Ngày 16/12, TS. BS Đỗ Thiện Hải – Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ tháng 10 đến tháng 12/2020, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận 820 trẻ nhập viện do cúm nặng.
Đặc biệt những ngày qua, không khí lạnh tăng cường, số trẻ mắc cúm A nhập viện nhiều hơn bình thường. Riêng trong tháng 11, trung tâm tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi bị cúm, trong đó có những trẻ dẫn tới biến chứng viêm phổi, viêm não nặng. Các trường hợp này chủ yếu nằm ở trẻ từ 2 tháng tuổi đến 9 tháng tuổi.
Như bé H.T.V., 9 tháng tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhi nhiễm cúm A, gây biến chứng não. Bệnh khiến trẻ nhận thức kém và không thể ngồi dậy được. Rất may, sau nhiều ngày chăm sóc và điều trị tích cực, bệnh nhi có thể ngồi dậy, đi lại nhưng sức khoẻ vẫn chưa thể hồi phục như ban đầu.
Một bệnh nhi mắc cúm đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: BVCC)
Tương tự như V. là bé 2 tháng tuổi N.M.T. đang điều trị tại khoa Nội nhiễm. Gia đình cho biết, trước đó chị của bé T. đi học mẫu giáo về có biểu hiện ho, sổ mũi nên lây sang em. Do bị nặng nên bé T. phải nhập viện.
Theo BS Hải, bệnh cúm do virus cúm A và B xuất hiện ở Việt Nam và gây dịch theo diện rộng. Bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp. Người mắc bệnh có thể bị sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho…
Thông thường, bệnh sẽ có diễn biến nhẹ và có thể khỏi trong 3-5 ngày nhưng với những trẻ thể trạng yếu, mắc kèm bệnh mãn tính như viêm phế quản, tim mạch sẽ rất nguy hiểm vì có thể khởi phát bệnh mới. Nguy hiểm hơn, nếu không được điều trị, trẻ có thể gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim hoặc tử vong.
BS Hải cho biết, do cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân nên thời gian sắp tới, số trẻ mắc bệnh này có thể tăng. Chính vì vậy, để phòng tránh nguy cơ mắc cúm cho trẻ, các phụ huynh cần chú ý giữ ấm, hạn chế cho trẻ đi ra ngoài vào ngày lạnh. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng. Đặc biệt, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng cúm và đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh thật tốt cho trẻ để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
“Ở thời điểm hiện nay, nếu thấy trẻ có biểu hiện cúm, ở thể nhẹ có thể chăm sóc tại nhà, điều trị bằng uống nhiều nước và dùng hạ sốt. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có dấu hiệu nặng hơn như sốt cao không hạ, mệt nhiều, khó chịu, đau đầu, buồn nôn cần đưa ngay tới bệnh viện điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm”, BS Hải nói.
Cũng theo BS Hải, hiện có nhiều gia đình thấy con có biểu hiện cúm là đi mua thuốc Tamiflu về tự ý điều trị cho con, thói quen này rất nguy hiểm. Bởi đây không phải thuốc bắt buộc phải dùng để điều trị cúm mà chỉ làm giảm sự nhân lên của virus, sau khi đủ liệu trình có thể vẫn còn virus trong đường hô hấp.
Chính vì vậy, Tamiflu không dùng cho các ca bệnh nặng và theo sự chỉ định của bác sĩ. Các phụ huynh không nên tự ý mua và cho trẻ sử dụng bừa bại để tránh gây biến chứng nguy hiểm.