Nguyễn Minh Nguyệt (20 tuổi, Hà Nội) sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tìm đến khoa Mắt, Bệnh viện E thăm khám trong tình trạng mắt đau nhức, mất thị lực.
Cách đây 1 tuần, Nguyệt thấy mắt ngứa, đỏ, cộm. Thời điểm này dịch đau mắt đỏ đang diễn ở nhiều quận trên địa bàn Hà Nội nên cô tự chẩn đoán bản thân bị đau mắt đỏ. Nữ sinh tự mua thuốc uống và nhỏ về dùng liên tục trong 6 ngày.
Tuy nhiên tình trạng đau mắt không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Ở ngày thứ 6 cô không còn nhìn thấy nữa mới hoảng loạn gọi người nhà đưa vào viện thăm khám.
Bác sĩ Nguyễn Duy Bích (khoa Mắt, Bệnh viện E), người trực tiếp thăm khám cho Nguyệt chia sẻ, bệnh nhân đến viện muộn, chẩn đoán bị loét giác mạc nghi do nấm và mủ tiền phòng.
“Nữ sinh này đang được điều trị chuyên khoa theo phác đồ và tư vấn của bác sĩ để lấy lại thị lực”, bác sĩ Bích nói.
Hình ảnh tổn thương mắt của nữ bệnh nhân sau khi tự ý dùng thuốc khi bị đau mắt đỏ. (Ảnh: BS Nguyễn Duy Bích)
Theo bác sĩ Bích gần đây, bệnh viêm kết giác mạc (đau mắt đỏ) diễn biến phức tạp tại Hà Nội, TP.HCM, số lượng người mắc tăng cao. Đáng nói, nhiều trường hợp mắc bệnh do chủ quan, tự ý điều trị dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viêm kết giác mạc cấp được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ điều trị, chủ quan không đi khám sớm hoặc người có đề kháng yếu thì người bị viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc) gây ra nhiều biến chứng như: viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).
Hiện nhiều người còn chủ quan trong điều trị đau mắt đỏ, không cần biết nguyên nhân đã ra hiệu thuốc mua kháng sinh về nhỏ và điều trị. Điều này rất nguy hiểm, gây nhiều tác dụng phụ, biến chứng, thậm chí là mù lòa.
Ví dụ như người bị nấm giác mạc nếu không biết, thấy ngứa, đỏ mắt liền mua thuốc có chứa corticoid về nhỏ mắt sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc, hoặc sẽ làm cho vết loét rộng, lâu lành sẹo, nặng có thể dẫn đến thủng giác mạc, gây mù.
Một số trường hợp khác, nhất ở vùng nông thôn khi bị đau mắt đỏ, người dân thường dùng mẹo để chữa, khiến tình trạng bệnh càng nặng thêm.
“Mẹo chữa đau mắt đỏ thường gặp nhất là xông lá trầu không, ngoài ra có nơi dùng đuôi lươn đắp lên mắt để. Đặc biệt, gần đây còn rộ lên trào lưu nhỏ nước tiểu vào mắt để chữa đau mắt đỏ”, bác sĩ Bích chia sẻ về một số mẹo điều trị sai lầm của người dân.
Vị chuyên gia nhãn khoa này khẳng định, các phương pháp truyền miệng như trên là phản khoa học, đặc biệt sẽ làm tình trạng viêm nhiễm nặng thêm, thậm chí gây mù lòa không thể cứu chữa được. Do vậy, người dân tuyệt đối không nghe theo tin đồn để làm theo.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang.
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán Bộ Y tế.