Lãnh đạo Truyền hình K+ cho biết, năm 2020, dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều giải đấu thể thao lớn như Ngoại hạng Anh, EURO 2020 phải dừng hoãn, nên 6 tháng đầu năm, nhu cầu xem truyền hình giảm khá rõ. Khách hàng chỉ chủ yếu xem thời sự diễn biến COVID-19 và vài kênh miễn phí.
Doanh thu của nhà đài truyền hình trả tiền tại Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng do các nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Netflix…
Sự rời bỏ thuê bao, một phần là do suy giảm thu nhập nên khách hàng ngừng gia hạn để tiết kiệm chi phí. Song, nguyên nhân chủ yếu là sự xuất hiện của nhiều kênh giải trí, app truyền hình, VOD xuyên biên giới như Netflix, iFlix… Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay là sự gia nhập thị trường của iQIYI, WeTV, Disney+, Amazon…
Theo lãnh đạo Truyền hình K+, nói về phim ảnh thì không đài nào hơn Netflix, iFlix. Các nền tảng xuyên biên giới không hề được kiểm duyệt, biên tập, trong khi các kênh truyền hình, nội dung số của Việt Nam thì bị siết chặt, nên việc truyền hình trả tiền bị bóp chết là điều dễ hiểu.
“Nếu như năm 2016, các đơn vị OTT, truyền hình nước ngoài mới chỉ chiếm 10% thị phần, thì đến nay họ đã giành tới hơn 50%, thậm chí tại một số địa bàn đô thị còn vượt xa 50%. Điều này tác động rất lớn tới các doanh nghiệp nội, khiến doanh thu truyền hình trả tiền ngày càng sụt giảm”, ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) cho biết thêm.
Những nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Netflix, iFlix, iQIYI, WeTV, Disney… đang lấy đi phần lớn khách hàng và doanh thu của ngành truyền hình tại Việt Nam. Liên tiếp trong vòng nhiều năm trở lại đây, các đài truyền hình tại Việt Nam đang mất đi trung bình từ 15-25% doanh thu quảng cáo mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, xu thế chung của các nhà đài là cắt giảm nhân sự, quỹ lương, cắt giảm các hợp đồng mua bản quyền, cắt giảm kênh và chuyển nội dung sang các nền tảng mới như OTT.
Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng nhận định, mạng xã hội và các phương thức truyền thông đa phương tiện, thiết bị thông minh, xu hướng số hóa tiếp tục phát triển mạnh, khiến các đơn vị gặp khó khăn trong duy trì khán giả. Nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo sụt giảm do sự cạnh tranh từ các phương tiện truyền thông khác, đặc biệt là hai nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới YouTube và Facebook.
Thêm nữa, do các nhà đài trong nước cạnh tranh quyết liệt, khiến giá mặt bằng truyền hình trả tiền thấp, doanh thu trên thuê bao khoảng 40.000 đồng/tháng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Trong khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài chưa được quản lý bằng quy định cụ thể (cấp phép, đóng phí, thuế, biên tập nội dung...), khiến môi trường kinh doanh chưa bình đẳng.
Để sống sót trong cuộc cạnh tranh mà nhà đài Việt Nam luôn yếu thế thì buộc họ phải chuyển đổi số bằng cách mở rộng kênh phân phối nội dung, đưa toàn bộ kinh doanh, sản xuất lên nền tảng số.
Theo một chủ doanh nghiệp nhà đài trong nước thì nhà đài phải chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận mất đi vị thế số 1 về lượng người xem khi hàng loạt loại hình mới như báo chí, mạng xã hội, nội dung số sẽ tham gia vào truyền hình. Đặc biệt cần phải tổ chức lại sản xuất, phân phối nội dung và phân chia lợi nhuận.
Được biết, năm 2020, PayTV đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng, Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan quản lý liên quan xem xét và hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật đủ chế tài để quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình, các kênh phát thanh truyền hình xuyên biên giới.
Theo đó, PayTV đề nghị, nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn, chưa có công cụ quản lý hữu hiệu thì tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như Netflix, Iflix, Amazon, Facebook, WeTV, Iqiyi...