Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân lý giải về những vận may trong đời mình

(VTC News) -

Phạm Tuân là phi công đầu tiên trên thế giới bắn hạ máy bay B-52 và cũng là phi công đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ…

 

- Năm cuối cấp 3 ông thi tuyển phi công, nhưng không thành do chưa đủ tiêu chuẩn, thay vì chọn một ngành nghề công việc khác, tại sao ông lại xin đi học thợ máy, sửa chữa máy bay?

Năm 1965, khi còn là một cậu học sinh lớp 10 ở trường cấp 3 ở Kiến Xương (Thái Bình) không biết phi công là gì, chỉ nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, đi bộ đội. Thoạt đầu, tôi được tham dự vào cuộc tuyển chọn phi công. Mừng lắm! Tuy nhiên, tôi lại trượt do không đạt tiêu chuẩn sức khỏe.

Lúc ấy cũng chẳng hiểu vì sao không trúng, nhưng sau này mới biết thứ nhất do loạn nhịp tim, thứ hai là đau mắt hột. Thời đó, ở nông thôn ai chả đau mắt hột. Thế nhưng tiêu chuẩn tuyển chọn phi công đòi hỏi cao như thế thì đành chịu.

Tôi được chọn làm thợ máy bởi bấy giờ có chủ trương chọn những học sinh đã tốt nghiệp hoặc đang học cấp 3 vào các đơn vị kỹ thuật, trong đó có pháo binh, không quân, tên lửa, radar. Tôi được đi học thợ máy sửa chữa radar của Binh chủng Không quân.

- Thế rồi, ông lại trở thành phi công. Cơ may nào lại rơi vào ông vậy?

Tôi luôn nói số tôi là số may mà. Đó là khi chúng ta thiếu phi công quá, nên người ta mới tuyển lại trong số 300 thợ máy thì được 10 người, trong đó có tôi. Thế là tôi thành phi công.

- Đầu tiên, ông học lái MiG-17, sau đó ông được chuyển loại lên lái MiG-21. Cũng là may mắn?

Có cơ hội được chiến đấu bằng MiG-17, với tôi đã là điều may mắn. Bởi hồi đó, đã có các bậc đàn anh, đồng đội đã sử dụng MiG-17 bắn hạ nhiều máy bay hiện đại của Mỹ. Tôi cũng háo hức được lập công trên chiếc MiG-17 thân yêu của mình.

Thế rồi, vì tôi là một cây bóng chuyền của đơn vị nên được lãnh đạo Trung đoàn 921 quý lắm. Có lẽ các anh ấy thấy được những tố chất về khả năng xử lý và sức khỏe của người lái máy bay trong tôi qua việc đánh bóng chuyền. Khi có đợt tuyển phi công MiG-17 chuyển loại lái MiG-21, anh Nguyễn Nhật Chiêu - Trung đoàn phó - đưa tên tôi vào danh sách ngay.

Thậm chí, khi tôi về đơn vị mới một tháng rồi mà vẫn chưa có máy bay để huấn luyện, cấp trên có ý định điều động tôi trở lại chiến đấu bằng MiG-17, anh Chiêu trả lời: Chuyển ai thì chuyển, chứ cứ để Phạm Tuân ở lại đây! Một mình nó tôi cũng huấn luyện.

Anh Chiêu động viên tôi kiên trì chờ đợi và học hỏi các đồng đội trong đơn vị để khi có máy bay về thì khỏi bỡ ngỡ. Đồng đội cũng tận tình giúp đỡ tôi. May là may thế đấy.

 

- Ông ở lại rồi được tuyển vào Phi đội bay đêm đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam?

Vâng, cũng vì có cái may là hồi ở Liên Xô tôi đã từng học bay đêm. Còn Phi đội bay đêm đã được thành lập từ năm 1967. Đơn vị có những phi công rất giỏi, được tuyển chọn ngặt nghèo, được luyện tập bài bản, thường xuyên rút kinh nghiệm với nhau…

Năm 1971, khi tôi cùng 8 đồng đội nữa được bổ sung vào đơn vị, các phi công lớp cũ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Mình chỉ cần khiêm tốn học hỏi, tích cực luyện tập, đúc rút kinh nghiệm thực tế của cá nhân trên cơ sở kinh nghiệm được truyền lại thôi. Trong một tập thể như thế mà mình không phát triển được mới là lạ.

- Nhưng việc ông bắn hạ Pháo đài bay B-52 của Mỹ trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không thì không thể là chuyện may mắn?

Không, may mắn chứ! Trước hết là sự tiên liệu của Bác Hồ về việc đế quốc Mỹ sẽ dùng B-52 để đánh phá miền Bắc, đánh phá Hà Nội và các thành phố lớn.

Tiếp thu sâu sắc chỉ đạo của Bác, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nên lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức nghiên cứu, luyện tập và quyết tâm xây dựng các phương án đánh B-52. Phi đội bay đêm đã ra đời trong bối cảnh đó.

Trước khi tôi được bổ sung vào phi đội, các anh: Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây, Vũ Đình Rạng đã tham gia Đoàn nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 ở chiến trường Quân khu IV do Phó Tư lệnh Trần Mạnh chủ trì.

Rồi đến ngày 20/11/1971, chính anh Rạng đã bắn bị thương một động cơ của chiếc B-52, khiến nó phải hạ cánh ở sân bay trên đất Thái Lan. Điều đó làm không quân Mỹ kinh ngạc và mang lại sự tin tưởng, điều chỉnh cách luyện tập, cũng như động viên rất nhiều cho chúng tôi về việc có thể bắn hạ máy bay mà đế quốc Mỹ đang rùm beng quảng cáo như một pháo đài bất khả xâm phạm.

 

- Thưa ông, tất cả những điều ông nói là may mắn đó, thì ngay trong câu chuyện đã nói, thường song hành với những điều không may đấy chứ? Ví dụ, không phải chỉ vì thiếu phi công mà ông từ thợ máy lại được chọn lên bay…

Trong cuộc đời, ai chẳng gặp những khó khăn, nhất là những thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, ở những vùng nông thôn nghèo khó, phải trực tiếp chiến đấu… Cơ may có khi xuất hiện với mỗi người, nhưng không phải ai cũng chớp được cơ hội, làm chủ được cơ may.

Như các bạn ví dụ, đầu tiên đúng là sức khỏe của tôi không đáp ứng tiêu chuẩn phi công. Nhưng vào bộ đội, tôi được ăn uống đầy đủ, điều độ, được khám chữa bệnh, được luyện tập hằng ngày… Nếu không biết chớp lấy cơ may ấy mà nỗ lực luyện tập thì sức khỏe đâu có tăng tiến, bệnh trạng đâu có bị đẩy lùi.

Cũng như tất cả những may mắn tôi nói ở trên, thành công của tôi là do nắm bắt được các cơ hội. Cũng như chính vì nắm bắt được cơ may ban đầu từ thợ máy thành phi công mà sau này tôi trở thành phi công vũ trụ.

 

- Chuyện là thế nào, thưa ông?

Năm 1977, trong chương trình hợp tác vũ trụ Interkosmos của Liên Xô với các nước XHCN, trong đó có Việt Nam, nước ta được cử 4 phi công sang Liên Xô để tập luyện và tiếp tục tuyển chọn. Ở trong nước, tôi không phải là người được xếp số 1 đâu, mà thậm chí còn đứng cuối danh sách đấy.

Nhưng khi sang học tập ở Học viện Không quân Gagarin tôi không vì thế mà tự ti, mặc cảm. Tôi tâm niệm, được giao nhiệm vụ thì cứ phải quyết tâm cao nhất mà hoàn thành. Thế nên, tôi cứ tích cực, miệt mài tập luyện.

Biết là nhà du hành vũ trụ phải vượt được những giới hạn trong điều kiện trái đất thế nên trong phòng tập, trong khoang tàu vũ trụ mô phỏng tôi cứ âm thầm khám phá khả năng cơ thể của mình, tích lũy sự chống chọi với các điều kiện không trọng lượng ngoài vũ trụ.

Khoảng 2 năm sau, khi được bạn tuyển chọn vào danh sách chính thức thì tôi lại khắc phục được tiền sử sức khỏe, chịu đựng được những giới hạn khắc nghiệt và đứng đầu danh sách.

Trở lại với câu chuyện bắn rơi B-52. Ngày đầu tiên xuất kích, không quân đã không làm nên kỳ tích?

- Khi được đứng trong đội ngũ Phi đội bay đêm hơn 1 năm trước, cùng với đồng đội tôi đã cố gắng hết sức học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm và luôn tâm niệm sẽ áp dụng sáng tạo vào cách đánh của mình khi lâm trận.

18/12/1972, ngày đầu tiên của chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, tôi cùng anh Rạng, anh Trần Cung cũng được lệnh xuất kích, nhưng không đánh được B-52. Đó là vì ta nghiên cứu về địch kỹ lưỡng, nhưng địch cũng rất hiểu ta.

Máy bay Mỹ tập trung đánh rát, phá hoại các sân bay của ta ở Hà Nội, nơi tập trung máy bay MiG-21 để ngăn chặn không quân Việt Nam cất cánh, hoặc không thể hạ cánh khi bay về.

Đêm đầu tiên ấy, tôi xuất kích xong thì sân bay bị địch đánh phá tan tành. Khi trở về thì đường băng bị hư hỏng nặng, lổn nhổn hố bom. Máy bay của tôi hạ cánh xuống, gặp hố bom, bị lật, hư hỏng, không thể bay được nữa.

Hai đồng đội của chúng tôi cũng gặp khó khăn khi hạ cánh: Anh Rạng buộc phải nhảy dù, anh Cung phải hạ cánh trên đường băng lổn nhổn hố bom và máy bay đều bị hư hỏng cả.

Video: Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân kể về khoảnh khắc bắn hạ B-52

- Chuyện ông chớp được thời cơ để trở thành phi công đầu tiên trên thế giới bắn rơi B-52 là như thế nào?

Phải đến ngày 27/12, sau khi rút kinh nghiệm triệt để, chúng ta hình thành cách đánh mới bằng cách đưa MiG-21 ra các sân bay phụ, radar, chỉ huy ra khỏi Hà Nội… thì địch mới bị bất ngờ.

Từ sân bay Yên Bái, tôi được lệnh xuất kích và được dẫn đường mặt đất đưa đến vùng trời Sơn La, nơi có máy bay B-52 hoạt động. Do đã được thảo luận, rút kinh nghiệm từ việc đánh không thành công trong giai đoạn 1 nên tôi tắt radar, tìm mục tiêu bằng mắt thường. Khi thấy B-52, tôi tự tin vọt lên cao vượt qua các tốp tiêm kích F-4 bay hộ tống vòng ngoài để bám theo chiếc B-52 bay sau cùng.

Lần thứ nhất, chỉ huy dưới mặt đất cho lệnh: Bắn, thoát ly bên trái! Thấy chưa chắc ăn, tôi tăng tốc bám gần hơn. Dưới đất lại phát lệnh phóng tên lửa rồi thoát. Tôi vẫn bám sát đến khi thấy chắc ăn mới phóng liền 2 quả tên lửa vào chiếc B-52 rồi tăng tốc bay khỏi khu vực tên lửa nổ.

Chỉ thấy một quầng lửa bùng lên ngay lúc đó. Thế là tôi đã thoát ly thành công, bay về sân bay Yên Bái hạ cánh. Sau đó, cấp trên xác minh và khẳng định đó là chiếc B-52 đầu tiên bị không quân Việt Nam bắn rơi.

Thế là từ chiếc B-52 bị anh Vũ Đình Rạng bắn hỏng năm 1971, đến chiếc tôi vừa hạ và cuối cùng là chiếc anh Vũ Xuân Thiều bắn tan xác, không quân Việt Nam đã bắn hỏng và bắn hạ 3 chiếc máy bay chiến lược của đế quốc Mỹ.

- Cuối cùng, xin ông cho biết, điều lớn nhất tạo nên người anh hùng Phạm Tuân là gì?

Tôi nghĩ, điều cơ bản là mình được giao nhiệm vụ gì thì cố gắng hoàn thành, làm hết sức mình. Mình làm được đến đâu thì sẽ được đồng đội, tổ chức đánh giá, công nhận chứ mình đừng nghĩ làm gì để được gì. Đó cũng là lời lý giải tổng quát nhất cho những may mắn trong cuộc đời tôi.

 

 

Nguồn:

Tin mới