Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Mỹ sẵn sàng thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách của Trung Quốc là động thái rất quan trọng, tạo tiền đề để Mỹ thắt chặt hơn chính sách trên Biển Đông.

Thách thức Trung Quốc

Hôm 2/6, trên Twitter, Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo, Mỹ vừa gửi công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) để phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Xung quanh vấn đề này, chia sẻ với VTC News, GS Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines cho rằng, việc gửi công hàm mới đây của Washington là bước đi vừa phải, nhưng có ý nghĩa quan trọng. 

Giáo sư Philippines cho rằng, động thái này cho thấy Mỹ đang thay đổi chính sách của họ trên Biển Đông theo một cách trực tiếp hơn, khi nhận thấy Trung Quốc đang gia tăng các hành vi phi pháp tại khu vực này.

Công hàm Mỹ gửi lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình)

Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore nói với VTC News rằng, đây không phải là động thái quá mới mẻ, bởi lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông được nêu rõ trong các tuyên bố trước đây.

Tuy nhiên, việc gửi đi công hàm lần này cho thấy, Washington sẵn sàng thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc một cách rõ ràng hơn trên các diễn đàn quốc tế, như Liên Hợp Quốc. 

"Có 3 điểm mấu chốt trong chính sách của Mỹ là: không hợp tác với các bên liên quan tới lợi ích chủ quyền và quyền tài phán đối với thực thể và vùng biển xung quanh; đi đầu trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; tuân thủ trật tự dựa trên quy tắc trển Biển Đông mặc dù Mỹ không phải là thành viên Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Các nguyên tắc này không bao giờ thay đổi. Điều thay đổi là Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Đặc biệt là việc Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016", ông Koh phân tích. 

Trả lời VTC News, ông Greg Poling, Giám đốc Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Mỹ cho rằng, động thái mới đây của Mỹ cho thấy chính sách của Washington ở Biển Đông là không thay đổi.

Theo ông Poling, Mỹ vẫn thường đưa ra các tuyên bố phản đối với các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc, giống như họ làm với các nước khác.

Đơn cử như năm 2014, một văn kiện chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ phân tích cặn kẽ đường 9 đoạn của Trung Quốc và nêu bật tính chất mơ hồ, phi lý và phi pháp từ yêu sách này của Bắc Kinh. 

Khi Trung Quốc đưa ra thêm các lập luận pháp lý trong Sách trắng năm 2016 về kết luận của Tòa án Trọng tài, Mỹ đáp lại bằng việc gửi đi công hàm vào tháng 12/2016 nêu ra các phản đối của mình.

Hiện tại, khi Trung Quốc tiếp tục phát triển yêu sách mới trên Biển Đông, Mỹ lại tiếp tục đưa ra một phản đối chi tiết mang tính pháp lý.

Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc?

Một số ý kiến cho rằng theo sau việc gửi công hàm, Mỹ có thể sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo GS Jay Batongbacal, khả năng Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt ngoại giao và kinh tế theo sau động thái gửi công hàm là không cao. 

Chuyên gia phân tích, mỗi động thái của Mỹ đều đã có tính toán nhất định và không nhất thiết phải kéo theo các động thái khác. Động thái mới này cho thấy, cạnh tranh Mỹ - Trung đang căng thẳng hơn, nhưng "Mỹ sẽ chưa đi xa đến mức đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh đối với Trung Quốc".

Mỹ từng bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc "khiêu khích" các hoạt động dầu khí ở Biển Đông. 

Đồng quan điểm trên, ông Poling cho rằng rất khó để chính quyền Mỹ hiện nay theo đuổi một chiến lược trừng phạt kinh tế và ngoại giao. Bởi vì họ đang bị xao nhãng do nhiều yếu tố và bản thân Washington chưa làm việc đủ với các đồng minh và đối tác.

Trong khi đó, theo chuyên gia Mỹ, một chiến lược Biển Đông hiệu quả cần có một liên minh lớn, các nước cùng tham gia vào chiến dịch ngoại giao và kinh tế, để bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Điều này sẽ phải có sự tham gia của Mỹ và các bên có liên quan.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Collin cho biết, trong quá khứ các nghị sỹ Mỹ từng đề xuất ban hành lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông. 

Mới đây nhất, hồi tháng 4/2019, 13 thượng nghị sỹ Dân chủ lẫn Cộng hòa Mỹ trình dự luật mang "Đạo luật trừng phạt vì Biển Đông và biển Hoa Đông", cho phép Mỹ đóng băng thậm chí tịch thu tài sản và thu hồi thị thực của các cá nhân tham gia vào các chính sách đe dọa hòa bình, an ninh khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Collin, dự luật này vẫn đang bị “mắc kẹt” ở đâu đó. Chuyên gia này cho rằng với sự hỗ trợ từ lưỡng đảng, dường như tiếng nói phản đối Trung Quốc ngày càng lớn mạnh ở Mỹ. Từ đó dự luật trên có thể sẽ có những đòn bẩy nhất định.

Thắt chặt hơn chính sách trên Biển Đông 

Trả lời VTC News, GS-TS James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ (USNW) cho rằng, công hàm mới đây của Mỹ là thành tố ngoại giao trong chiến lược bảo vệ tự do hàng hải trên biển của Mỹ.

"Điều quan trọng là phải thường xuyên đưa ra các tuyên bố bằng văn bản, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, để nước này không tạo ra ấn tượng rằng, các quốc gia hoạt động trên biển chấp nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh", chuyên gia nhấn mạnh. 

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. (Ảnh: CSIS/AMTI)

Còn chuyên gia Poling phân tích rằng, với việc gửi công hàm phản đối, Mỹ đã thực hiện 2 việc. Thứ nhất, họ khiến quốc tế chú ý hơn đến tính bất hợp pháp trong các yêu sách của Trung Quốc. Thứ hai, họ chính thức “ghi vào hồ sơ” việc Mỹ phản đối những yêu sách đó.

Các yêu sách của Trung Quốc phát triển và biến đổi liên tục, nên Mỹ phải đáp lại thường xuyên bằng các phản đối cập nhật từ luật sư của Bộ Ngoại giao. 

"Việc gửi công hàm tạo tiền đề để Mỹ thắt chặt hơn chính sách trên Biển Đông. Mỹ ngày càng cảnh giác với Trung Quốc kể từ năm 2014, trong khi đó những định hướng và mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông cũng được thể hiện khá rõ ràng. Động thái mới cho thấy chính sách của Mỹ đang dần dần trở nên mạnh mẽ và trực tiếp hơn ở Biển Đông", chuyên gia Batongbacal nhận định. 

Theo Tiến sỹ Collin, nước Mỹ dưới thời chính quyền Trump đang cho thấy, họ sẵn sàng chống lại các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, ông Poling cho rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ thời gian qua đang nói nhiều hơn về các hành động của Trung Quốc. Đây là bước đầu hữu ích.

"Nhưng để đi đến cuối cùng, cần một nỗ lực lớn hơn rất nhiều, với sự ủng hộ của Nhà Trắng và sự tham gia của các đối tác và đồng minh. Tuy nhiên, hiện Mỹ vẫn chưa vận động được sự hỗ trợ cần thiết này", ông Poling nhấn mạnh. 

Phương Anh - Song Hy

Tin mới