải. Ngoài ra, cần tránh sử dụng các loại đồ uống lợi tiểu này quá nhiều vào buổi tối sẽ khiến bạn khó ngủ do phải đi tiểu nhiều về đêm.
Với trẻ nhỏ khi sử dụng nước mát giải nhiệt ngày hè cần tránh dùng liên tục hàng ngày thay nước lọc, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn. Dùng nhiều, lâu dài thuốc có chất lợi tiểu sẽ làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như canxi, kali... Lượng dùng khoảng 20gr râu ngô tươi trở lại, ở dạng râu ngô khô là 10gr. Trẻ nhỏ uống chỉ nên là 1-2 ly nhỏ khoảng 200-300ml mỗi ngày. Lượng nước bổ sung đủ là khi nước tiểu của trẻ trong, chỉ có màu vàng nhạt.
Cách chế biến nước râu ngô
Đun sôi nước và thả râu ngô vào. Đun sôi trong vài phút cho đến khi nước biến thành màu nâu và lọc lấy nước. Sau đó, thêm một chút nước cốt chanh để tăng hương vị.