Cần có chế độ ăn uống hợp lý
GS Nguyễn Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết ước tính khoảng 40% người bệnh ung thư có dấu hiệu suy dinh dưỡng trong quá trình điều trị. Từ đó dẫn đến mệt mỏi, sụt cân, tiêu tổ chức mỡ, teo cơ, gầy mòn. Khoảng 30% người bệnh ung thư qua đời vì các biến chứng của suy mòn hơn là vì bệnh nguyên phát.
Việc ăn kiêng thiếu khoa học hoặc nhịn ăn để khối u phát triển chậm lại hay chết đi là quan niệm rất sai lầm, gây nguy hiểm và khiến người bệnh suy kiệt hơn.
Khi điều trị ung thư, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, đảm bảo cơ thể đủ năng lượng chống đỡ lại bệnh tật và các tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, hiện nay có bệnh nhân tuyên bố chỉ uống nước ép, thực dưỡng cũng khỏi ung thư. Điều này hoàn toàn không đúng và có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
(Ảnh minh họa)
GS Thuấn cho biết khi bị ung thư người bệnh càng nên quan tâm về dinh dưỡng. Dinh dưỡng hợp lý mới là yếu tố quyết định quá trình điều trị thành công hay thất bại.
Các chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh ung thư là sử dụng đa dạng nhiều loại thực phẩm, chia thành nhiều bữa trong ngày, đảm bảo cân bằng 4 nhóm chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Người bệnh nên ăn nhiều hơn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế đồ hộp, đường và chất béo, tránh ăn quá nhiều do có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa và thừa cân, béo phì.
Với từng người có chế độ dinh dinh dưỡng khác nhau. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào dữ liệu lâm sàng, cận lâm sàng, đánh giá tình trạng và nhu cầu dinh dưỡng trong quá trình điều trị của người bệnh để đưa ra lời khuyên hữu ích về chế độ ăn, cũng như quyết định can thiệp dinh dưỡng phù hợp.
Các chất trong chế độ ăn
Một số loại dưỡng chất cần đảm bảo trong bữa ăn hàng ngày đối với bệnh nhân ung thư cụ thể như sau:
Đạm: Thịt cung cấp cho cơthể các loại acid amin thiết yếu. Để đảm bảo cung cấp đủ các loại acid amin cần ăn đa dạng các loại thực phẩm. Khẩu phần ăn phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm có lợi hơn cho sức khoẻ. Cơ thể cũng cần bổ sung thêm các nguồn sắt, kẽm...từ các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò... Các loại tôm, cua, cá, nhuyễn thể và hải sản cũng là nguồn cung cấp các acid amin và vi chất dinh dưỡng quý giá cho cơ thể.
Tinh bột: Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn...). Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn, gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỉ lệ bệnh ung thư.
Chất béo: Là chất cho giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc tế bào cơ thể. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày cần phải có một hàm lượng lipid nhất định, trong đó hàm lượng acid béo không no không quá 50% tổng năng lượng.
Rau quả: Chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản. Rau quả rất có lợi cho sức khoẻ do cung cấp các loại vitamin. Nên ăn các loại rau củ quan theo màu cầu vồng, các màu sắc hợp lý để bổ sung vitamin cho cơ thể.
Chế độ ăn uống phù hợp đủ dinh dưỡng và năng lượng là rất quan trọng giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng điều trị và chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân nên đến khám bác sĩ chuyên khoa ung thư để được tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng.