Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Dan Smith cho biết: "Chúng ta đang tiến gần đến, hoặc có thể đã đạt đến điểm kết thúc một thời gian dài số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới giảm dần".
Theo SIPRI, tổng số đầu đạn hạt nhân của 9 nước gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Nga và Mỹ đã giảm từ 12.710 vào đầu năm 2022 xuống còn 12.512 vào đầu năm 2023. 9.576 đầu đạn trong số đó nằm trong "kho dự trữ quân sự để sử dụng" - nhiều hơn 86 đầu đạn so với một năm trước đó.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
SIPRI phân biệt giữa kho dự trữ sẵn có để sử dụng của các quốc gia và tổng kho dự trữ, bao gồm cả những kho dự trữ cũ hơn dự kiến sẽ bị loại bỏ.
"Kho dự trữ là các đầu đạn hạt nhân có thể sử dụng được. Con số đó đang bắt đầu tăng lên", ông Dan Smith nhận định, đồng thời lưu ý con số vẫn còn cách xa con số hơn 70.000 trong thập niên 1980.
Tuy nhiên, ông Dan Smith cảnh báo: "Bức tranh toàn cảnh là chúng ta đã có hơn 30 năm số lượng đầu đạn hạt nhân giảm xuống và chúng ta thấy quá trình đó sắp kết thúc".
Trung Quốc được đánh giá có sự gia tăng đáng kể kho vũ khí hạt nhân, từ 350 lên 410 đầu đạn. Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên cũng tăng kho dự trữ của họ và Nga tăng ở mức độ nhỏ hơn, từ 4.477 lên 4.489, trong khi các nước còn lại duy trì quy mô kho vũ khí của họ.
Nga và Mỹ hiện chiếm gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân thế giới.
Các nhà nghiên cứu tại SIPRI cũng lưu ý rằng các nỗ lực ngoại giao về kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân đã bị thất bại sau cuộc bùng phát xung đột Nga - Ukraine.
Theo các nhà nghiên cứu, Mỹ đã đình chỉ "đối thoại ổn định chiến lược song phương" với Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Đến tháng 2/2023, Nga tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước về các biện pháp cắt giảm và hạn chế hơn nữa vũ khí tấn công chiến lược (New START).
New START được ký với Mỹ năm 2010. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại hạn chế các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ.
Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu SIPRI, không thể giải thích sự gia tăng kho dự trữ vũ khí hạt nhân do xung đột Nga - Ukraine vì phải mất nhiều thời gian hơn để phát triển các đầu đạn mới. Ông Dan Smith nhấn mạnh, phần lớn sự gia tăng này là ở các quốc gia không bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trung Quốc đầu tư mạnh vào tất cả các bộ phận của quân đội khi nền kinh tế và tầm ảnh hưởng của nước này tăng lên.
“Những gì chúng ta đang thấy là Trung Quốc đang vươn lên thành một cường quốc thế giới. Đó là thực tế", chuyên gia Dan Smith nhận định.