Đây là nội dung đáng chú ý trong Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Cụ thể, theo quy định mới tại Điều 13 Nghị định 125/2021, hành vi cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính có thể phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính cũng bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Như vậy, chồng không cho vợ đi làm có thể bị phạt tới 5 triệu đồng.
Trước đây, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy hiếp tinh thần nhằm không cho phép thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập vì định kiến giới chỉ bị phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng.
Bên cạnh đó, Nghị định 125/2021 cũng quy định các khung phạt nặng hơn trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình.
Theo đó, phạt từ 5-7 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;
Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.
Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại Điều 15 Nghị định 125/2021, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ thuộc chủ tịch UBND các cấp. Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 3 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền phạt tiền đến 15 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng.