Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT ban hành nêu, khi phát hiện học sinh là F0, cán bộ y tế trường và ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở trường cho dừng tiết học và xét nghiệm SARS-CoV-2 kháng nguyên toàn bộ học sinh, giáo viên trong lớp. Nếu học sinh nhận kết quả dương tính với nCoV thì xử lý y tế, cách ly theo quy định. Còn học sinh xét nghiệm âm tính nCoV thì được đi học trở lại bình thường.
Lẫy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Tốn kém, không hiệu quả
Quy định trên khiến nhiều trường gặp khó trong triển khai. Cô Trần Thị Huyền Trang, hiệu trưởng một trường THCS ở Phú Thọ chỉ ra nhiều điểm bất cập với tình hình thực tế.
Thứ nhất, ngay khi xuất hiện học sinh F0, nếu xét nghiệm nhanh các em tại lớp thì rất khó phát hiện thêm F0 khác do virus cần một thời gian ủ bệnh mới có thể cho kết quả xét nghiệm chính xác. Thứ hai, nếu 1 học sinh bị mà xét nghiệm nhanh cả lớp sẽ gây tốn kém về mặt kinh phí và thiết bị y tế. Mỗi kit test nhanh trên thị trường hiện nay giá khoảng 50.000 đến 80.000 đồng, trong khi một lớp học trên dưới 40 người. Lấy kinh phí mua kit test từ quy trường hay quỹ lớp đều quá tốn kém.
Nữ giáo viên cho rằng nên quy định mở chỉ xét nghiệm những em học sinh tiếp xúc gần với F0 hoặc cho các em về nhà để phụ huynh tự test rồi thông báo kết quả với nhà trường.
Cô Hoàng Thị Tuyết, phó hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội chia sẻ, sau 3 tuần học trực tiếp, trường ghi nhận hơn 90 F0 và 190 F1 là giáo viên và học sinh. Mỗi khi phát hiện học sinh F0, trường thực hiện theo các bước hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cho toàn bộ học sinh có mặt tại lớp xét nghiệm.
"Trước khi mở cửa đón học sinh trở lại học trực tiếp, trường trích tiền quỹ mua 200 kit test nhanh, giá 70.000 đồng/chiếc. Sĩ số lớp trung bình khoảng 45 em, khi phát hiện F0 ở lớp thì trường phải dùng 10 - 25 kit test (gộp 2- 3 học sinh/mẫu). Hiện chỉ còn khoảng hơn 10 kit test, dự kiến trường phải mua thêm số lượng lớn vì tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng. Thời gian tới, nếu không được cấp, về lâu dài trường không đủ kinh phí mua sắm kit test", cô nói.
Theo cô, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT nên xem xét lại hướng dẫn trên, để các trường linh hoạt trong xử lý. Thực tế, nhiều khi học sinh có triệu chứng, gia đình cho xét nghiệm nhanh tại nhà và báo vào nhà trường, nên việc kiểm tra ở trường thêm nữa là không cần thiết.
Lãnh đạo nhiều trường trên địa bàn Hà Nội cũng bày tỏ khó khăn khi một F0 xuất hiện là thực hiện xét nghiệm cả lớp.
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho học sinh. (Ảnh minh hoạ: N.D)
Nên xét nghiệm người tiếp xúc gần F0
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, quy định xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay cho tất cả học sinh khi lớp phát hiện F0 gây tốn kém, không hiệu quả; chỉ nên xét nghiệm những học sinh tiếp xúc gần F0.
Theo ông, nguồn lây nhiễm của học sinh dương tính SARS-CoV-2 có thể từ gia đình, không phải ở lớp. Việc phát hiện F0 ở lớp và tổ chức xét nghiệm ngay cho toàn bộ học sinh khó đưa ra kết quả chính xác.
"Thời gian lây nhiễm virus có thể là 3 ngày sau khi tiếp xúc. Lúc đó, chúng ta mới có thể xét nghiệm nhanh và cho kết quả đúng", ông nói.
Các trường có thể tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh ngồi cạnh, nói chuyện khoảng 15 phút, tiếp xúc gần dưới 2 m với F0. Khi tiếp xúc, các em không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên quan tâm những trường hợp học sinh có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc người thân trong gia đình là F0 để xét nghiệm nhanh kháng nguyên.