Ngày 5/6, trước lời đề nghị đàm phán từ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Chính phủ Indonesia thẳng thừng từ chối và giữ nguyên quan điểm của nước này khi bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đáp trả việc Indonesia gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc ngày 26/5 bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, ngày 2/6, chính phủ Trung Quốc cũng đã gửi một công hàm tới Tổng thư ký Liên quợp Quốc Antonio Guterres để bác bỏ nội dung công hàm trên của Indonesia.
Tổng thống Joko Widodo trên boong tàu Hải quân Indonesia. (Ảnh: Kompas.com).
Theo đó, chính phủ Trung Quốc thừa nhận, Indonesia và Trung Quốc không có tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên hai nước này có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở một vài khu vực trên Biển Đông.
Phía Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng giải quyết các yêu sách chủ quyền chồng chéo thông qua đàm phán với Indonesia. Trung Quốc muốn hợp tác với Indonesia để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Trước lời đề nghị đàm phán của Trung Quốc, ông Damos Agusman, Tổng vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Indonesia cho rằng, “dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc, nên không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về phân định ranh giới trên biển”.
Ông Agusman cũng nhấn mạnh, trong tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Indonesia vào đầu tháng 1 năm 2020, Indonesia đã khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã bác bỏ thuật ngữ về "vùng biển liên quan" của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định, các yêu sách của nước này đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia với lý do ngư dân Trung Quốc hoạt động lâu nay ở các vùng biển này là “đơn phương, không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 công nhận".
Cũng trong cuộc họp báo tại Jakarta ngày hôm qua, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi tái khẳng định quan điểm nhất quán của Indonesia về vấn đề Biển Đông và với các yêu sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Indonesia nhấn mạnh, nước này tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Công ước đã có 168 quốc gia thành viên đã tham gia, bao gồm cả Trung Quốc.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, nhà nghiên cứu luật biển quốc tế từ Đại học Gajah Mada Indonesia, ông I Made Andi Arsana cho rằng, lời kêu gọi đàm phán của Trung Quốc là phi logic.
Theo ông, những tuyên bố của Indonesia là dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi những tuyên bố của Trung Quốc là dựa trên cơ sở của chính họ đề ra. Do vậy, việc Indonesia tiếp tục bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là chính xác.
Đồng ý kiến với ông I Made, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Indonesia, ông Hikmahanto Juwana cũng cho rằng, sự phản kháng của Trung Quốc là có thể dự đoán được vì Trung Quốc chưa bao giờ công nhận phán quyết của Tòa trọng tài và Indonesia không có lí do gì để phải đàm phán với Trung Quốc.
Trước đó, ngày 26/5, nối tiếp các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN, liên quan đến việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia đã gửi một công hàm lên Liên hợp quốc, nêu rõ sự ủng hộ của chính phủ nước này đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ở La-Hay, khi tòa án đứng về phía Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc.
Công hàm tái khẳng định “yêu sách của Trung Quốc về “đường 9 đoạn” là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.