Tại họp báo chiều 7/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước đó, thành phố chia 4 giai đoạn tiêm vaccine gồm: Giai đoạn 1 từ 29/8 đến 15/9, giai đoạn 2 từ ngày 16/9 đến 30/9, giai đoạn 3 từ ngày 1/10 đến 15/10, giai đoạn 4 từ ngày 16/10 đến 31/12.
Theo đó, giai đoạn 1 từ 29/8-15/9, thành phố đã đi một nửa chặng đường với 6.715.192 mũi 1 đã được tiêm, đạt 88,9% người trên 18 tuổi, mũi 2 là 498.556 mũi, đạt 8,2% .
“Thành phố đặt mục tiêu từ nay đến 15/9, bao phủ 100 % mũi 1 và tiếp tục tiêm mũi 2 cho người đến thời hạn”, ông Nam nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các quận huyện đang đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, phối hợp với các sở, ban, ngành mở đợt cao điểm tiêm chủng từ nay đến 15/9 để hoàn thành mục tiêu.
Về công tác cung ứng vaccine, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, Bộ Y tế đã phân bổ 1 triệu liều để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 và người tiêm ở đợt 5 có thời giãn tiêm mũi 2 từ 3-4 tuần.
“Tiêm vaccine là ưu tiên hàng đầu của thành phố sau 6/9 để người dân đủ kháng thể chống lại dịch bệnh, đạt miễn dịch cộng đồng, mở cửa từng bước để khôi phục lại kinh tế”, ông Nam khẳng định.
Về câu hỏi có được tiêm trộn khi thiếu vaccine hay không, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, vaccine hiện nay là vấn đề toàn cầu, thiếu rất nhiều, TP.HCM cũng không ngoại lệ. Trong tình hình thiếu vaccine, một số nước trên thế giới có sử dụng tiêm trộn, hiệu quả rất tốt và chưa có ghi nhận biến chứng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện nay vẫn sử dụng loại vaccine tương đồng với mũi 1 khi tiêm mũi 2. Nếu mũi 1 tiêm AstraZeneca thì mũi 2 có thể tiêm Pfizer. Tuy nhiên, hiện TP.HCM vẫn chọn tiêm vaccine tương đồng về công nghệ cho người dân.
“Hiện TP.HCM chọn tiêm loại tương đồng theo quy trình sản xuất của vaccine và phù hợp nhất cho người dân. Thành phố sẽ chọn tiêm loại vaccine tốt nhất, an toàn nhất để tiêm cho từng đối tượng phù hợp. Không chọn vaccine kém chất lượng hay không phù hợp”, ông Nam nói.