17h mỗi ngày, các cửa hàng thức ăn nhanh ở Hải Điến, Bắc Kinh, Trung Quốc, đón một lượng lớn khách hàng là học sinh. Những cô, cậu học trò khoác trên mình những bộ đồng phục khác nhau, gương mặt toát lên vẻ mệt mỏi, chán nản.
Người lớn xung quanh cũng bận rộn không kém. Họ gọi món, lấy đồ ăn, liên tục xem đồng hồ để chuẩn bị gọi xe đưa con đến lớp học thêm. Thậm chí, nhiều người phải bón cơm cho những đứa trẻ đang tranh thủ làm bài tập.
Theo Xinhua, quận Hải Điến là một trung tâm luyện thi lớn tại thành phố Bắc Kinh. Các bà mẹ ở Hải Điến thường được gọi là "gà mẹ", họ nổi tiếng với phương pháp giáo dục huấn luyện "gà con".
Trong nhiều năm gần đây, thuật ngữ "gà con", dần trở nên thịnh hành tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến. Những đứa trẻ trong các gia đình trung lưu được cha mẹ nuôi dạy theo phương pháp "luyện gà". Từ bé, các em đã phải sống theo sự sắp đặt và kỳ vọng to lớn của cha mẹ.
Để đạt được thành tích học tập mơ ước và chen chân vào những trường danh tiếng, các "gà con" phải tuân theo lịch trình cha mẹ đề ra, mỗi ngày các em phải tham gia hàng loạt lớp học văn hóa, năng khiếu.
Ngoài ra, các bà mẹ rất thích học hỏi, trao đổi bí kíp "luyện gà". Trào lưu dần được lan rộng, nhiều gia đình không muốn con bị tụt lại, quyết định gia nhập đường đua.
Kỳ thi học kỳ cận kề, nỗi lo của những gia đình có "gà con" cũng lớn dần.
Thế hệ "gà con" ở Trung Quốc kiệt sức vì phải chạy theo kỳ vọng của cha mẹ. (Ảnh: Sixth Tone)
3 tuổi đọc sách tiếng Anh
Bà Trương là người mẹ Hải Điến kiểu mẫu. Con trai bà hiện theo học tại một trường tiểu học trọng điểm. Dù mới 8 tuổi, thành tích học tập của cậu bé lọt top 1% toàn quận.
Được biết, nơi con trai bà Trương theo học là trường có tỷ lệ trúng tuyển thấp. Đề thi thay đổi hàng năm và được bảo mật gắt gao. Để có được một suất học tại đây, các "gà con" phải luyện tập chăm chỉ.
Bà Trương nhận định, 3-6 tuổi là độ tuổi tốt nhất để trau dồi kiến thức. Vì thế, từ khi con trai lên 3, bà đã thiết lập thời gian biểu và loạt mục tiêu cụ thể để con trai tuân theo.
Chia sẻ với People's Daily, bà Trương cho biết con trai mình được rèn thói quen học tập, sinh hoạt độc lập. Ngoài ra, em được cung cấp nền tảng vững chắc để có thể đọc thông viết thạo tiếng Trung và đạt trình độ tiếng Anh nhất định.
Chỉ mới học lớp 3, bà Trương đã cho con trai học Toán Olympic, chơi piano và luyện võ Taekwondo. Người mẹ cảm thấy bản thân phù hợp với hệ thống "luyện gà" ở Hải Điến.
Nữ phụ huynh này cho biết thêm thành phố Bắc Kinh có rất nhiều gia đình tri thức, trình độ học vấn cao. Bà chỉ tốt nghiệp đại học bình thường, bị xếp vào loại "mù chữ" trong quận.
Hơn ai hết, bà Trương hiểu rõ sự khốc liệt trên đường đua dạy con ở nơi này. Dù trình độ học vấn không cao, bà vẫn tự tin có thể nuôi con ăn học thành tài.
Nhiều cha mẹ ở Trung Quốc có gia cảnh bình thường, trình độ học vấn không cao. Vì thế, họ quyết định đặt hết hy vọng vào thế hệ sau, với mong muốn con cái thay mình thực hiện ước mơ.
Từ bé, nhiều đứa trẻ được cha mẹ đặt mục tiêu thi đậu Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa (hai trường top đầu tại Trung Quốc).
Không chỉ thế, gần đây, mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện "Bảng kế hoạch cuộc đời" của những bà mẹ Hải Điến. Cụ thể, khi biết nói, trẻ sẽ được dạy nói song ngữ Trung - Anh. 3 tuổi, mục tiêu của những đứa trẻ này là có thể tự đọc sách tiếng Anh, học thuộc 100 bài thơ cổ.
5 tuổi là thời điểm vàng để các "gà con" luyện thi Olympic Toán học và đoạt huy chương vàng vào 5 năm tiếp theo. Lấy chứng chỉ tiếng Anh cũng là một trong những kế hoạch được lên sẵn cho nhiều đứa trẻ.
Nếu hoàn thành những mục tiêu trên, các em sẽ lọt top 5% học sinh giỏi ở Hải Điến và top 1% học sinh giỏi toàn thành phố Bắc Kinh.
Các bà mẹ Hải Điến gần như tạo ra một chuẩn mực mới cho nhiều gia đình ở Trung Quốc. Hàn Lê, một bà mẹ ở Thành Đô, bày tỏ mong muốn tham gia huấn luyện "gà con". Tuy nhiên, khi đối mặt với khối kiến thức khổng lồ phải "nạp" vào đầu các con, bà Hàn chùn bước.
"Tôi không thể làm được. Khi nghĩ đến việc con mình phải học quá nhiều, tôi rất đau lòng", mà mẹ bộc bạch.
Áp lực thành tích khiến "luyện gà" trở thành trào lưu. (Ảnh: The New York Times)
Vì sao "luyện gà" trở thành xu hướng?
Bà Trương giải đáp hiện nay, tiêu chuẩn đầu vào tiểu học, THCS ở Trung Quốc không rõ ràng như kỳ thi tuyển sinh THPT. Vì thế, các gia đình muốn con có nền tảng kiến thức vững chắc để dễ dàng giành suất vào các trường trọng điểm, chất lượng cao. Trong đó, chứng chỉ tiếng Anh là một trong những điều kiện được ưu tiên hàng đầu.
Theo Sixth Tone, nhiều gia đình ở Thượng Hải chi khoảng 100 USD/giờ cho các khóa học tiếng Anh của con. Trước kỳ thi khoảng 6 tháng, các bé sẽ phải tham gia các lớp học tiếng Anh hàng tuần, mỗi buổi kéo dài 2-3 giờ.
Ngoài ra, trào lưu "luyện gà" bắt nguồn từ những lời so sánh, ganh đua thành tích. Bà Hàn Lê cho hay bạn cùng lớp của con trai mình có thể đọc thành thạo sách ảnh tiếng Anh, dù em mới chỉ 4 tuổi. Bà lo lắng con trai không thể đạt được trình độ tương tự.
"Trước khi có Internet, bạn chỉ biết những chuyện ở quanh mình. Những thay đổi của thời đại đã khiến tiêu chuẩn sống của mọi người thay đổi", bà nhận xét.
Bà Phong, một trường hợp khác bị ảnh hưởng bởi những lời so sánh thành tích, cho biết các bạn cùng lớp con gái có thể vừa kể chuyện vừa đếm số, trong khi con bà chưa làm được như vậy. Lo sợ con bị tụt lại, bà quyết định lên mạng tìm hiểu phương pháp "luyện gà".
Sau đó, bà lập nhóm chat, tập hợp những ông bố, bà mẹ "luyện gà" ở Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm. Mọi người cùng nhau trao đổi cách dạy con và thảo luận về những trường luyện thi chất lượng.
Một bà mẹ trong nhóm chat tự hào kể "gà con" của bà đạt 99 điểm môn tiếng Trung và Toán, xếp hạng nhất. Điều này khiến bà Phong lo lắng, cố gắng thúc đẩy con học tập.
GS Tiết Hải Bình, Đại học Thủ đô (Bắc Kinh, Trung Quốc) và cộng sự đã thực hiện một cuộc khảo sát về phương pháp nuôi con của cha mẹ Trung Quốc. Ông rút ra cách dạy con của các gia đình có thể chia làm 3 loại: Độc đoán - chuyên quyền, bao dung và bỏ mặc.
Qua đó, những cha mẹ "luyện gà" được xếp vào loại độc đoán - chuyên quyền.
GS Thẩm Dịch Phi tại Đại học Phúc Đán nhận định kiểu cha mẹ trên thường có tâm lý sợ con chậm lớn, bị tụt lại so với bạn bè cùng trang lứa.
Nhiều người mong muốn con thành tài, vô tình bỏ quên ý kiến của con. Họ sẵn sàng dùng nhiều cách khác nhau để thuyết phục, thậm chí ép con tham gia hàng loạt lớp học thêm.
Khi cuộc sống thay đổi, con người buộc phải hoàn thiện bản thân để chứng minh vị thế trong xã hội. Qua đó, giấy khen, huy chương, chứng chỉ ngoại ngữ dần trở thành tấm vé thông hành cho những đứa trẻ thời hiện đại, giúp các em thi được vào những trường học top đầu.
Tuy nhiên, nuôi con kiểu "luyện gà" có thể gây phản tác dụng. Khi đứa trẻ bị ép vào khuôn khổ, chúng có thể hình thành tâm lý phản kháng. Hơn nữa, lịch học dày đặc, áp lực thành tích có thể khiến trẻ cảm thấy nặng nề, ám ảnh tâm lý. Trong tương lai, những điều này có thể để lại hậu quả không ngờ đến.
"Bản chất của giáo dục gia đình là nâng đỡ tinh thần và tu dưỡng nhân cách. Cha mẹ cần để con học cách thích ứng và tự giải quyết các vấn đề cá nhân. Điều quan trọng là phải cho trẻ niềm tin và cảm giác an toàn", GS Thẩm khuyên.