Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc chật vật với tham vọng xuất khẩu máy bay nội

(VTC News) -

Không chỉ tham vọng giảm phụ thuộc vào Boeing hay Airbus ở trong nước, Trung Quốc muốn thúc đẩy xuất khẩu các mẫu máy bay của họ ra nước ngoài.

Dìm ngoại, nâng nội

Khi dịch bệnh hoành hành, hàng loạt các hãng bay lớn của Trung Quốc hoãn nhận máy bay từ các hãng Airbus, Boeing. Thay vào đó, họ thông báo mua phi cơ của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC).

Đây là động thái ủng hộ nhà sản xuất Trung Quốc trong mùa dịch, đồng thời cho thấy tham vọng giảm bớt phụ thuộc vào Boeing và Airbus của Bắc Kinh. 

Trung Quốc tham vọng giảm phụ thuộc vào Boeing hay Airbus. (Ảnh: Reuters)

Nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc tác động, kêu gọi các hãng hàng không nội sử dụng máy bay do Trung Quốc phát triển và sản xuất. 

"Việc các hãng hàng không Trung Quốc mua máy bay COMAC không phải là quyết định kinh doanh thuần túy", Fu Xiaowen, giáo sư kinh tế giao thông tại Đại học Bách khoa Hong Kong phân tích. 

Chia sẻ cùng quan điểm, giáo sư tài chính David Yu tại Đại học New York ở Thượng Hải dự đoán sẽ còn thêm nhiều hỗ trợ cho COMAC trong tương lai. 

Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc từ lâu được xem là xương sống trong tham vọng phát triển máy bay thương mại từ cỡ trung bình đến lớn của Trung Quốc.

Airbus, Boeing thống trị thị trường này nhiều năm qua khiến các tập đoàn Trung Quốc rất khó tìm kiếm chỗ đứng. Nhưng hiện tại, với sự hỗ trợ của chính quyền trung ương, COMAC - một trong số ít doanh nghiệp nhà nước được Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Trung Quốc trực tiếp quản lý hứa hẹn có thể làm nên chuyện. 

Trong chuyến thăm tới nhà xưởng của COMAC tại Thượng Hải năm 2020, Cục trưởng Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) Feng Zhanglin khẳng định cơ quan này sẽ làm mọi thứ trong khả năng để ủng hộ lĩnh vực chế máy bay trong nước. 

Nỗ lực đưa trống đánh nơi xứ người

Không chỉ tham vọng tăng thị phần trong nước, các công ty sản xuất máy bay Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm khách hàng nước ngoài.

Tháng trước, một chiếc ARJ21 do COMAC sản xuất của hãng hàng không TransNusa (Indonesia) tập bay thử nghiệm ở sân bay Phố Đông, Thượng Hải.

Giới quan sát dự đoán đây là động thái chuẩn bị cho màn ra mắt đầu tiên của máy bay thương mại Trung Quốc ở nước ngoài. 

Chiếc ARJ21 của hãng TransNusa, Indonesia. (Ảnh: Nikkei Aisa)

Nhiều năm qua, COMAC bắt tay hợp tác với Tập đoàn Trung Quốc China Aircraft Leasing (CALC) trong nỗ lực xuất khẩu các mẫu phi cơ của họ ra nước ngoài. 

CALC được cho là đã đầu tư 28 triệu USD vào TransNusa và hiện nắm giữ 35,68% cổ phần gián tiếp của hãng hàng không Indonesia. 

Năm 2021, CALC ký hợp đồng mua 60 chiếc ARJ21 của COMAC. Một phần trong số này về dưới "trướng" của TransNusa. TransNusa cũng đang lên kế hoạch mua 30 chiếc ARJ21 từ nay tới năm 2026. 

Nhưng việc có máy bay cất cánh ở Indonesia mới chỉ là thành công đầu tiên của COMAC sau nhiều năm nỗ lực. Hiện tại, họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc săn tìm khách hàng nước ngoài. 

Một phần nguyên nhân vì các mẫu phi cơ của tập đoàn này không có chứng nhận chất lượng ở Mỹ và châu Âu, vốn được xem là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn hàng không.

Thậm chí với hợp đồng với TransNusa, COMAC cũng chưa thể chắc chắn thời điểm máy bay của họ bắt đầu được bay. Indonesia hiện vẫn chưa cấp phép để ARJ21 bay thương mại. 

COMAC hiện nay chủ yếu quảng cáo mẫu máy bay của họ ở các quốc gia mà Trung Quốc có tầm ảnh hưởng nhất định. 

Năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có chuyến công du tới châu Phi để giới thiệu ARJ21. Cộng hòa Congo sau đó tuyên bố mua 3 chiếc này. Tuy nhiên COMAC chưa xác nhận họ đã giao những chiếc ARJ21 cho Congo hay không. 

Song Hy (Tổng hợp )

Tin mới