Trong 2.900 tấn giá đỗ được “nuôi dưỡng” bằng “nước kẹo” (6-Benzylaminopurine, chất độc gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh) được nhóm tội phạm ở Đắk Lắk bán ra trong năm 2024, có khoảng trăm tấn được bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh (theo lời khai là 350 - 400kg/ngày).
Giá đỗ tẩm độc bán trong siêu thị được dán nhãn "vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản"… Người tiêu dùng cứ mua ăn mà không biết. Siêu thị cũng cứ bán cả năm mà không biết, chỉ đến khi công an kiểm tra, phát hiện thì mới thông báo thu hồi. Nhưng chất độc đã đi vào cơ thể hàng nghìn, hàng vạn khách hàng thì thu hồi kiểu gì?
Việc rất nhiều người đã ăn phải loại giá độc nói trên chưa phải là đáng sợ nhất. Điều gây kinh hãi hơn cả chính là nguy cơ có hàng vạn, thậm chí hàng triệu người tiêu dùng đang và sẽ ăn các loại thực phẩm độc gắn nhãn an toàn ở rất nhiều siêu thị khác mà không biết, vì chúng sẽ cứ được bán cho đến khi công an phát hiện, phanh phui.
Sau vụ 2.900 tấn giá đỗ ngâm “nước kẹo” độc hại ở Đắk Lắk, mỗi người tiêu dùng đều tự hỏi: Dựa vào đâu để tin thực phẩm được bán trong các siêu thị tiếng tăm là “không hóa chất”, “vì sức khỏe của mọi người” như thông tin trên nhãn mác, khi mà siêu thị cũng như khách hàng, chỉ dựa vào những dòng chữ được in để tin nó là sạch?
Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá nhiều cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường. (Ảnh: CACC)
Lâu nay cả cơ quan chức năng, giới chuyên gia cũng như nhà bán hàng uy tín đều kêu gọi khách hàng hãy làm người tiêu dùng thông thái. Thế nào là người tiêu dùng thông thái? Là chọn sản phẩm hữu cơ, không hóa chất độc hại… Người dân không thể tự xét nghiệm hóa chất mỗi lần mua rau thì làm sao phân biệt sản phẩm sạch? Hãy mua hàng ở những cơ sở uy tín!
Thế nhưng suốt cả năm, một siêu thị uy tín bán ra mỗi ngày 3-4 tạ giá đỗ ngâm chất độc gây não úng thủy, và họ biết về sự thật này không sớm hơn là mấy so với người tiêu dùng. Đại diện Bách Hoá Xanh khẳng định, sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan. Hóa ra hàng trăm tấn giá đỗ độc hại ấy đều có đủ giấy tờ?
Để không mua nhầm thực phẩm bẩn, độc, lâu nay, người tiêu dùng coi các cơ quan chức năng và siêu thị uy tín là bộ lọc. Nhưng vụ giá đỗ ngâm “nước kẹo” cho thấy bộ lọc này dường như vô hiệu. Siêu thị cũng mờ mịt như người tiêu dùng, khoán trắng cho những kẻ lừa đảo mặc sức đầu độc khách hàng của mình, đến khi sự việc vỡ lở mới ngơ ngác thu hồi hay tuyên bố “lập tức cho kiểm tra”…
Chẳng lẽ cuối cùng thì trăm dâu vẫn đổ đầu tằm, người tiêu dùng chỉ có thể dựa vào chính mình để nhận biết thực phẩm độc? Bằng cách nào?
Nếu như các bộ lọc đều không hiệu quả, thực phẩm độc vẫn có đầy đủ các loại giấy tờ pháp lý để bán trong siêu thị với nhãn mác thực phẩm sạch, thì cách duy nhất để làm người tiêu dùng thông thái phải chăng là nhà nhà tự trồng rau mà ăn, tự nuôi lợn mới mong có miếng thịt sạch, quay lại với nền kinh tế tự cấp tự túc?
Tất nhiên là không thể như vậy. Người tiêu dùng có quyền đòi hỏi doanh nghiệp và cơ quan chức năng đảm bảo cho họ, rằng chỉ cần mua hàng ở cơ sở kinh doanh hợp pháp, họ được an tâm mặc định hàng hóa đó là an toàn. Nếu không, siêu thị, nhà vườn và tất cả các lực lượng chức năng liên quan đến chuỗi sản xuất, kiểm tra, giám sát, phân phối đều phải chịu trách nhiệm.
Đừng cứ mãi đòi hỏi người tiêu dùng phải thông thái một cách cô độc nữa, mà siêu thị cũng phải thông thái, cơ quan chức năng cũng phải thông thái.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.