Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

EU chưa loại các ngân hàng Nga có liên quan đến lĩnh vực năng lượng khỏi SWIFT

(VTC News) -

Các nước EU đang thảo luận dự thảo cuối cùng về việc loại bỏ 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT nhưng không có một số ngân hàng lớn liên quan đến năng lượng.

Nguồn tin từ một số quan chức ngoại giao cấp cao châu Âu cho biết, các nước Liên minh châu Âu trong ngày 1/3 đã thảo luận và đề xuất loại 7 ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng toàn cầu – SWIFT, trong đó có cả các ngân hàng rất lớn của Nga là VTB và Ngân hàng Rossiya. Tuy nhiên, hai ngân hàng lớn khác của Nga có các hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực năng lượng là Sberbank và Gazprombank không nằm trong danh sách này.

Quyết định này đang được phía châu Âu tham vấn lần cuối với các đối tác như Mỹ và Anh trước khi chính thức công bố trong ngày hôm nay 2/3.

Ngân hàng VTB của Nga nằm trong danh sách trừng phạt của EU. (Ảnh: Financial Times)

Trước đó, trong thông báo đưa ra hôm 27/2, châu Âu đã nhất trí kích hoạt biện pháp trừng phạt được cho là nghiêm trọng nhất với thị trường tài chính Nga là loại bỏ một số ngân hàng ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu – SWIFT, hệ thống quy tụ hơn 11.000 tổ chức tài chính trên toàn thế giới với lượng giao dịch hàng ngàn tỷ USD mỗi ngày. Việc loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống này được cho là sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại, xuất-nhập khẩu của Nga với các đối tác trên thế giới.       

Tuy nhiên, việc châu Âu chưa dám loại bỏ các ngân hàng lớn của Nga trong lĩnh vực năng lượng cho thấy, trong ngắn hạn, phương Tây vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt đến từ Nga nên không thể sớm chấm dứt việc giao dịch năng lượng với Nga, nếu không muốn gánh các tác động kinh tế nghiêm trọng.

Điều này đã được nhiều quan chức châu Âu, trong đó có đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell thừa nhận trong những ngày gần đây: “Châu Âu đang trong một tình huống mà tôi đã nói ngay từ đầu, đó là các phản ứng và hành động của châu Âu chống lại Nga sẽ có các hậu quả kinh tế và châu Âu cần chuẩn bị cho điều đó. Đừng nghĩ rằng châu Âu có thể làm bất cứ điều gì cần làm mà lại không đối mặt với hậu quả”.

 Đối với các diễn biến hiện nay của cuộc chiến tại Ukraine, trong ngày 1/3, Nghị viện châu Âu đã có cuộc họp bàn về tình hình và thảo luận trực tuyến cùng Tổng thống Ukraina, ông Volodymyr Zelenskyi. Phía châu Âu tuyên bố tiếp tục nỗ lực trợ giúp Ukraine. Bên cạnh khoản tiền 450 triệu euro tài trợ cho Ukraina mua vũ khí, châu Âu cho biết chi thêm trên 500 triệu euro hỗ trợ nhân đạo cho nước này.

Tuy nhiên, đối với yêu cầu từ phía Ukraine muốn được ngay lập tức kết nạp làm thành viên Liên minh châu Âu, nhiều quan chức cấp cao châu Âu trong ngày 1/3 đã phản ứng thận trọng hơn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cho biết, mặc dù châu Âu sẽ nghiêm túc thảo luận về đề nghị của Ukraine nhưng thừa nhận rằng, trong nội bộ EU vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều và tiến trình đưa Ukraine gia nhập EU cần phải mất nhiều năm.

Quang Dũng (VOV-Paris )

Tin mới