Hôm nay là ngày thứ hai các em học sinh lớp 1 đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới đến trường. Nhưng cho đến giờ chính bố mẹ các em vẫn chưa hiểu vì sao họ phải mua bộ sách giáo khoa cao gấp 3-4 lần giá các nhà xuất bản niêm yết ban đầu.
Nhiều phụ huynh nói họ không nhận được lời tư vấn hay giải thích từ nhà trường trước khi mua sách, họ chỉ biết mua theo danh mục thông báo. Việc đó của một số trường tiểu học khiến phụ huynh bức xúc, họ cho rằng trường đang "nhập nhèm" việc phụ huynh phải mua sách giáo khoa theo yêu cầu.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trường tiểu học khi thông báo không rõ ràng, không phân định sách bắt buộc với sách tham khảo, gây hiểu lầm và làm tốn tiền của phụ huynh.
Các trường cần chấm dứt ngay tình trạng thông báo đính kèm danh mục sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học nhưng không giải thích rõ với phụ huynh sách nào là bắt buộc, sách nào là tự nguyện mua. Phụ huynh đặt niềm tin vào nhà trường, mua sách giáo khoa theo hướng dẫn để cho con cái họ được trang bị đầy đủ khi tới trường. Đừng lợi dụng niềm tin mà đánh lận con đen để trục lợi.
Theo GS Dong, tình trạng này không phải chỉ năm học này với có, mà các năm trước năm nào cũng vậy. Cứ đến thời điểm đầu năm học, dư luận lại phản ánh, phụ huynh bức xúc nhưng rồi sự việc không xử lý triệt để, cứ thể chìm xuống theo thời gian. Chừng nào chưa có chế tài xử phạt thì chưa thể dẹp yên hiện tượng “bia kèm lạc” này.
Sách giáo khoa lớp 1.
Lớp 1 cần sách bổ trợ?
Theo cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội, học sinh lớp 1 chưa biết đọc, biết viết, hầu hết các cô giáo đều cầm tay nắn nót từng nét chữ, đánh vần từng chữ cái. Ngoài ra các em cũng được tập viết và nhận diện mặt chữ trên bộ đồ dùng học Tiếng Việt và bảng con.
Một tiết học chỉ từ 35 đến 40 phút, trung bình sĩ số một lớp có khoảng 40 học sinh. Như vậy, trung bình mỗi học sinh chỉ được cô hướng dẫn tỉ mỉ chừng 1 phút. "Thời gian học trên lớp chưa đủ, huống chi là đốc thúc học sinh viết vào vở bài tập", cô Hương nói.
Mục đích của vở bài tập, sách bổ trợ là sử dụng sau giờ học trên lớp, sử dụng ở nhà nên hoàn toàn không có khái niệm bắt buộc phụ huynh phải mua. Gia đình nào có nhu cầu thì có thể mua cho con tự học ở nhà.
Trong giờ học, các em luôn được cô giáo yêu cầu tập viết chữ vào ở ô ly trắng, mục đích nhằm rèn chữ viết ngăn ngắn, thẳng hàng lối, đúng quy chuẩn. Nếu ngoài giờ học trên lớp, các em bị ép luyện chữ trên vở bài tập thì đó lại là áp lực, phản mục tiêu giáo dục trẻ.
“Vở bài tập là không cần thiết, các em học sinh lớp 1 vẫn sẽ hoàn thành tốt mục tiêu biết đọc, biết viết thành thạo trước khi kết thúc năm học. Không nên lãng phí tiền của để mau các loại sách bổ trợ và tham khảo quá nhiều”, cô giáo khẳng định.
Hiện dư luận đang đặt nghi vấn liệu nhà trường và đơn vị phát hành vô tình hay cố ý “nhập nhèm” giữa sách giáo khoa và tham khảo, khiến phụ huynh phải bỏ số tiền lớn để mua? Liệu rằng các trường có được hưởng mức hoa hồng khi bán sách hộ cho các nhà phát hành? Cứ mỗi khi năm học mới bắt đầu, vấn đề sách vở, các khoản thu đầu năm lại trở thành gánh nặng với nhiều gia đình.
Về vấn đề này, sáng 8/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021.
Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định. Thứ trưởng yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.
Các cơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.
Các Sở GD&ĐT cần tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước ngày 20/9, các sở GD&ĐT phải báo cáo về Bộ GD&ĐT kết quả thực hiện các nội dung nêu trên.