Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Truyện ngắn: Đám cưới ngày xuân

09:00 13/02/2021 Phim
(VTC News) -

Nàng hỏi: "Anh muốn em đi lấy chồng lắm hay sao, tuổi của em giờ lấy ai, ai lấy?", Du định bảo nếu không ai lấy thì cứ ở vậy với Du suốt đời ở cái xó chợ này có sao.

Du ngồi ngóng qua sạp bên kia, tay vặn đài FM dò sóng tìm chương trình hát cải lương nghe chơi. Ở bên đó, Thy vừa ngồi bóc kiệu vừa nhìn đám lá vụn, nylon, rác rưởi bị gió thổi đang dạt hết về cuối chợ. Hai bảy Tết, người ta bận nhóm lửa nấu bánh tét, chế biến món canh khổ qua, thịt kho hột vịt. Còn Thy và Du thì vun rác đốt chơi cho đỡ buồn. Du bán hoa, còn Thy bán đủ thứ đồ lặt vặt. Chợ là nhà nên lúc ngó chợ tàn cũng là lúc thấy thương nhau…

Du ví cái chợ quê này chẳng khác gì thân gái. Lúc đông đúc chen lấn bán mua, tươi non đến từng mớ rau con cá. Lúc chợ tàn xác xơ mái lá, nằm cạnh bến sông nghe gió khua ràn rạt bỗng thèm tiếng chân người. Tết đến xuân về, nơi đâu cũng tưng bừng, phấn khởi. Người mặc áo đẹp, nhà sơn màu mới, đến ngoài nghĩa trang cũng hương khói ấm nồng. Chỉ có góc chợ này 10 năm rồi không thấy Tết nào vui.

Lúc vắng khách, Thy hay ngồi chải tóc. Chẳng cần ngồi gần cũng biết tóc Thy nồng mùi phù sa do gội nước sông. Sống trong góc chợ, Thy chẳng biết phải đào giếng chỗ nào. Mà cô cũng nghĩ cuộc sống chợ búa này chỉ là tạm bợ, biết mai sẽ đi đâu về đâu, nhỡ hứng lên dỡ quách cái sạp hàng, chất ngất nghểu lên xe ba gác rong ruổi khắp nơi, đến khi muốn quay lại sống cảnh chợ tàn thì chỗ này đã thuộc về người khác rồi, nên đào giếng làm gì? Cái ý nghĩ ấy khiến tóc Thy ngày càng đỏ quạch.

Mờ sáng hai tám Tết, lúc Du còn đang cuộn chăn bông ngủ nướng thì Thy đã sang đập cửa uỳnh uỳnh. Du quạu quọ toan mắng vài câu nhưng bỗng đứng hình trước bộ dạng chỉn chu khác thường của nàng. Thy diện chiếc váy bó sát khoe đường cong cơ thể. Thy mà cũng sexy đến thế này ư? Cũng ba vòng nuột nà đến thế kia ư? Thy như không còn là Thy của cái góc chợ tàn này nữa. Hay là Du đang mơ?

 

"Sáng bảnh mắt rồi còn mơ mẩn nỗi gì. Em chán sống thế này lắm rồi. Em phải thay đổi để sống khác đi. Coi sạp hàng giúp em nghe. Trên phố đang có mấy cửa hàng làm tóc treo bảng giảm giá cuối năm. Em lên đó ngó coi mình hợp với kiểu nào".

Du chưa kịp nói gì thì Thy đã õng ẹo đi. Chao ôi, cái dáng đi học đòi kiểu cách ấy khiến Du vừa ngỡ ngàng lại vừa buồn cười. Túi nilon bay lạo xạo trên mặt đất vướng cả vào gót giày Thy. Lúc này, Du mới sực tỉnh quát với theo: "Không lạnh hay sao mà ăn mặc hở hang vậy hả? Chẳng ai chết vì xấu nhưng người chết vì lạnh thì có đấy". 

Mới nói đến đó thì dáng Thy đã khuất vào khúc quành ngõ chợ.

Du đến chợ này khi Thy mới vừa đôi mươi. Hôm Du một mình dựng quán cũng vào lúc chợ tàn, Thy mang sang nắm lạt giang, bảo để buộc cho chắc chắn. Đến trưa, Thy bưng âu cơm nóng với cá khô kho tiêu, bảo Du ăn cho ấm bụng. Tối, Thy đứng ngấp nghé bên ngoài hỏi trống không “nhà có chăn ấm hay chưa?”. Du chưa kịp trả lời thì đã thấy Thy dúi vào tay cặp chăn gối đã cũ màu.

Có hàng xóm nên Thy thấy vui, dù nhiều khi cái nhà đối diện cứ bật cải lương nghe não nề muốn chết. Tối đến, Du ngồi bên kia tập đàn thì Thy ngồi bên này thêu khăn. Cũng có khi, Thy chỉ ngồi yên ngó mẹ, ngó thật lâu. Gió luồn quanh các lán rin rít rồi co rút lại cuối chợ thổi tóc rối mù. Thy cứ tự hỏi, đến tóc còn biết lạnh, biết buồn, mà sao mẹ cứ bám riết mãi nơi đây? Du bất chợt ngẩng lên gặp đúng cảnh tượng hai người phụ nữ và những chiếc bóng đổ dài về một phía xuống nền chợ, qua ánh đèn măng xông đung đưa trước gió. Người đàn bà ngồi ngóng sông đêm, còn cô thiếu nữ ngắm thân phận mẹ mình trong bóng hình chờ đợi. Vì thương mấy cái bóng ấy mà Du cứ lần chần ở lại nơi này. Chứ lúc vừa mới đặt chân tới đây, Du cứ tự hỏi, làm sao mà sống lâu dài ở cái nơi rốn gió thổi quần quật suốt ngày.

Từng có thời, hai nhà dọn chung mâm cơm giữa lối đi. Bữa cơm lúc nào cũng có cá khô kho vì sẵn trong sạp. Thỉnh thoảng Du đi cất vó thì có tôm tươi đổi bữa. Nếu chịu khó bẫy chim, 3 người có cái lai rai với rượu ngô, cứ gọi là chất ngất. Thy uống tài lắm. Chỉ có điều, Thy ghét việc bẫy chim trời…

Cứ say là Du hát, mà lại toàn hát cải lương vở chia ly từ biệt. Mẹ Thy khóc rưng rức, tóc xõa rũ rượi, có hôm buông cả xuống chậu than. Tóc khóc xèo xèo khét lẹt. Thy chẳng thể chịu được mấy lời ca mùi mẫn bi kịch đó nên vớ hai cái vung xoong múa may quay cuồng như Xúy Vân giả dại, lúc nào mệt lử thì gục xuống ngủ luôn giữa màn trời thông thốc gió. Còn Du, hôm sau có người đi chợ sớm lay dậy, vẫn còn nghe thấy tiếng tóc khóc bên tai.

Rồi Du không còn cơ hội nghe thấy tóc khóc nữa, vì năm Thy 23 tuổi thì mẹ nàng bỏ chợ mà đi. Không rõ hướng nào, nhưng Du cứ quả quyết mẹ Thy đi về phía dòng sông. Nhiều lúc buồn quá, Thy trách mẹ sinh Thy ra làm gì để rồi bỏ nàng lại giữa chốn đời trơ khấc thế này? Du chẳng bật cải lương mà cũng thấy lòng đang úa dần từng khúc.

                                         * * *

Đến tối muộn thì Thy về với mái đầu đen nhánh. Thời buổi này thiên hạ nhuộm ánh kim, hạt dẻ hoặc vàng khè, còn Thy lại ngược đời tha thiết với tóc đen. Hỏi vì sao? Thy thở dài bảo: "Ờ, thì tại quanh năm tóc đỏ quạch một màu sông nước nên thử nhuộm đen xem có khác gì không".

 

Hỏi thì hỏi vậy thôi, chứ Du biết, kỳ thực là Thy đang nhớ mẹ. Du chưa thấy tóc ai dài mà đẹp như tóc người đàn bà ấy, dẫu có gội nước sông hay nước thời gian mấy chục năm thì vẫn cứ đen nhức nhối. Lúc có mẹ ở bên, tóc Thy cũng đâu đến nỗi xác xơ. Mùa hè, mẹ Thy thường chắt nước thau nhôm phơi ra giữa nắng, rồi thả mấy quả bồ kết bẻ nhỏ, lấy nước cho nàng gội đầu. Du tích đầy vỏ bưởi khô trong nhà, cứ thấy chậu đang phơi là thái ít vỏ bưởi rắc thêm vào. Sau này, Thy không bao giờ gội đầu bồ kết nữa. Dầu gội thiếu gì loại, đủ các mùi hương, sao phải tốn công sức làm gì. Du cũng chẳng có lý do tích vỏ bưởi trong nhà vì không muốn Thy chạm vào đâu cũng nhói lòng gặp hình bóng mẹ. Sao hôm nay bỗng nhiên Thy lại đi nhuộm tóc?

Thy không trả lời, mang lược gương ra chải rồi liếc nhìn qua bên kia. May quá, Du không bật cải lương mà ngồi tựa cột, không ngắm Thy, cũng chẳng ngắm chợ tàn. Chỉ có Du mới hiểu mình đang ngó đăm đăm vào ký ức. Mà ký ức của Du có nhiều nhặn gì đâu, cũng lèo tèo như cái chợ nghèo này vậy. Du nhớ ngày mẹ Thy bỏ đi không nói một lời, chỉ thấy nắm tóc đen dài treo phất phơ trên mái lá. Không có điều gì tàn khốc bằng sự đợi chờ vô vọng, nên đã mấy lần, Du toan nói với người đàn bà ấy rằng, thôi đừng chờ đợi một bóng hình thiên cổ. Nhưng Du không làm được, cũng chẳng thể nhấc chân khỏi cái chợ nghèo, chỉ vì trước lúc chết, cha dượng đã cậy nhờ Du chăm sóc hai mẹ con Thy.

Nhiều lúc Du cứ thắc mắc là tại sao người ta có thể bỏ bê máu mủ của mình để đi chăm con người dưng thiên hạ, như cách mà dượng bỏ mẹ con Thy lại xó chợ này để về làm trụ cột cho mẹ con Du. Du đã từng rất hạnh phúc khi được cha dượng đưa đến trường, được  bênh vực trước đám bạn ngỗ ngược lúc nào cũng chỉ muốn bắt nạt thằng con hoang không bố, được ông làm cho con quay, diều giấy và để dành từng xâu muồm muỗm trong túi áo sau buổi làm đồng.

Rồi mẹ Du mất sau một trận sốt li bì không rõ bệnh tình. Dượng đi làm thuê làm mướn nuôi Du học hết trường làng. Ông đã thương yêu Du bằng tình cảm ấm áp. Những lúc ấy, có thể Thy đang ngồi nhặt cỏ may bám nhặm gấu quần, đang nhai cá khô đến trẹo hàm và ước chi mình cũng có người đèo đi học. Trong đêm mưa gió tơi bời, quán lá dột tứ tung, chắc Thy đã ước nhà có cha để mẹ không phải bắc thang leo lên trầy trật. Giữa cơn sốt li bì, biết đâu Thy đã hỏi trong vô thức “cha con đâu?”. Mỗi lần nghĩ vậy, Du đều thấy mình không đủ can đảm để nói ra sự thật. Làm sao có thể thản nhiên mà nói với Thy rằng, chính Du đã lấy mất tất cả những gì hạnh phúc mà nhẽ ra phải thuộc về nàng?

 

Dượng mất, Du không còn ai thân thích trên thế gian này ngoài món quà cuối cùng dượng trao lại như trách nhiệm. Nhớ lại hôm đầu mới đến đây, lúc được Thy dúi vào tay âu cơm ấm nóng, trong lòng Du đã nuôi mộng ước được sống trong bao bọc gia đình. Du tha thiết muốn bù đắp lại cho mẹ con Thy một phần ấm êm đã mất. Nhưng hình như Du chỉ càng làm cho cái xó chợ này thêm buồn bã. Đã có lúc Du tính sẽ bỏ đi trong một đêm tối đen như mực, rồi lại tự hỏi liệu Thy có chờ đợi Du như cái cách mà mẹ nàng đã yêu và sống hay không? Khi câu hỏi ấy bật lên cũng là lúc Du biết trái tim mình đã thuộc về góc chợ này thật mất rồi. Làm sao có thể rời xa khi lòng mình biết thương mái tóc đỏ quạch ấy đến thắt lòng?

Bàn chân Thy sưng tấy vì đi dép cao gót không quen, nàng liên tục xuýt xoa như đứa trẻ. Du quẳng cho hộp dầu con hổ rồi nói khơi khơi: "Em định lấy chồng hay sao mà tập đi dép cao gót vậy? Vứt quách đôi dép đó đi, ngày em làm cô dâu, anh sẽ đóng cho đôi guốc mộc". "Anh muốn em đi lấy chồng lắm hay sao? Tuổi của em giờ lấy ai? Ai lấy?".

Du định bảo nếu không ai lấy thì cứ ở vậy với Du suốt đời ở cái xó chợ này cũng có sao, nhưng ý nghĩ ấy chưa kịp bật thành lời thì đã bắt gặp ánh mắt nàng nhìn ra sông đắm đuối. Sông hôm nay không còn cái vẻ quạnh hiu thường nhật nữa, bởi dưới bến đò, người ta đang tổ chức rước dâu. Cô dâu ôm hoa cưới màu hường bẽn lẽn bên chú rể. Trong lúc đợi thuyền, Du thấy họ cùng xuống bốc một nắm cát nhỏ cho vào chai.

Đám cưới ngày xuân cũng tưng bừng hơn hẳn ngày thường. Hình như ai cũng thừa thảnh thơi để vui hết mình cùng hạnh phúc đôi bạn trẻ. Tự nhiên Du nghĩ Thy mặc váy cưới chắc sẽ xinh đẹp lắm. Mà biết đâu năm sau lại có một đám cưới được tổ chức ngay giữa chợ vào đúng ba mươi Tết thì sao? Sân khấu ngoài trời được dựng lên ở khoảng trống giữa hai sạp hàng. Chú rể vừa đeo nhẫn cưới cho cô dâu vừa giữ cái rèm bay phần phật. Khách đến dự đám cưới tay còn xách con gà đang giẫy đạp, một khoanh giò hay ít hành hoa. Có người mua bán quên cả trả tiền, cầm hàng xong là chạy vào giữa đám đông loi choi xem cô dâu chú rể hôn nhau. Hoa nhập về không bán, chỉ để trang trí vậy thôi. Lễ cưới xong sẽ tặng chậu hoa cho tất cả bà con đến dự. Đám cưới không hề có thùng đựng phong bì. Chỉ có mấy cái rổ để ngay lề sân khấu, người tặng cặp bánh chưng, người chúc phúc bằng vài ba lạng thịt. Trẻ con có đứa tần ngần đưa cho cô dâu chú rể chiếc kẹo đang bóc dở. Các cụ già thì sẵn vôi têm trầu mời nhau ăn lấy phúc…

Liệu đây có phải là giấc mơ đẹp nhất mà Du từng có trong đời? Và biết đâu trong đám đông chúc phúc ấy có mẹ của Thy. Bà trở về với mái tóc đã đen dài trở lại. Tóc bà cũng thơm như tóc Thy sau một năm dài gội bồ kết Du đun…

Vũ Huyền Trang

Tin mới