Sốt cao kéo dài, sụt cân, ăn uống kém, buồn nôn, đau bụng, mụn mủ rải rác toàn thân, người đàn ông 62 tuổi được gia đình đưa đến bệnh viện khám. Sau khai thác bệnh sử, bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm, thăm dò chẩn đoán phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV tiến triển (mới phát hiện), suy hô hấp, nhiễm nấm huyết, lao đại tràng, tiểu đường, miễn dịch suy giảm nặng, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Người này có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường type 2, từng bị lao cột sống cách đây 5 năm và đã được phẫu thuật thay 2 đốt sống. Ông cũng thừa nhận cách đây 10 năm từng "quan hệ ngoài luồng" không an toàn nhưng chưa từng xét nghiệm HIV.
Sau gần 1 tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, hết sốt, huyết động ổn định, nhịp tim đều, phổi thông khí tốt, tổn thương da được cải thiện, đại tiểu tiện tốt. Bệnh nhân được xuất viện và chuyển Bệnh viện Bệnh Phổi Trung ương để tiếp tục điều trị và theo dõi bệnh lao.
Nhân viên y tế chăm sóc cho người mắc bệnh truyền nhiễm. (Ảnh: BVCC)
Theo TS.BS Đoàn Thu Trà - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân HIV thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm, bệnh nhiễm trùng cơ hội nên việc chẩn đoán điều trị không đơn giản, nhất là đối với những người đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Vì thế, việc điều trị thành công, cứu sống, kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh không chỉ là từng viên thuốc, từng chế độ dinh dưỡng phù hợp, từng phác đồ điều trị với từng bệnh nhân mà còn là sự bền bỉ nỗ lực không ngừng từ y bác đến điều dưỡng.
Chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thực hành tình dục an toàn, chung thủy. Sử dụng bao cao su khi có quan hệ tình dục, đặc biệt là nếu bạn không biết về tình trạng sức khỏe của đối phương hoặc nếu họ có nguy cơ nhiễm HIV.