Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dịch COVID-19, thu nhập doanh nghiệp quảng cáo giảm sút 30 - 40%

(VTC News) -

Doanh nghiệp quảng cáo lớn, nhỏ hoạt động ở khu vực phía Nam phải chật vật, gồng gánh thậm chí là dừng hoạt động trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nhiều tổ chức không có nhu cầu thuê các dịch vụ quảng cáo nên hầu hết các công ty quảng cáo đều phải tìm mọi giải pháp để “săn” các hợp đồng quảng cáo mới. Tuy nhiên, sự nỗ lực trong mùa dịch của các công ty quảng cáo hầu hết là chưa đủ, số lượng hợp đồng của nhiều doanh nghiệp giảm sút khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước.

Chạy quảng cáo cầm chừng

Cụ thể, năm 2020, Công ty Quảng cáo Toàn Dũng (TP. Nha Trang) gặp nhiều khó khăn về các dịch vụ quảng cáo vì lý do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều hợp đồng quảng cáo của công ty đang triển khai vẫn còn hiệu lực buộc phải dừng lại theo yêu cầu từ phía khách hàng, đối tác.

Công ty phải đối mặt với một số trường hợp bên khách hàng và đối tác ép giá với mức kinh phí hoạt động rất thấp nếu muốn được thuê lắp đặt các phương tiện quảng cáo. Nếu công ty muốn có hợp đồng quảng cáo để thực hiện thì phải chấp nhận theo đề nghị trên.

Trước tình hình dịch vụ quảng cáo bị ép giá nặng nề, giá tri hợp đồng quảng cáo cũng bị giảm sút, ông Huỳnh Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty Quảng cáo Toàn Dũng - cho biết doanh thu từ hoạt động quảng cáo của công ty giảm rất sâu, tháng nào cũng lỗ. Nhưng để giữ chân được nhân viên, công ty phải nỗ lực cao độ để xay vòng công việc và phân chia cho ai cũng có việc làm.

Hiện tại công ty có 30 nhân viên, với những lao động có việc làm thì được nhận 100% lương còn với lao động đang chờ việc thì được trả 50% lương theo quy định.

Đây cũng là vấn đề mà Công ty TNHH Đầu tư và Quảng cáo Nha Trang gặp phải trong giai đoạn khó khăn này.

Các doanh nghiệp cũng đang trong tình trạng hoạt động sản xuất cầm chừng nên nhu cầu về vấn đề quảng cáo, quảng bá sản không có tính tất yếu. Tình trạng này kéo theo các công ty quảng cáo trên địa bản chấp nhận cảnh hoạt động trì trệ, cầm chừng.

Nhiều công ty quảng cáo nhận hợp đồng theo hình thức xã hội hóa nhưng trong tình hình khó khăn đưa ra một số kiến nghị, đề xuất lên lên Sở Văn hóa và Thể thao để tìm cách tháo gỡ.

Liên quan đến tình hình này, Bà Trần Kim Thanh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Quảng cáo Nha Trang cho biết thêm: “Trong bối cảnh khó khăn, chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức để tạo việc làm và thu nhập cho đội ngũ nhân viên. Đây vừa là cách để giữ chân người lao động, vừa chia sẻ với khó khăn với họ. Trước tình hình đó, chúng tôi mong muốn được các sở, ngành liên quan tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

Siết chặt quảng cáo trực tuyến

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Google và Facebook được đánh giá là hai nền tảng được tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất ở Việt Nam, chiếm 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.

Tuy nhiên hai nền tảng này không được Nhà nước cấp giấy phép cung cấp dịch vụ, không thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì các trang mạng xã hội này hoạt động chính trên nền tảng Internet và không có chi nhánh công ty tại Việt Nam.

Trong khi đó doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ đóng thuế theo quy định là 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp quảng cáo trong nước vừa gặp khó khăn vừa bị bất công.

Theo Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ ký ban hành đã chính thức có hiệu lực từ 15/9/2021, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.

Cũng theo nội dung Nghị định, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có), cùng với đó là đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ…

Hơn nữa, Nghị định còn nêu, các nền tảng không đặt sản phẩm quảng cáo với nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Luật An ninh mạng, Luật Sở hữu trí tuệ; thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông là phải có giải pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ sản phẩm quảng cáo vi phạm.

Theo các chuyên gia, đẩy mạnh hành lang pháp lý, siết chặt thông tin là giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp quảng cáo vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19.

BẢO HƯNG

Tin mới