Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguy cơ bùng dịch đau mắt đỏ ở TP.HCM, bác sỹ chỉ cách phòng ngừa

(VTC News) -

Bệnh đau mắt đỏ đang tăng vọt, lây lan trên diện rộng tại TP.HCM, mỗi người nên tự phòng tránh để bảo vệ bản thân trước nguy cơ bùng dịch.

Tính từ đầu năm 2023 đến 31/8, tổng số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca.

Trong đó, có 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59% (cùng kỳ năm 2022 là 873 ca biến chứng, chiếm 1,63% tổng số ca bệnh).

Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,54% tổng số ca bệnh). 

BS.CKI Trần Thị Thúy Ngân - Trưởng Khoa Mắt - Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông (TP.HCM) cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ như tác nhân dị ứng, virus và vi khuẩn gây bệnh, có thể bùng phát thành dịch vào thời điểm giao mùa.

"Đây là bệnh dễ lây lan nhất là với tác nhân là virus, đường lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi. Trong đó, Enterovirus và Adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay. Trong đó, chiếm ưu thế là Enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là Adenovirus chỉ chiếm số ít (14%)", BS Ngân nói.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ.

Theo BS Ngân, khi không có dịch đau mắt đỏ, mọi người cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Dùng riêng gối, chăn, khăn rửa mặt, giặt sạch khăn mặt và phơi khăn ngoài nắng hàng ngày. Không được dùng tay dụi mắt, thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc mắt.

"Hiện nay, số ca đau mắt đỏ tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý: rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hàng ngày bằng nước muối 0,9%, ngày 2-3 lần; không dùng chung thuốc nhỏ mắt với người đau mắt; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt, hạn chế đến những nơi có nhiều mầm bệnh như: bệnh viện, chỗ đông người... Không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không đi bơi", BS Ngân lưu ý

BS.CKII Trần Hiếu, Trưởng khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM), cho biết, triệu chứng thường gặp gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có dị vật trong mắt, kích thích chảy nước mắt, xuất tiết (có thể rỉ trắng, dịch tiết dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể gỉ xanh - vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn).

Bên cạnh đó, trẻ có thể kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ... Đặc biệt, trẻ có thể xuất hiện giả mạc là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc dễ bong tróc khi dụi và gây chảy máu.

Theo BS Hiếu, khi nghi ngờ bệnh đau mắt đỏ, cần rửa mắt 2-3 lần/ ngày bằng nước muối 0.9%; tránh khói bụi, đeo kính khi ra khỏi nhà; vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc mắt; không nên ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, cần ngủ riêng. Trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đi bơi hay tham gia hoạt động tập thể để tránh lây nhiễm.

Ghi nhận tại Bệnh viện Gia An 115, số ca đau mắt đỏ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Người bệnh cần được nghỉ ngơi, dùng thuốc theo đơn. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt; không đắp các loại lá hoặc chất kích thích vào mắt; không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác; không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc; đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi...

Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh. Cần sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. Sau đó, bỏ rác vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh,

"Hạn chế tiếp xúc nơi đông người, khi có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ, cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều gỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng (nếu có)", BS Hiếu lưu ý.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ; người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. 

Lâm Ngọc

Tin mới