Theo nguồn tin của Bloomberg, Bắc Kinh đang nói chuyện với các công ty nhà nước, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec), các công ty khai khoáng China Aluminum và China Minmetals, về khả năng cũng như cơ hội đầu tư vào các công ty hoặc tài sản Nga.
Nguồn tin này nhấn mạnh bất cứ thỏa thuận nào đạt được đều sẽ nhằm thúc đẩy nhập khẩu ở Trung Quốc, khi nước này đang tập trung vào lĩnh vực an ninh năng lượng và lương thực, chứ không nhằm thể hiện sự ủng hộ cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
(Ảnh minh họa: Bloomberg)
Các cuộc thảo luận đang diễn ra ở giai đoạn đầu và chưa được công khai, cũng có thể không đi đến kết quả cuối cùng, nguồn tin cho biết. Các cuộc đối thoại giữa công ty năng lượng Nga và Trung Quốc cũng đã bắt đầu.
CNPC và Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec), cũng như các đại diện của Gazprom và Rusal chưa đưa ra bình luận.
Theo Bloomberg, chiến sự tại Ukraine gia tăng áp lực khiến Bắc Kinh muốn đảm bảo nguồn nhập khẩu của mình, trong khi giá năng lượng, kim loại và thực phẩm tăng vọt ở mức độ chưa từng có. Các quan chức chính phủ hàng đầu Trung Quốc lo ngại về tác động của giá tăng lên nền kinh tế, và đã đưa ra chỉ thị nhằm ưu tiên bảo vệ nguồn cung các loại hàng hóa thô.
Trước đó, Trung Quốc đã cam kết duy trì quan hệ thương mại bình thường với Nga, bất chấp làn sóng các công ty châu Âu và Mỹ như BP, Shell và Exxon Mobil đã từ bỏ số tài sản trị giá hàng tỉ USD tại Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tuần này nói mối quan hệ Nga-Trung vẫn “vững chắc”, dù Bắc Kinh bày tỏ lo ngại xung quanh sự thương vong của dân thường trong chiến sự tại Ukraine và kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình để kết thúc cuộc chiến.
Hiện trong các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nga, CNPC có 20% cổ phần ở dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal LNG và 10% ở Arctic LNG 2, trong khi đó CNOOC có 10% trong dự án Arctic.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin hồi tháng 2 đã kí một loạt thỏa thuận để thúc đẩy nguồn cung cấp dầu khí, cũng như lúa mì của Nga. Gazprom và Rosneft nằm trong số các công ty năng lượng Nga ký kết các thỏa thuận khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Bắc Kinh trước thềm Thế vận hội mùa đông.
Theo Bloomberg, các khoản đầu tư tại Nga dù vậy cũng mang theo những nguy cơ đối với thách thức cân bằng địa chính trị mà Bắc Kinh đang đối mặt. Đồng nhân dân tệ đã tăng giá so với đồng rúp, đặt ra câu hỏi về mối quan hệ chiến lược của cả hai nước.
Một khoản đầu tư từ Trung Quốc có thể giúp củng cố nỗ lực “xoay trục sang châu Á” của Moskva, với các thỏa thuận dầu và khí đốt. Trung Quốc đã mua nhiều gấp đôi các sản phẩm năng lượng Nga, với tổng trị giá gần 60 tỷ USD trong vòng 5 năm qua.
Đường ống Năng lượng Siberia cũng bắt đầu chuyển khí đốt đến Trung Quốc từ 2019, và Gazprom đang đối thoại với phía Trung Quốc về một hệ thống đường ống khác có thể được kí kết trong năm nay, cho phép họ vận chuyển nhiên liệu từ các mỏ khí đốt cung cấp cho châu Âu.