Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tướng Nguyễn Minh Hoàng: 'Tôi thấy để người nghiện lang thang tiềm ẩn nguy hiểm'

(VTC News) -

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM cho rằng việc người nghiện lang thang ngoài cộng đồng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Tết Nguyên đán 2019, nữ sinh Cao Mỹ Duyên (ở Điện Biên) bị những kẻ nghiện ma túy sát hại. Vụ án khép lại với 9 bị cáo lĩnh những bản án nghiêm khắc, trong đó có 6 án tử hình.

Tối 23/10 vừa qua, Nguyễn Xuân Trung (SN 1985 trú tại xã Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội) và Nguyễn Văn Quân (SN 1983, trú tại xã Quất Động, Thường Tín) là hai người nghiện ma túy giết nữ sinh Trần Thúy Hiền (SN 2002, trú tại xã Nguyễn Trãi, Thường Tín) trên đường đi học về để cướp tài sản lấy tiền mua ma túy. Cái chết oan nghiệt của hai cô gái trẻ khiến nhiều người lo lắng về việc quản lí người nghiện trong cộng đồng.

Hai kẻ sát hại nữ sinh Trần Thúy Hiền (trú tại xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội) vào tối 23/10 vừa qua đều bị nghiện ma túy. 

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV hôm 2/11, Quốc hội bàn về Dự án luật phòng chống ma túy sửa đổi, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM cho hay: "Tôi thấy người nghiện lang thang tiềm ẩn nguy hiểm". Bởi vậy, vị đại biểu TP.HCM cho rằng cần xác định đối tượng sử dụng ma túy là con bệnh đặc biệt.

“Người sử dụng ma túy là vi phạm pháp luật và phải đối xử theo cách công dân đang vi phạm pháp luật chứ không phải công dân bình thường", ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.

Đối với những người nghiện thì cần bị hạn chế vấn đề nhân quyền ở mức độ nhất định, làm sao để họ trở lại là một công dân bình thường, không vi phạm pháp luật.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng.

Bình luận vấn đề này ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, cho rằng, hình thức cai nghiện tự nguyện rất khó khả thi, vì vậy luật phải thiết kế giản đơn, rút gọn hơn để người nghiện đi cai nghiện tập trung. 

"Quan điểm của tôi là đưa đi cai nghiện bắt buộc đơn giản hơn hiện nay", bà Lan cho hay.

Theo ĐBQH, ngoài những loại ma túy theo truyền thống, hiện có các loại ma túy tổng hợp trong ngành dược cũng có những trường hợp tăng nhập khẩu tiền chất và chỉ cần một, hai phản ứng là có thể biến thành ma túy. Vì vậy, cần phải có chế tài quản lí tiền chất.

Trả lời VTC News, Trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) đã phân tích những kẽ hở pháp lý, khiến người nghiện ma túy như được "thả rông" ngoài cộng đồng, đe dọa sự an nguy của nhiều người.

Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng trước đây, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị coi là tội phạm, quy định tại Điều 199, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Tuy nhiên, với việc coi người nghiện là người bệnh trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2009, BLHS đã bãi bỏ điều luật này. Giờ đây, hành vi sử dụng ma túy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 21, Nghị định 167/2013.

"Tôi cho rằng, việc không xử phạt hình sự người nghiện ma túy khiến tính răn đe không còn. Từ đây nguồn “cầu” là đối tượng nghiện được thả lỏng, sẽ kích thích nguồn “cung” là những kẻ buôn, bán ma túy", ông Hiếu phân tích.

Chuyên gia tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu.

Vị chuyên gia tội phạm học nhận định hoạt động phòng chống tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy ngày càng cam go, khốc liệt hơn bao giờ hết.

"Người nghiện ma túy dường như được 'thả rông' chính vì quan điểm tiếp cận mới về vấn đề người nghiện ở nước ta. Vì thế, rất nhiều hệ lụy xảy ra từ nhóm người này. Đã có biết bao vụ án mạng đau lòng xảy ra chỉ vì đối tượng là kẻ nghiện ma túy.

Để giải quyết vấn đề này, theo cá nhân tôi, cần xem xét, nghiên cứu việc tái "tội phạm hoá" hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý như trước đây tại Điều 199, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Tuy nhiên, để làm được này là cả một quá trình và việc cần làm trước mắt là rà soát, loại bỏ những chồng chéo trong quản lý người nghiện", Trung tá Đào Trung Hiếu đề xuất.

Vị chuyên gia tội phạm học cũng cho rằng có sự quản lí chồng chéo của các cơ quan chức năng trong việc này.

Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy đòi hỏi người nghiện phải tự giác tự khai báo và đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Điều này không khả thi.

Tại điều 103, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định hồ sơ đề nghị đưa người vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc phải có Giấy xác định tình trạng nghiện cũng có hạn chế.

Để làm được việc trên, quy định phải có thời gian lưu giữ đối tượng để theo dõi các dấu hiệu lâm sàng. Tuy nhiên, địa điểm lưu giữ, do ai lưu giữ, kinh phí thực hiện…lại chưa có quy định cụ thể.

Trên thực tế, việc không xác định được tình trạng nghiện gây rất nhiều khó khăn cho công an cơ sở trong việc thống kê, báo cáo, lập hồ sơ quản lý và đề xuất hình thức cai nghiện phù hợp.

"Theo tôi, rõ ràng có sự chồng chéo giữa giữa Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) với Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Ví dụ, Luật PCMT quy định đối với người chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc phải áp dụng biện pháp quản lý sau cai từ 1 đến 2 năm. Trong khi đó, Luật XLVPHC lại quy định người chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc được trả về địa phương. Hay như Luật PCMT quy định cai nghiện bắt buộc cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong khi Luật XLVPHC chỉ áp dụng biện pháp này cho người từ 18 tuổi trở lên", ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia này phân tích thêm: "Mặt khác, quan điểm tiếp cận giữa các bộ, ngành về vấn đề quản lý người nghiện có sự khác nhau. Nếu như Bộ Công an mong muốn đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc để bảo đảm an ninh trật tự, thì các ngành liên quan như Y tế và Lao động lại coi người nghiện là người bệnh, cung cấp cho họ các dịch vụ và để họ tự nguyện lựa chọn…

Việc thay đổi quan điểm tiếp cận, hướng đến công tác dự phòng và chuyển hướng cai nghiện bắt buộc là chủ yếu, sang cai nghiện tự nguyện…là chủ trương nhân văn, thế nhưng làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp".

Mạnh Đoàn

Tin mới