Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phòng bệnh cúm A/H1N1 thế nào?

Cúm A/H1N1 do virus cúm gây nên, bệnh có khả năng lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm, thậm chí thiệt mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Cúm A/H1N1 thường dễ mắc nhất vào mùa đông xuân. Bệnh có thể lây từ người sang người theo đường hô hấp, qua giọt nước bọt, dịch mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng lây khi tiếp xúc với các đồ vật có chứa virus qua tay, mũi, mắt, miệng.

Theo các chuyên gia, virus cúm A/H1N1 có khả năng sống rất lâu ngoài môi trường, thậm chí có thề tồn tại từ 24 đến 48 giờ trên các vật dụng hàng ngày trong gia đình như: bàn ghế, tủ, cầu thang và 8 – 12 giờ trên quần áo… Đặc biệt, virus cúm A/H1N1 trong môi trường nước có thể sống lâu tới 4 ngày ở nhiệt độ 22 độ C và 30 ngày ở 0 độ C.

Do vậy, các khu vực tập trung đông người, như nhà trẻ, trường học hay hồ bơi … là những môi trường lây lan chính và nhiều nhất của bệnh cúm A/H1N1.

 Virus cúm A/H1N1 sống lâu bên ngoài môi trường và có khả năng lây lan nhanh.

Dấu hiệu nhận biết bệnh cúm A/H1N1

Người bị cúm A/H1N1 thường có dấu hiệu sốt cao, sốt trên 38 độ C, kèm sổ mũi, đau họng, mệt mỏi, ho, đau đầu, đau cơ, rét run. Một số trường hợp khác xuất hiện triệu chứng: ớn lạnh, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn có thể bị khó thở, viêm phổi.

Bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên khiến nhiều người dẫn đến chủ quan, điều trị sai phương pháp dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây thiệt mạng.

Nhóm người dễ gặp nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do cúm A/H1N1 là trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai và mọi lứa tuổi có tiền sử mắc các bệnh mãn tính như: tiểu đường, tắc nghẽn phổi mãn tính, tăng huyết áp…

Hiện để phát hiện chính xác bệnh cúm A/H1N1, các bác sĩ sẽ khám thực thể, tìm kiếm các triệu chứng và yêu cầu xét nghiệm để phát hiện kháng nguyên của cúm trên mẫu bệnh phẩm được lấy từ nước mũi hoặc dịch ở họng của người bệnh. Phương pháp này sẽ cho kết quá sớm, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác.

Để điều trị cúm A/H1N1, tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng mắc bệnh, các bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn giữa các phương pháp như: dùng thuốc, thuốc giảm đau (cân nhắc), kết hợp chế độ ăn uống, ngủ nghỉ uống nhiều nước trái cây, ngủ nhiều để tăng cường miễn dịch, chống lại virus.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách tốt nhất để tránh những biến chứng của bệnh cúm A/H1N1 vẫn là công tác phòng ngừa.

 Phòng bệnh là cách tốt nhất để tránh gặp những biến chứng của cúm A/H1N1.

Phòng bệnh cúm A/H1N1 thế nào?

Cúm A/H1N1 là bệnh có đặc thù lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch và gây ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy, người dân cần phòng tránh bệnh bằng cách chú ý biện pháp như:

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, che mặt, mũi khi hắt hơi, ho.

- Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc, lớp học, lau chùi bề mặt, vật dụng bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Khi ra ngoài hoặc đến chỗ đông người nên trang bị khẩu trang, tránh bị lây lan.

- Không tiếp xúc với người nghi mắc cúm A/H1N1. Người mắc cúm A/H1N1 cũng cần hạn chế đến nơi đông người hoặc tiếp xúc với người khỏe mạnh.

- Theo dõi sức khỏe của bản thân và mọi người trong gia đình, khi phát hiện thấy có dấu hiệu cúm, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám, điều trị.

- Không tùy tiện sử dụng các loại thuốc trị cúm hay thuốc kháng virus khi không có chỉ định của bác sĩ.

- Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A/H1N1 hiện nay là tiêm vaccine phòng bệnh.

Khả Minh

Tin mới