Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tủ sách tiếng Việt giữa lòng châu Âu

(VTC News) -

Tình yêu đối với thư viện đã giúp chị Nguyễn Thị Giáng Hương mang sách Việt Nam cũng như tiếng Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Dù đã có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Pháp, nhưng chị Nguyễn Thị Giáng Hương vẫn một lòng hướng về quê mẹ. Đới với chị, việc được dạy tiếng Việt tại trời Âu và có nhiều bạn đọc quốc tế tìm đến sách Việt Nam là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời.

Hiện tại, chị Giáng Hương đang phụ trách mảng Văn học thế giới - chuyên về sách tiếng Việt tại Thư viện Quốc gia Pháp. Ngoài ra, chị còn tham gia các lớp giảng dạy tiếng Việt dành cho người Việt tại nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế có nhu cầu theo học.

Giáo sư Nguyễn Hữu Sơn tặng sách cho Thư viện Quốc gia Pháp.

Thư viện là cuộc sống

Ngay từ những ngày bé thơ, thay vì đến khu vui chơi giống bạn bè cùng trang lứa thì chị Giáng Hương lại tìm đến thư viện ở khu vực trung tâm thành phố để đọc sách.

Chị Hương nhận thấy không gian dành cho sách thiếu nhi, sách Pháp rất dễ thương, tạo nên không gian mới đối với bản thân. Chị có thể ngồi bệt xuống đất, cầm những cuốn sách được minh họa rất đẹp để đọc mà không cần phải gò bó ngồi vào bàn học như ở nhà.

“Thư viện như cuộc sống thứ hai của tôi, đi đâu tôi cũng tìm đến thư viện để đọc sách và kiếm những đầu sách hiếm. Do đó, sau khi sang Pháp làm luận văn tiến sĩ, việc tôi làm đầu tiên là vào website Thư viện Quốc gia Pháp để xem sách và tìm những cuốn sách ở Việt Nam không có”, chị Hương nói.

Cũng chính điều này đã mang đến cho chị Giáng Hương một công việc nhiều người mơ ước. Thời điểm đó, khi đang truy cập vào website của thư viện, chị Hương vô tình nhìn thấy bản tin tuyển dụng công việc liên quan đến tiếng Việt. Ngay lập tức, chị ứng tuyển và được gọi đến phỏng vấn.

Buổi phỏng vấn có đến 6 người tham gia đặt câu hỏi, nên lúc ra về chị chưa bao giờ nghĩ mình có thể trúng tuyển vì câu trả lời của bản thân khá ngây thơ. Không ngờ một tuần sau, chị Hương nhận được thông báo trúng tuyển - niềm vui lớn nhất sau 6 tháng đến Pháp.

"Thời gian đầu tôi vừa làm luận văn tiến sĩ vừa làm việc bán thời gian ở thư viện và công việc này đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu. Sau khi hoàn thành luận văn tôi mới bắt đầu làm việc toàn thời gian tại đây. Sau này tôi lại tiếp tục làm nghiên cứu sinh và cần nhiều đến sự hỗ trợ từ thư viện”, chị Hương cho hay.

Công việc tại Thư viện Quốc gia Pháp hỗ trợ chị Giáng Hương rất nhiều trong hoạt động nghiên cứu.

Dù học nghiên cứu sinh và làm luận văn tiến sĩ về văn học Pháp, nhưng suốt quá trình học, chị Hương luôn có sự gắn bó với Việt Nam. Bởi văn học Pháp là ngành học chuyên nghiên cứu về những tác phẩm do tác giả Việt Nam viết bằng tiếng Pháp.  

Đây là một trong những chi tiết ít người biết đến, vì mọi người thường nghĩ văn học Pháp sẽ liên quan đến nước Pháp. Ngay từ những năm tháng đầu thế kỷ XX đã có nhiều người Việt Nam sang Pháp và sáng tác các tác phẩm để đời tại đây.

Ngoài ra, trong quá trình học tập và nghiên cứu, chị Hương nhận thấy giữa Pháp và Việt Nam có sự giao thoa rất sâu đậm, đặc biệt là văn hóa và lịch sử kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

Hiện tại, chị Hương đã làm việc gần 15 năm tại Thư viện quốc gia Pháp. Dù là cơ hội tình cờ, nhưng lại là may mắn lớn giúp thay đổi cuộc đời của một con người xa xứ. Vì không phải người Việt Nam nào cũng có cơ hội làm việc liên quan đến sách tiếng Việt, ngôn ngữ tiếng Việt ở nước ngoài.

"Công việc tại Thư viện quốc gia Pháp như nguồn năng lượng nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ thời điểm đó đến tận bây giờ. Do đó, tuy sống ở nước ngoài nhưng tôi không có cảm giác luyến tiếc hay cô đơn. Tôi luôn mong muốn bạn bè quốc tế có thể biết đến văn hóa, lịch sử Việt Nam nhiều hơn nữa”, chị Hương bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Giáng Hương chia sẻ về hành trình đến với tủ sách tiếng Việt ở Thư viện Quốc gia Pháp.

Xây dựng tủ sách tiếng Việt tại Pháp

Tại Thư viện quốc gia Pháp, chị Hương là người phụ trách chính về mảng sách tiếng Việt, rộng hơn là mảng sách Đông Dương. Bắt nguồn từ luật lưu chiểu thời Đông Dương, ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia phải nộp tất cả sách in ấn ở bản địa sang Pháp. Từ đó, hình thành kho sách rất quan trọng.

Hiện nay, Thư viện quốc gia Pháp cùng Thư viện quốc gia Việt Nam là hai thư viện sách duy nhất trên thế giới lưu giữ đầy đủ sách thời kỳ Đông Dương thuộc địa. Do đó, cần phải có nhân viên trông coi và xử lý trong trường hợp cần thiết.

Từ bước khởi đầu này đã hình thành sự giao lưu giữa Việt Nam và Pháp. Sau khi hai thư viện thiết lập mối quan hệ kết giao đã thực hiện nhiều đợt trao đổi sách. Chị Hương chính là người trực tiếp phụ trách quá trình trao đổi này. 

“Toàn bộ nội dung của kho sách tiếng Việt trong Thư viện quốc gia Pháp đều do tôi quản lý. Tôi không chỉ quản lý số lượng sách vào, sách ra mà còn phải nghĩ ra hướng phát triển chúng.

Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, Thư viện quốc gia Việt Nam và Thư viện quốc gia Pháp đã cho ra mắt ‘Thư viện số hoa Phượng Vỹ’. Tôi chính là giám đốc khoa học của thư viện số”, chị Hương chia sẻ.

Trong quá trình làm việc tại Thư viện quốc gia Pháp, chị Giáng Hương cũng không khỏi bất ngờ khi nhiều đầu sách quý không có trong nước nhưng lại xuất hiện tại đây. Đặc biệt là những cuốn sách viết vào đầu thế kỷ XX.

“Trước khi sang Pháp tôi từng nghiên cứu và dịch thuật ở khu vực châu Á. Trong quá trình đó, tôi gặp rất nhiều nhà nghiên cứu gặp khó khăn khi tìm những cuốn sách đầu thế kỷ XX - phần quan trọng trong quá trình giao lưu văn hóa Việt - Pháp, mở cửa tiếp nhận văn hóa phương Tây. Đặc biệt, không bao giờ tìm được sách gốc”, chị Hương kể lại.

Tại Thư viện quốc gia Pháp, số lượng sách có thể phủ được 4 - 5 bức tường. Chưa kể đến có rất nhiều sách hiếm liên quan đến Việt Nam, những cuốn sách này viết từ thời kỳ bắt đầu hình thành chữ quốc ngữ hay tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.

Theo chị Hương, đa số bạn đọc quốc tế chú trọng loại sách tiếng Việt có chủ đề lịch sử, văn hóa cổ truyền cũng như văn hóa dân tộc thiểu số. Không chỉ người Pháp tìm đến tủ sách tiếng Việt mà còn cả người Anh, Mỹ, Canada,...

“Từ trước đến nay tôi đã nhận về nhiều phản hồi từ bạn đọc quốc tế, họ rất quan tâm đến sách Việt Nam ở Thư viện quốc gia Pháp. Hầu hết bạn đọc cảm thấy phấn khởi và mừng rỡ khi tìm được những đầu sách hiếm. Cho nên, tôi luôn cố gắng cập nhật và làm mới tủ sách của mình”, chị Hương cảm thấy tự hào.

Trưng bày sách văn học Việt Nam tại phòng đọc Thư viện quốc gia Pháp.

Tuy nhiên, không phải loại sách tiếng Việt Nam nào cũng được lựa chọn để đưa vào Thư viện quốc gia Pháp. Chị Hương cho biết riêng những đầu sách chuyên biệt về Pháp hay lịch sử, khoa học công nghệ thư viện không có chủ trương nhận.

Điều độc giả muốn biết ở một cuốn sách tiếng Việt là nước Việt Nam ở đâu, sử dụng loại ngôn ngữ nào, văn hóa có gì đặc sắc, lịch sử hình thành ra sao. Cho nên, những đầu sách thuộc về văn hóa, ngôn ngữ, con người Việt Nam sẽ là đầu sách được ưu tiên lựa chọn đưa vào tủ sách tiếng Việt của thư viện.

“Sách tại đây dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Vì có những người không biết tiếng Việt hoặc bắt đầu học tiếng Việt họ sẽ cần đến sách học tiếng. Còn những người đã biết tiếng Việt hoặc thậm chí người Việt Nam họ sẽ tìm đến loại sách khác. Do đó, sách tiếng Việt tại Thư viện quốc gia Pháp rất phong phú”, chị Hương thông tin.

Cũng theo chị Hương, việc ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm về sách Việt Nam được xem điều đáng mừng. Trong quá trình làm việc tại thư viện, thay vì tập trung vào sự công nhận của người có tiếng nói, chị Hương lại chú trọng vào thế hệ trẻ, nhất là các bạn sinh viên.

Theo chị, điều quan trọng là phải đào tạo và tạo nguồn động lực cho các bạn trẻ quan tâm đến tiếng Việt, yêu tiếng Việt và tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn về Việt Nam.

Dạy tiếng Việt tại Pháp

Từ trước đến nay khi ở Paris, chị Giáng Hương chưa từng giảng dạy tiếng Việt vì ở đây đã có sẵn phong trào học tiếng Việt. Thế nhưng, khi đến vùng Bordeaux chị nhận thấy mọi thứ ở Paris đã khiến bản thân trở nên lười biếng, không muốn tìm hiểu.

Cho nên, khi rời khỏi Paris chị Hương mới có cái nhìn rộng hơn và nhìn thấy người Việt có ở khắp các tỉnh của nước Pháp. Ở khu vực chị vừa chuyển về sinh sống cũng có rất đông người Việt và phong trào học tiếng Việt tại đây phát triển nhiều hơn so với với trung tâm.

“Kể từ khi đến vùng Bordeaux tôi mới tham gia vào Hội tình bạn Pháp - Việt để dạy tiếng Việt. Hội có lịch sử dạy tiếng Việt khoảng 30 năm. Đây là một điều khá đặc biệt, ngay cả ở Paris cũng chưa có hội nào dạy tiếng Việt có lịch sử lâu đời như vậy. Ở Paris, chỉ có hội người Việt hoặc hội yêu Việt Nam, họ có nhiều hoạt động đi chơi hoặc ăn uống cùng nhau”, chị Hương cho hay.

Lớp tiếng Việt của Hội AFVBA chị Hương tham gia tại Pháp.

Cũng chính từ thời điểm này, tình yêu tiếng Việt trong con người chị Hương mới được khai phóng. Mỗi lớp học của hội có khoảng 10 người học viên với đầy đủ trình độ từ bắt đầu cho đến nâng cao.

Hiện chị Hương chỉ dạy tiếng Việt cho các lớp học của Hội tình bạn Pháp - Việt vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Sau này, hội tiếp mở rộng đối tượng dạy học ra phạm vi thanh thiếu thiếu niên, nhưng lại không có lớp học dành cho thiếu nhi. Điều này khiến chị Hương luôn trăn trở.

“Gần đây tôi có đề xuất với chùa Liên Hoa ở vùng ngoại ô thành phố Bordeaux rằng tôi sẽ tình nguyện dạy tiếng Việt cho các em nhỏ không lấy tiền, phụ huynh ai có nhu cầu có thể đưa các con đến học. Khóa học này tôi dự tính là lồng ghép giữa học và chơi, cho các bé khám phá tiếng Việt, học các bài hát tiếng Việt, câu ca dao, tục ngữ, thơ,...”, chị Hương nói.

Ngoài ra, chị Hương còn mở hai lớp dạy tiếng Việt tại nhà. Một lớp dành cho một bạn sinh viên đang làm nghiên cứu sinh, muốn đọc tư liệu về Việt Nam và một lớp có hai bạn có bố mẹ là người Việt, muốn học thêm tiếng Việt để phục vụ công việc và tạo ra sự kết nối với người thân.

Ngoài người Việt học tiếng Việt, lớp học của chị Hương còn có cả người Pháp. So với những đối tượng khác, người Pháp học tiếng Việt gặp phải nhiều khó khăn khi họ chưa bao giờ học tiếng nước ngoài. Đặc biệt, tiếng Việt lại thuộc một hệ ngôn ngữ khác.

“Văn hóa hai nước cũng có sự khác biệt. Nếu một người Trung Quốc, Nhật Bản học tiếng Việt thì có thể họ sẽ có những cái gần gũi nhất định. Còn đối với người Pháp, ngôn ngữ là một khó khăn rất lớn.

Cho nên, tôi nghĩ bài học đầu tiên rất quan trọng đối với tất cả học viên, làm sao để khơi gọi được sự hứng thú đối với tiếng Việt trong họ. Vì có rất nhiều người sau khi học xong bài học đầu tiên đã cảm thấy không thể vượt qua và bỏ cuộc”, chị Hương bày tỏ.

Hiện tại, trong số học viên người Pháp được chị Hương dạy tiếng Việt có nhiều người đã đạt trình độ khá và đang chuẩn bị sang Việt Nam làm việc. Thậm chí, có một số thành viên đã ở lại làm việc và sinh sống dài hạn tại Việt Nam.

Lớp dạy tiếng Việt tại nhà của chị Giáng Hương.

Thời gian tới, chị Hương hi vọng bản thân có thể đáp ứng được những điều kiện khách quan để lan tỏa tiếng Việt đến với nhiều người hơn và mở lớp ở trình độ đại học, giúp sinh viên Pháp cũng như sinh viên nhiều nước khác biết đến Việt Nam.

Ngoài ra, chị Hương cũng rất quan tâm đến vấn đề chuyên môn hóa trong giảng dạy tiếng Việt. Bởi tiếng Việt khi được dạy theo đúng phương pháp sẽ có sức lan tỏa rất lớn đến người học. Đây là điều rất cần thiết, thậm chí cấp thiết.

“Từ trước đến nay có rất nhiều người yêu thích Việt Nam, có những quan hệ thân thuộc với Việt Nam nhưng không có điều kiện học tiếng Việt vì chưa có phong trào và không có giáo viên. Cho nên, người đi dạy như mình phải biết cách giúp họ tiến gần hơn và đi sâu trong việc học tiếng Việt”, chị Hương nói.

Kông Anh

Tin mới