Sai lầm khi dùng điều hòa cho trẻ
Xã hội hiện đại, việc sở hữu một chiếc điều hòa trong nhà không quá khó khăn. Nhưng sử dụng sao cho đúng, cho đủ, đặc biệt là đối với trẻ là rất quan trọng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường chỉ quan tâm tới nhiệt độ của điều hòa mà không quan tâm tới loại điều hòa. Đây là sai lầm lớn. Bởi loại điều hòa phải phù hợp với khối khí của căn phòng đang sử dụng. Nếu sai chủng loại, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, đau ốm triền miên.
“Nhiều người ra quán mua điều hòa chỉ nói là phòng tôi sử dụng khoảng 18m2. Nhưng 18m2 của nhà này không giống 18m2 của nhà khác. Ví dụ 18m2 ngày xưa có những nhà làm chiều cao hơn 3m thì khối khí rất lớn. Còn bây giờ các nhà chung cư xây chủ yếu để tiết kiệm không gian nên chiều cao chỉ có hơn 2m thì công suất điều hòa phải khác nhau”, BS Dũng nói.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý tới con người và đồ đạc bên trong phòng có sử dụng điều hòa. Nếu phòng có 4 người, lại nhiều đồ đạc thì phải dùng điều hòa công suất lớn hơn. Còn nếu chỉ có 1, 2 người thì dùng loại công suất nhỏ hơn, tùy vào nhu cầu sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Nếu chọn công suất điều hòa không đúng thì rất khó để điều chỉnh nhiệt độ cho các cháu. "Nhiều người thường hay kêu với tôi là em để tới 28 độ mà em vẫn rét, vì công suất điều hòa quá mạnh. Ngược lại có những người kêu để tới 22 độ vẫn nóng vì công suất điều hòa đang quá yếu. Cả hai trường hợp đều ảnh hưởng tới trẻ em, khiến các bé dễ bị mắc các vấn đề về sức khỏe", bác sĩ Dũng cho hay.
Một lưu ý khá quan trọng nữa khi dùng điều hòa cho các bé là phải đặt nhiệt độ phù hợp với các bé chứ không nên cảm nhận nhiệt độ theo người lớn. Nhiều người đến bệnh viện thường trình bày rằng con mình cứ nằm điều hòa là bị ốm. Nhưng khi bác sĩ hỏi ra mới biết rằng khi nằm với con trong phòng, mẹ thường điều chỉnh nhiệt độ theo bản thân mình chứ không phải cho trẻ. Thành ra mẹ thì vẫn nóng, con thì rét, khiến trẻ bị ốm, cảm là đương nhiên.
Về mức nhiệt phù hợp với trẻ, BS Dũng cho rằng, không ai có thể nói nhiệt độ nào, bởi điều này phải tuân thủ theo nguyên tắc là trẻ em bao giờ cũng phải đặt nhiệt độ cao hơn người lớn. Tuy nhiên, do tùy thuộc vào loại điều hòa, cấu tạo căn phòng và lượng người nên không thể nói để nhiệt độ bao nhiêu sẽ phù hợp.
Cách tốt nhất là phụ huynh ban đầu nên đặt nhiệt độ điều hòa cao khoảng 28 độ C rồi theo dõi con mình. Nếu thấy trẻ vẫn nóng bức, ngủ không yên thì sau 10 phút lại giảm xuống 1 độ C. Cứ như vậy cho đến khi thấy trẻ yên giấc, ngủ ngoan… thì đó là ngưỡng nhiệt độ chính xác của con mình.
“Chỉ cần 1 lần như vậy, cha mẹ có thể biết được ngưỡng nhiệt độ của con mình khi sử dụng điều hòa là bao nhiêu để lần sau cứ nền nhiệt độ xấp xỉ như thế mà thực hiện”, bác sĩ nói.
Ngoài ra, nguyên tắc khi sử dụng điều hòa là bao giờ cũng phải có thông gió. Nhiều gia đình hiện nay có tâm lý tiết kiệm, nghĩ rằng mở thông gió ra sẽ tốn điện mà đóng kín cửa phòng lại. Như vậy dễ khiến trẻ bị bệnh, do bụi, vi khuẩn không có cơ hội thoát ra ngoài. Thay vào đó, mỗi gia đình, mỗi phòng khi sử dụng điều hòa đều cần có một hệ thống thông khí, nếu không có thể mở hé cửa ra cho lượng khí trong phòng được lưu thông, trẻ sẽ thấy thoải mái hơn.
Bên cạnh đó cha mẹ cần lưu ý không nên để trẻ nằm quá lâu trong điều hòa. Thi thoảng có thể cho trẻ ra ngoài ban công, hoặc ra ngoài trời có không khí thiên nhiên sẽ tốt hơn. Nhưng phải chú ý tránh để trẻ bị sốc nhiệt độ, rất dễ ốm. Nghĩa là đang trong môi trường mát, lạnh, đột ngột ra ngoài môi trường nóng, ẩm sẽ dễ bị sốc. Thời điểm tốt nhất cho trẻ ra ngoài có thể là sáng sớm hoặc sau 6, 7h tối.
Phòng tránh bệnh ngày nóng cho trẻ
Năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19, nên lịch học của học sinh bị thay đổi nhiều. Theo lệ hàng năm thời điểm này các bé chuẩn bị được nghỉ. Còn năm nay học sinh vẫn phải đi học, đúng vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ có những lúc lên tới 39 - 40 độ C. Đây cũng là lúc các bé dễ gặp những nguy cơ về bệnh tật.
Sảnh chờ khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều phụ huynh và các bé chờ tới lượt thăm khám.
Các nhóm bệnh dễ gặp vào mùa nắng nóng như hiện nay có thể kể đến như mệt mỏi, sốt, sốt virus, cảm, viêm màng não, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ngộ độc thức ăn, các bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp (ho, viêm họng, viêm phế quản), thậm chí viêm phổi nếu không biết cách phòng bệnh.
Do vậy, việc làm sao để đảm cho các bé luôn được mát mẻ, thoải mái trong những ngày nắng nóng sẽ phòng tránh được nguy cơ bệnh tật.
Để làm được việc này, theo BS Dũng, ngoài thời gian ở nhà, khi đi học, các trường nên có hệ thống chống nóng cho các bé. Nếu có điều kiện thì dùng máy lạnh, điều hòa, không có điều kiện thì dùng quạt, không có quạt thì phải bố trí sao cho lớp học thật thoáng mát, có gió lùa để các em học tập hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, cá nhân BS Dũng cho rằng, vào mùa nắng nóng, nếu trường nào có thể thay đổi giờ học cho học sinh thì rất tốt. Ví dụ buổi sáng có thể học sớm hơn một chút để trưa các bé được tan sớm. Hoặc buổi chiều vào muộn hơn thì lúc tan tầm sẽ không còn ánh nắng gắt, sức khỏe của trẻ sẽ được đảm bảo.
Để hạ nhiệt cho cơ thể vào mùa hè, mỗi lớp học phải bố trí nước uống đầy đủ cho học sinh. Bởi khi bị mất nước cũng là lúc cảnh báo cơ thể đang rất mệt mỏi.
“Tuổi nhỏ rất hiếu động, đôi khi có bé dù khát cũng chưa chắc uống nước. Do đó, thầy cô và cha mẹ nên nhắc các cháu thường xuyên, khoảng 30 – 45 phút là uống nước 1 lần, chia thành từng lượng nhỏ sẽ đảm bảo giữ được lượng nước ổn định, cơ thể lại luôn mát mẻ. Tránh để các cháu vừa đi nắng hay hoạt động mạnh về rồi uống ngay một cốc nước lớn, như thế sẽ rất hại sức khỏe”, BS Dũng nói.
Một bệnh nhi được mẹ đưa đi khám tại khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai sau khi mắc vấn đề về sức khỏe.
Về vấn đề bổ sung dinh dưỡng những ngày nóng, chuyên gia về Nhi khoa cũng lưu ý, tuyệt đối không để các bé bị thiếu bữa hay nhịn ăn.
“Người ta cứ nghĩ mùa đông mới cần ăn nhiều vì tốn năng lượng. Nhưng mùa hè cũng rất cần bổ sung các chất dinh dưỡng. Vào mùa này, việc ăn uống của các trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết, cha mẹ, thầy cô nên chú ý nấu những món có chất lỏng, kèm rau xanh, sữa hoặc nước hoa quả để nâng cao sức đề kháng cho trẻ”, BS Dũng nói.