Vấn đề sách giáo khoa luôn là chủ đề nóng mỗi năm học mới, như vừa qua sự việc trường Tiểu học An Phong (Quận 8, TP.HCM) giới thiệu tới phụ huynh bộ sách giáo khoa lớp 1 có giá 807.000 đồng khiến dư luận bức xúc. Cho đến nay, phụ huynh vẫn đặt câu hỏi đơn vị phải nhận trách nhiệm về việc tăng giá không kiểm soát và chế tài xử lý ra sao?
Nhà trường làm trái quy định
Trao đổi với VTC News, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên do những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 các nhà xuất bản,Sở GD&ĐT, trường học, nhà phát hành cùng thoả thuận và chọn ra cách phát hành sách giáo khoa trực tiếp đến tay học sinh nhằm tiết kiệm thời gian trong đầu năm học.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số trường tiểu học không thông báo cụ thể đâu là sách tham khảo, đâu là sách giáo khoa bắt buộc phải mua để phục vụ cho việc học khiến phụ huynh bức xúc.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.
Nếu nhà trường làm đúng trách nhiệm thì sẽ chỉ phối hợp phát hành đủ 8 đầu sách giáo khoa bắt buộc và 1 cuốn sách tự chọn (tiếng Anh). Cơ sở giáo dục nào không thông báo rõ ràng mà chỉ liệt kê danh mục các sách cần mua, trong đó để kèm cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo thì trường đó làm sai.
Về hành lang pháp lý và chế tài xử phạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, Bộ GD&ĐT có nhiều công văn chỉ đạo về thực hiện nghiêm túc nội dung liên quan tới sách giáo khoa lớp 1.
Trong đó các văn bản đều quy định rõ, cơ quan quản lý giáo dục, trường không bắt buộc học sinh mua sách tham khảo, sách bổ trợ. Các đơn vị có liên quan phải thông báo đầy đủ, chính xác cho phu huynh học sinh tham khảo để trang bị cho học sinh, phù hợp với nhu cầu.
Đặc biệt, trong Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT tại Điều 28 quy định rõ: "Sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo".
Ngày 24/9/2018 Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký văn bản chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chỉ đạo giáo viên tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn tại công văn số 6176/TH ngày 19/7/2002, công văn số 7590/GDTH ngày 27/8/2004, công văn số 2372/BGDĐT- GDTrH ngày 11/4/2013 của Bộ GD&ĐT tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách giáo khoa.
Đồng thời, Bộ yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT -BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, khiến cho học sinh phải mua quá nhiều bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Theo đó, Thông tư 21 nêu rõ trách nhiệm từ giáo viên, tổ bộ môn và hiệu trưởng tuyệt đối không gây sức ép đến phụ huynh và học sinh trong việc mua sắm sách vở, tài liệu tham khảo.
Như vậy, việc nhà trường chưa thông tin rõ ràng khiến cho phụ huynh hiểu nhầm tài liệu tham khảo là bắt buộc là sai với quy định của Bộ.
Mặt khác, ông Tài cho rằng chúng ta cần nhìn nhận từ hai phía, một phần là do nhà trường chưa cung cấp đủ đẩy thông tin qua các kênh; phần khác rất mong phụ huynh có thông tin nào chưa nắm rõ nên hỏi trực tiếp trường để tăng cường sự trao đổi, tránh những sự việc hiểu lầm.
Bộ GD&ĐT đang yêu cầu Sở GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nếu phát hiện các trường hợp sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 20/9.
Sai ở đâu xử lý nghiêm ở đó
Để khắc phục được tình trạng nhập nhèm bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng, mỗi phụ huynh hãy là nhà tiêu dùng thông thái, trang bị đầy đủ cho con em những tài liệu đúng theo quy định của Bộ.
Giáo viên trao đổi về sách giáo khoa lớp 1 mới.
Với những thông tin chưa nắm rõ, phụ huynh cần tìm hiểu, kịp thời trao đổi lại với nhà trường. Qua quá trình trao đổi, phản ánh nếu nhà trường vẫn khẳng định số sách tham khảo đó là bắt buộc phải mua thì phụ huynh hoàn toàn có quyền phản ánh đến các cơ quan nhà nước để xử lý nghiêm.
Chỉ có như vậy chúng ta mới xử lý triệt để được vấn đề “nhập nhèm” mua sách giáo khoa kèm sách tham khảo đầu năm học.
Trong khi đó nhà trường cần chủ động tốt hơn trong cung cấp thông tin và nội dung đến phụ huynh. Cần công tâm thông báo rõ ràng sách giáo khoa là bắt buộc, tài liệu tham khảo là phụ đạo, những đối tượng nào nên và chưa nên dùng sách tham khảo hay sử dụng sách này trong thời gian, không gian nào để phụ huynh nằm được tự nguyện trang bị.
Đồng thời, rất cần vai trò giám sát, phản biện của các phụ huynh, báo chí phản ánh để cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ xử lý nghiêm. Các cơ quan chức năng ở địa phương phải kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Nếu thực hiện được vậy thì câu chuyện này sẽ được xử lý dứt điểm.
Ông Thái Văn Tài nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT có đầy đủ hành lang pháp lý cụ thể và quy định trách nhiệm rõ ràng. Việc nhập nhèm bán sách tham khảo kèm sách giáo khoa hoàn toàn là vi phạm của trường. Ở đâu sai phạm thì ở đó cơ quan chức năng của địa phương phải xử lý nghiêm.