2022 là năm thành công của giáo dục Việt Nam ở đấu trường Olympic quốc tế khi các đội tuyển đều đạt thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự các kỳ thi Olympic từ trước đến nay.
Nhìn lại chặng đường 48 năm qua mới thấy học sinh Việt Nam không ngừng nỗ lực để ghi danh và kéo dài bảng thành tích trên đấu trường Olympia quốc tế.
Việt Nam lần đầu tham gia Olympic Toán quốc tế (IMO) từ năm 1974 và là nước châu Á đầu tiên tham dự kỳ thi này. Tiếp đó, đội tuyển của chúng ta tham gia Olympic quốc tế Vật lý năm 1981, Tin học năm 1989, Hóa học và Sinh học năm 1996. Số lượng thí sinh dự thi mỗi năm từ 4 đến 6, tùy theo môn.
Với lịch sử 48 năm tham dự (hai lần vắng mặt năm 1977 và 1981), cùng với việc có nhiều thí sinh dự thi nhất (6 thí sinh mỗi năm), thành tích của đội tuyển Toán ở IMO đứng đầu so với các môn khác, với 67 huy chương vàng, 113 bạc và 80 đồng. Thứ hạng cao nhất đội tuyển đạt được là hạng 3 toàn đoàn vào các năm 1999, 2007 và 2017.
Đến nay, đoàn Việt Nam sở hữu 698 huy chương ở 5 môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, vươn lên vị trí thứ 8 trên thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Romania, Hungary.
Từ 2013 đến 2022 là giai đoạn đóng góp nhiều huy chương nhất, riêng môn Toán, 21 trong số 67 huy chương vàng đoạt được ở giai đoạn này.
Năm nay Việt Nam có thí sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 ở IMO. Đó là Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 12 của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cách đây hai năm, Ngô Quý Đăng cũng dự thi và trở thành học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng ở kỳ thi vốn dành cho học sinh lớp 12 này.
Ở môn Vật lý, đội tuyển Việt Nam được tổng 25/40 huy chương vàng trong 10 năm qua. Năm nay, cuộc thi này ghi nhận học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam đoạt huy chương vàng. Thành tích này thuộc về em Võ Hoàng Hải, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Số huy chương vàng ở môn Hóa học, Sinh học và Tin học từ năm 2013 đến 2022 tăng nhiều hơn giai đoạn trước đó. Đặc biệt với môn Sinh, Việt Nam giành 8 huy chương vàng trong 26 năm tham gia thì 7 vàng giành được trong 10 năm qua.
Việc Việt Nam giành thành tích cao trên đấu trường Olympic quốc tế, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây nhờ nhiều yếu tố, trong đó phải nhắc đến chính sách phát hiện, bồi dưỡng nhân tài của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PGS.TSKH Vũ Đình Hoà (công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội), chủ nhân huy chương bạc Toán học quốc tế đầu tiên của Việt Nam chia sẻ: "Do đây là kỳ thi đầu tiên không chỉ của chúng tôi mà cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia kỳ thi này, nên các trường chuyên ở miền Bắc (khi đó còn chiến tranh chưa thống nhất đất nước) xôn xao rất lớn về chuyện này”, ông Hoà nhớ lại.
Trước đó một năm, năm 1973, các nước xã hội chủ nghĩa cũng mời Việt Nam tham gia kỳ thi này, nhưng chúng ta chưa nhận lời. Ở Hà Nội, các thầy cho học sinh làm thử đề thi Toán quốc tế lần thứ 15, và nhận định là nếu tham gia thi cũng sẽ có giải.
Những lo lắng của Bộ GD&ĐT không phải không có lý. Khi ấy, miền Bắc tạm thời không bị đánh phá vì Hiệp định Paris được ký trước đó nhưng cả nước thực tế vẫn trong tình trạng chiến tranh, đời sống lúc đó còn rất cực khổ.
Đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế năm 1974. (Ảnh tư liệu: PGS.TSKH Vũ Đình Hoà)
“Tôi còn nhớ những năm tháng đi sơ tán theo trường phải ở nhờ nhà dân, chật chội và chen chúc. Chúng tôi thường phải ngủ 3 người trên một chiếc phản nhỏ. Cơm tập thể thì chậu canh đầy xác ruồi, có lần đến ăn muộn lại không có đèn. Ăn được một lúc rồi, có đèn dầu, chúng tôi đếm được trong chậu canh mấy chục con ruồi. Những ngày ấy, ăn cái bánh mì không chấm đường thôi cũng thấy ngon”, ông Hoà kể lại.
Bên cạnh điều kiện ăn ở khó khăn, ông Hòa và các bạn cũng không có nhiều điều kiện học tập như bây giờ. Tài liệu chủ yếu là vài cuốn sách chuyên Toán và 2 tạp chí của Nga là Математика в школе và Квант.
Khi Bộ GD&ĐT quyết định cử học sinh tham gia kỳ thi Toán quốc tế, mọi việc được khẩn trương triển khai từ khá sớm. Sau mấy vòng tuyển tập trung, hầu hết học sinh giỏi từ các tỉnh thành ở miền Bắc, một đội dự tuyển gồm 9 học sinh được thành lập.
Thời đó, Bộ trưởng Đại học Tạ Quang Bửu cho đội tuyển mượn một phòng lớn để ngủ ở Bộ. Bộ bố trí cho đội tuyển ăn ở nhà hàng đối diện với rạp chiếu bóng công nhân ở phố Tràng Tiền.
Sau mấy tháng bồi dưỡng cấp tốc, đội tuyển Việt Nam được chọn đi thi quốc tế gồm 5 người, rồi đoàn lên đường. Đội tuyển qua Liên Xô, dừng lại một tuần luyện thi với đội tuyển nước bạn. Kỳ thi IMO lần thứ 17 (năm 1974) diễn ra ở thành phố Erfurt của Cộng hòa Dân chủ Đức.
Năm đầu tiên tham dự với muôn vàn khó khăn và bỡ ngỡ, nhưng đội tuyển Việt Nam mang về những tấm huy chương đầu tiên với 1 huy chương vàng (Hoàng Lê Minh), 1 bạc (Vũ Đình Hoà) và 2 đồng (Tạ Hồng Quảng và Đặng Hoàng Trung).
Theo nghiên cứu của Mô hình đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu Toán ở Việt Nam: Thành tựu và Kinh nghiệm, của TS Trần Cường và TS Lưu Bá Thắng, để lựa chọn được những học sinh có năng khiếu Toán, hệ thống chuyên Toán ở Việt Nam dựa vào một kỳ thi đầu vào hàng năm của các trường chuyên.
Để vượt qua kỳ thi này, hầu hết thí sinh phải trải qua quá trình rèn luyện công phu và tập dượt với hàng chục kỳ thi có tính cạnh tranh cao, thường bắt đầu từ đầu cấp THCS.
TS Lưu Bá Thắng, giảng viên khoa Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, sự hướng dẫn, đồng hành bởi những giáo viên có chuyên môn rất quan trọng. Đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia dạy học sinh chuyên Toán luôn được tuyển chọn khắt khe với tiêu chuẩn cao về bằng cấp; thường ưu tiên cựu học sinh chuyên Toán, những người từng tham dự và đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Ở cuối chu kỳ thi cử, Việt Nam có lực lượng hùng hậu những chuyên gia huấn luyện, bồi dưỡng cho đội tuyển tham dự kỳ thi Olympic quốc tế như các thầy Lê Anh Vinh, Đặng Hùng Thắng, Sĩ Đức Quang, Trần Nam Dũng, Lê Bá Khánh Trình, Vũ Đình Hòa....
Không chỉ ở môn Toán, việc phát hiện, tuyển chọn học sinh qua các kỳ thi từ cấp trường, tỉnh, quốc gia, chọn đội tuyển, tập huấn trước kỳ thi cũng được đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhìn nhận là những yếu tố quan trọng góp phần vào thành tích của học sinh Việt Nam ở cuộc thi Olympic quốc tế các môn học.
Với các môn có phần thi thực hành như Vật lý, Hóa học, Sinh học, những năm đầu tham gia, Việt Nam không có huy chương vàng, nhưng giai đoạn 10 năm trở lại đây ghi nhận nhiều do cải thiện được kỹ năng của học sinh ở phần thực hành thay vì chỉ giỏi lý thuyết như trước.
Năm 2018, đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế đạt thành tích cao nhất trong lịch sử với 3 huy chương vàng, 1 bạc. Em Nguyễn Phương Thảo (thứ 3 từ trái sang), trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có điểm thi cao.
Việc đầu tư cho thực hành được thể hiện rõ ở việc tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận môi trường sớm, không chỉ được luyện tập ở trường phổ thông mà còn ở các phòng thí nghiệm hiện đại thuộc các đại học.
Như năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam có học sinh đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành ở Olympic Hóa học quốc tế. Em Trần Bá Tân, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, một trong ba thí sinh giành điểm tuyệt đối phần thực hành năm đó, chia sẻ kết quả đạt được là nhờ được rèn luyện rất nhiều trước khi lên đường thi đấu.
Bên cạnh đó, sự cống hiến, nỗ lực của giáo viên; thành tích của những năm trước hay các tấm gương học sinh giỏi, vượt khó để giành huy chương quốc tế cũng tạo động lực cho học sinh khóa sau.
Trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ mang chuông đi đánh xứ người, đội tuyển Olympic các môn học đạt được nhiều thành tích, giúp vị thế ngành giáo dục của Việt Nam được nâng lên trên trường quốc tế. Mỗi tấm huy chương đạt được đều thấm đẫm mồ hôi công sức của cả các em học sinh và các thầy cô ôn luyện đội tuyển.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ từng đánh giá, qua các năm thành tích của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế cao hơn nhiều so với giai đoạn từ 2000-2010. Số lượng huy chương vàng tăng lên, thứ hạng của Việt Nam sau mỗi lần thi cũng tăng lên đáng kể.
“Hơn ai hết, sự thành công và kết quả thuộc về chính các em học sinh. Đây là sự khởi đầu tốt đẹp của các em, là dấu mốc lịch sử quan trọng và là nền tảng để các em tiếp tục nỗ lực, cố gắng gặt hái nhiều thành công trên những chặng đường tiếp theo”, ông Độ nói.
Lãnh đạo ngành giáo dục cũng bày tỏ hy vọng với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, học sinh Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị trí trên đấu trường trí tuệ khu vực và quốc tế trong tương lai.