Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc liên tục thử nghiệm tên lửa, Mỹ lo ngại trước tham vọng của Bắc Kinh

(VTC News) -

Theo một nghiên cứu mới đây, Trung Quốc đã tăng tần suất thử nghiệm tên lửa nhằm đánh giá mức độ tin cậy trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Trung Quốc đã gia tăng tần suất và quy mô các cuộc tập trận quân sự sử dụng vũ khí tối tân trong những năm gần đây. Điều này diễn ra trong bối cảnh nước này tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm, đưa ra đánh giá khắt khe về chất lượng của tên lửa trước khi đưa vào sử dụng.

Đánh giá khắt khe

SCMP cho biết, trước đây, tên lửa không đối không mới phải thực hiện 8 lần thử nghiệm nhắm trúng mục tiêu đang di chuyển để chứng minh giá trị trước khi đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, yêu cầu đó hiện đã tăng lên 15 lần thử nghiệm.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Aero Weaponry hồi tháng 8, nhà nghiên cứu quân sự Li Gencheng và các đồng nghiệp thuộc viện nghiên cứu lửa Trung Quốc ở Lạc Dương cho biết: “Một số vấn đề như thiết bị không đạt yêu cầu và chất lượng không ổn định đã nổi lên. Trung Quốc muốn giải quyết những vấn đề này trước khi sản xuất hàng loạt”.

Tên lửa không đối không giờ sẽ phải trải qua 15 lần thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất. (Ảnh: Weibo)

Hầu hết các vụ thử tên lửa ở Trung Quốc đều được tiến hành trong bí mật, nhưng một số có thể bị vệ tinh phát hiện. Đầu tháng này, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Trung Quốc đã phóng ít nhất 250 tên lửa đạn đạo trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9, tương đương với tổng số vụ thử trong năm ngoái.

Người phát ngôn Ned Price không tiết lộ số lượng các vụ thử nghiệm tên lửa của Mỹ trong cùng thời gian, song cho biết Washington đánh giá các vụ thử tên lửa của Trung Quốc là "sự mở rộng nhanh chóng khả năng hạt nhân của Bắc Kinh", đồng thời nhấn mạnh đó là điều "cần quan tâm đặc biệt".

Phản ứng trước phát biểu từ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, truyền thông Trung Quốc cho biết các nguồn cung cấp số liệu từ Ned Price là không rõ ràng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh không muốn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Theo chuyên gia quân sự Li Gencheng và các cộng sự, việc tăng cường các cuộc thử tên lửa không phải là một quyết định dễ thực hiện vì các chi phí liên quan đắt đỏ.

Ban đầu, quân đội Trung Quốc đưa ra hai đề xuất để một tên lửa được đưa vào sản xuất. Thứ nhất, một tên lửa sẽ phải thử nghiệm 15 lần bắn trúng đích, hoặc tên lửa đó sẽ được bắn thử 27 lần, trong đó chỉ một thất bại (đảm bảo tỷ lệ thành công hơn 90%).

Đề xuất của quân đội Trung Quốc vấp phải sự phản đối từ các nhà thầu quốc phòng, những người cho rằng cơ hội vượt qua các cuộc thử nghiệm này của tên lửa mới sẽ thấp hơn 20%.

Chuyên gia quân sự Li Gencheng cho biết, sau khi đàm phán, quân đội Trung Quốc và các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước đã đạt được thỏa hiệp. Theo đó, nhà thầu sẽ sản xuất 50 tên lửa, từ đó quân đội chọn ngẫu nhiên 15 tên lửa để thử nghiệm. Vũ khí mới sẽ được bật đèn xanh để sản xuất hàng loạt nếu không quá 2 quả bắn trượt mục tiêu.

Còn nhiều vấn đề

Hạn chế số lần thử nghiệm tên lửa là khía cạnh quan trọng của các hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế vì vũ khí càng được chứng minh là đáng tin cậy thì chính phủ càng có nhiều niềm tin khi đưa vào sử dụng.

Các quốc gia khác cũng từng gặp sự cố khi thử tên lửa. Hồi tháng 5, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III của Mỹ đã không thể cất cánh trong khi thử nghiệm. Đây không phải lần đầu không quân Mỹ ra lệnh hủy phóng hoặc tên lửa gặp trục trặc trước khi tới đích. Sự cố gần đây nhất xảy ra năm 2018, khi một quả đạn Minuteman III gặp trục trặc khi bay trên Thái Bình Dương, khiến kíp điều khiển phải cho quả đạn tự hủy.

Mỹ thường xuyên tiến hành các vụ phóng thử Minuteman III để thu thập dữ liệu và đánh giá khả năng chiến đấu của tên lửa.

Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh thời gian gần đây. (Ảnh: SCMP)

Theo một nghiên cứu khác, quân đội Trung Quốc đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề về kiểm soát chất lượng khi phát triển vũ khí mới.

Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Modern Defence Technology hồi tháng 8, kỹ sư cấp cao Liu Yan và các đồng nghiệp tại Viện kỹ thuật điện tử Bắc Kinh cho biết, tên lửa được thử nghiệm trong các môi trường khác nhau như sa mạc hoặc hải đảo trong thời gian dài, nhưng không thể làm điều tương tự vào thời điểm này khi số lượng lớn vũ khí mới xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây.

Quân đội Trung Quốc đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm với nhiệm vụ giám sát, đánh giá mức độ tin cậy của các tên lửa mới, xây dựng một số cơ sở, tăng tốc các cuộc thử nghiệm, thậm chí Bắc Kinh có kế hoạch sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các cuộc thử nghiệm tên lửa.

Trong cuộc gặp với các đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự hôm 26/10, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết “việc chế tạo vũ khí và thiết bị quân sự của Trung Quốc đã đạt được bước phát triển nhảy vọt và tạo nên những thành tựu lịch sử trong 5 năm qua”.

Ông Tập Cận Bình kêu gọi nhà lãnh đạo quân sự và ngành công nghiệp quốc phòng “đẩy mạnh hệ thống quản lý hiện đại, đồng thời tạo ra bước đột phá mới trong việc sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự”.

Gần đây, có thông tin cho rằng Trung Quốc đã thử nghiệm 2 vũ khí siêu thanh mới có thể di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Đây là bước phát triển mà một chỉ huy cấp cao của Mỹ mô tả là "rất quan trọng". Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận thông tin về việ tiến hành cuộc thử nghiệm như vậy.

Kông Anh

Tin mới