Hội đồng bình chọn đã nhận 127 sự kiện nổi bật được đề xuất từ 13 cơ quan báo chí. Sau khi bình chọn, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thống nhất 10 sự kiện nổi bật của thành phố.
Tổ chức thành công cuộc ĐBQH và HĐND các cấp
Tháng 6/2021, TP.HCM đã tổ chức thành công bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,60%. Kết quả, TP.HCM có 30 đại biểu trúng cử ĐBQH XV và 94 đại biểu trúng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tổ bầu cử mở niêm phong thùng phiếu để kiểm tra phiếu bầu.
Sự kiện bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021 - 2026 có ý nghĩa khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đặt ra mục tiêu, đưa thành phố sang giai đoạn phát triển mới, xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân; TP.HCM là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
TP Thủ Đức - Thành phố đầu tiên của thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 9/12/2020, Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết số 1111 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập “thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương”. Sự xuất hiện của TP Thủ Đức là sự thay đổi căn bản về cơ cấu tổ chức, hoạt động của TP.HCM theo mô hình chính quyền đô thị.
Chính thức thành lập TP Thủ Đức. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 1/7/2021, TP.HCM chính thức thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị.
TP.HCM đánh giá việc không tổ chức HĐND quận, phường mang lại nhiều lợi ích như tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách. Dự kiến trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng.
TP.HCM trải qua đợt dịch COVID-19 khốc liệt nhất kể từ khi dịch bùng phát
Ngay từ đầu đợt dịch thứ 4, UBND TP.HCM đã triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh với phương châm 5 tại chỗ, tập trung vào các giải pháp như truyền thông, vận động, giám sát phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức điều trị hiệu quả.
Tuy nhiên, do sự xuất hiện của biến chủng Delta với tính chất nguy hiểm, lây lan nhanh, cùng với đặc thù TP có mật độ dân cư dày đặc, chen chúc nên đã khiến dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng. Cho đến khi TP tổ chức đợt cao điểm tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng (từ 23/8 - 15/9) thì tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và khống chế.
Thời điểm cao nhất của đợt dịch thứ 4 có 104.000 giường cả 3 tầng điều trị. Trong đó 4.600 giường hồi sức; có 8.128 bác sĩ, 15.914 điều dưỡng và 1.500 kỹ thuật viên, hộ lý tham gia chăm sóc F0.
Từ 2.000 giường có ô xy trước dịch, TP.HCM trang bị, đầu tư 13.000 giường có ô xy, bổ sung hàng loạt vật tư, trang thiết bị y tế.
Chỉ tính số ca chuyển nặng, tỷ lệ chuyển nặng đợt dịch này khoảng 11%, mỗi ngày có trên 800 bệnh nhân; nhu cầu oxy, máy thở, bác sĩ hồi sức tích cực... trở nên cấp thiết. Thời điểm này vaccine phòng COVID-19 còn rất hạn chế.
Đến 24/7, cả nước mới tiêm được 4,5 triệu liều vaccine, số người tiêm đủ 2 mũi mới chỉ hơn 373.000 người, nhiều nhân viên y tế tuyến đầu cũng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Để chăm sóc cho FO điều trị tại nhà , TP.HCM lập 327 Tổ phản ứng nhanh , 5 trạm cấp cứu vệ tinh 115 dã chiến, 525 Trạm y tế lưu động do quân y hỗ trợ .
Tính đến 28/10, có 195.977 ca F0 cách ly tại nhà đã khỏi bệnh. TP.HCM lập tổng đài 115 đã chiến, từ 8 đường line phải nâng cấp lên 14 và 40 line với 300 tổng đài viên để đáp ứng.
Đã có hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch, trong đó gần 55.000 là nhân viên các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Sở, khối y tế tư nhân, bệnh viện bộ ngành; 25.000 cán bộ y tế từ khắp nơi trên cả nước đến chỉ viện .
Đây là sự huy động lớn nhất chưa từng có đối với đội ngũ ngành y tế. Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP đã chuyển biến theo hướng tích cực. Kể từ ngày 1/10, tử vong giảm từ 3 con số mỗi ngày, xuống còn 2 con số; số ca mắc mới, số ca nặng, thở máy cũng giảm.
Ứng phó với phát sinh chưa từng có trong phòng, chống dịch COVID-19
TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra 3 gói hỗ trợ với số lượng và giá trị gói hỗ trợ lớn, tận dụng các nguồn lực xã hội, khẩn trương triển khai các gói an sinh đến người dân cho đến khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới; nhanh chóng bao phủ vaccine toàn dân, triển khai các trạm y tế lưu động và tổ y tế cộng đồng; tiến hành cách ly, theo dõi, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nơi lưu trú.
Tình nguyện viên mang oxy đến tận nhà cho người mắc COVID-19.
TP.HCM đã tổ chức lễ phát động "Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19" và ra mắt Trung tâm an sinh TP, huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách Nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh xã hội để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả những người khó khăn cuộc sống bảo đảm cơ bản cho đến khi TP chuyển sang bình thường.
Với hàng loạt các mô hình “Siêu thị 0 đồng”, ATM gạo, ATM oxy, vaccine tinh thần, tổng đài 1022, các giải pháp công nghệ thông tin, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành... đến đóng góp kinh phí, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất đã có hiệu quả.
Cả nước đồng hành cùng TP.HCM vượt qua đại dịch COVID-19
Trong thời gian thực hiện kiểm soát triệt để, nghiêm ngặt, giãn cách xã hội, người dân đã ủng hộ, chấp hành và tham gia thực hiện từ đường phố đến khu dân cư. Tất cả lực lượng cùng tình nguyện viên các cấp được huy động tổng lực để tham gia vào tất cả các lĩnh vực, các khâu của công tác phòng, chống dịch.
Trong đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử 13.145 cán bộ nhân viên y tế tham gia chống dịch. Bộ Y tế đã quản lý, cấp phát 4.975 máy thở, 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu test xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Điều động nhiều lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Các doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ 4.315 máy thở các loại, trên 100 máy RT - PCR, 63 máy tách chiết, 63 xe tiêm chủng lưu động, 63 xe vận chuyển vaccine, trên 3 triệu test nhanh kháng nguyên, trên 300.000 test RT-PCR và hàng chục nghìn vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ cá nhân các loại, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Bộ Quốc phòng đã tăng cường hơn 130.000 chiến sĩ hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh ở phía Nam chống COVID-19, thực hiện những nhiệm vụ chưa có tiền lệ. Trong số này, lực lượng tại chỗ của quân đội ở phía Nam từ các Quân khu 5, 7, 9 rất lớn, ngoài miền Bắc vào khoảng 20.000 chiến sĩ.
Quân đội được tăng cường vào để làm công tác an sinh, đảm bảo thực hiện nghiêm giãn cách xã hội như tổ chức chốt kiểm soát, tuần tra; vận chuyển hàng hóa, đi chợ hộ; tổ chức các tổ tiêm, xét nghiệm; các tổ quân y tư vấn, điều trị F0 tại nhà...
Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời"
TP.HCM là địa phương duy nhất tổ chúc kết nối giữa chính quyền với nhân dân qua chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” trên các nền tảng mạng xã hội, thể hiện sự mạnh dạn, tiên phong trong cách làm, mong muốn lắng nghe, đối thoại với người dân của chính quyền thành phố.
Chương trình được tổ chức để chính quyền thành phố lắng nghe, đối thoại, giải đáp những nhu cầu, bức xúc, nguyện vọng của người dân.
Bằng việc sử dụng công cụ truyền thông mới trên mạng xã hội, chương trình đã trở thành một kênh cung cấp thông tin hiệu quả, chính xác, trực tiếp đến người dân, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật đang lan rộng như hiện nay.
Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID-19
Thành ủy TP.HCM phối hợp đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 lúc 20h30 ngày 19/11/2021.
Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam trước những mất mát, đau hương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.
Nhiều người đã rơi nước mắt trong đêm tưởng niệm.
Buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc để cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TP.HCM có nhiều điểm sáng về kinh tế
Trong điều kiện dịch bệnh, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm.
Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, gồm ngành thông tin và truyền thông tăng 6,08%; ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 8,16%; hoạt động khoa học công nghệ tăng 3,8%; giáo dục và đào tạo tăng 3,12%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội tăng 28,68%.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, TP thu hút được khoảng 5,8 - 6 tỷ USD, ước tăng khoảng 11 - 15% tổng số vốn đầu tư so với cùng kỳ.
TP giải quyết việc làm cho 300.437 lượt người, đạt 100,1% kế hoạch năm 2021. Quốc hội thông qua mức ngân sách giữ lại của thành phố năm 2022 là 21%.
Thế trận an ninh nhân dân - quốc phòng toàn dân trong đại dịch
Lực lượng vũ trang TP tập trung lực lượng cho công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn đeo bám, kiên trì trấn áp tội phạm; điều tra khám phá hơn 2.000 vụ (nổi bật là triệt phá đường dây đánh bạc gần 4 tỷ USD), bắt 2.081 đối tượng, tội phạm về trật tự xã hội giảm 187 vụ so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ đội dầm mưa vận chuyển thực phẩm đến phát cho những người lao động nghèo, người dân gặp khó khăn.
Tổ chức nhiều đợt ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phát hiện và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật, triệt phá hàng chục vụ ma túy lớn, xử lý nhiều vụ án vi phạm về quản lý kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Công an TP đã trả hơn 2,1 triệu căn cước công dân cho người dân, đạt tỷ lệ hơn 98%.
Đối ngoại sáng tạo để thích ứng với tình hình mới
Lần đầu tiên trong công tác đối ngoại, TP chủ động thích ứng với tình hình mới, sáng tạo trong công tác đối ngoại, góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Thành phố nhận được nhiều nguồn lực, tình cảm, hỗ trợ, chia sẻ của bạn bè quốc tế về vaccine phòng COVID-19, trang thiết bị y tế thiết yếu, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, lương thực, thực phẩm… Bên cạnh những ủng hộ về tài lực, vật lực, còn có những lá thư, động viên, cổ vũ chân tình của kiều bào, bạn bè quốc tế.