Trong các bài viết giới thiệu tiềm năng du lịch của khu vực núi Sáng, các cơ quan ở Vĩnh Phúc luôn kể đến các địa danh: hồ Bò Lạc, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, thác Bay, hang Đề Thám. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có hình ảnh nào về hang Đề Thám được công bố. Địa điểm chính xác của hang Đề Thám cũng chưa được xác định.
Dân trong vùng Sông Lô, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) nói ngày trước còn có cả giếng Đề Thám, tương truyền là nơi nghĩa quân thường xuyên lấy nước sinh hoạt, nay đã mất dấu.
Một cán bộ xã Đồng Quế (huyện Sông Lô) nói anh có nghe nói nhiều về hang Đề Thám, nhưng chưa từng lên đây. “Ngành văn hóa - du lịch tỉnh cũng đã nhiều lần tìm kiếm nhưng chưa xác định được vị trí cụ thể của hang Đề Thám”, vị cán bộ xã nói với phóng viên VTC News.
Trên Cổng thông tin - giao tiếp điện tử huyện Sông Lô, phần giới thiệu về núi Sáng - thác Bay có đoạn viết: “Về địa danh này, trong sách Vân Đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) cho biết: "Núi Sáng là ngọn cao nhất trong dãy núi Lịch. Đỉnh núi có dăm sáu chỗ bằng phẳng như cung điện, có đền thờ Đế Thuấn”.
Sau bãi Bách Bung là đến hang Ðề Thám - nơi người anh hùng nông dân Hoàng Hoa Thám đã lập căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược những năm đầu thế kỷ XX”.
Cuốn sách Hoàng Hoa Thám 1836 - 1913 nói rằng kể từ tháng 7/1909, sau khi chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng, nghĩa quân Yên Thế chuyển địa bàn hoạt động về vùng Phúc Yên - Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc). “Đề Thám đã lặn lội đến xây dựng căn cứ ở trên núi Sáng (Lập Thạch), bên ngọn Bách Bung, tạo nên chỗ thủ hiểm lâu dài”, cuốn sách có đoạn viết.
“Tại đây, Đề Thám cho dựng tạm một số căn nhà lợp lá ẩn trong những lùm cây rậm rạp để chứa lương thực, thực phẩm do nhân dân Quang Sơn, Đồng Quế, Lãng Công, Đậu Mĩ, Vân Trục ủng hộ”…
“Ngoài phần đóng góp của một số tổng lí yêu nước, một số nhà giàu ở địa phương cũng hăng hái ủng hộ nghĩa quân như bà cụ Đội Mộc ở Phương Ngạc. Tất cả những gì nhân dân quyên góp đều được tập trung ở nhà cụ Dễ, trương tuần xã Đồng Quế rồi chuyển về căn cứ của nghĩa quân. Sau trận núi Sáng, thực dân Pháp đã khủng bố dã man những vị tổng lí, kì mục yêu nước và nhân dân từng giúp đỡ nghĩa quân Đề Thám”.
Ông Nguyễn Văn Lập, 55 tuổi, nhà ở ngay chân núi Sáng, nói ông được biết về vị trí tương đối của hang Đề Thám. “Đó là một khu vực gần đỉnh núi, nơi có hai cây lớn đan vào nhau thành hình mái vòm. Hang Đề Thám ở đâu đó trong bán kính vài trăm mét”, ông Lập nói.
Ông còn bảo muốn tới đó phải đi men theo thác Bay, không có đường, phải lội bộ, leo qua nhiều khu vực hiểm trở mới tới được. “Trông gần thế thôi nhưng đến nơi phải đi ít nhất 2 tiếng”, ông Lập nói.
Tôi cùng Vũ Xuân Hoàng quyết định vào núi Sáng tìm hang Đề Thám. Hoàng quê xã Tam Sơn (huyện Lập Thạch), nay là thị trấn Tam Sơn (huyện Sông Lô). Khi chưa tách ra, các xã của huyện Sông Lô cũng thuộc Lập Thạch.
Hồ Bò Lạc, sâu bên trong là dãy Sáng Sơn
Chúng tôi men theo hồ Bò Lạc, tiến gần chân dãy núi Sáng. Thời cụ Đề Thám còn dấy binh ở khu vực Yên Thế - Tam Đảo - núi Sáng, hồ này chưa có. Một số người nói đây là công trình nhân tạo, ra đời trong những năm 80 của thế kỷ trước với mục đích phục vụ nông nghiệp.
Nay kết hợp hồ Bò Lạc, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, núi Sáng, thác Bay cùng với hang Đề Thám và những câu chuyện đầy tính huyền thoại về người anh hùng áo vải “hùm thiêng Yên Thế”, khu vực này hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.
Hoàng nói không chỉ được nghe nhiều câu chuyện về Đề Thám và núi Sáng, ngay từ nhỏ, nhiều lần anh đã lội bộ vào sâu trong núi. “Tôi nhớ trước đây còn có dấu tích giếng Đề Thám, khu nấu ăn, nhà bếp của nghĩa quân. Nhưng lâu quá rồi, giờ không biết có còn gì hay không”, Hoàng bảo.
Chúng tôi đi ngang qua một vài công trình ven hồ, trông có vẻ giống khách sạn. Thời này lắm người nhanh nhạy, thấy có cơ hội đã đón đầu phát triển lập tức “tiên hạ thủ vi cường”. Nhưng hồ Bò Lạc là công trình thủy lợi, xây dựng công trình kiên cố, nguy nga như thế liệu có phải là vi phạm pháp luật không nhỉ?
"Cây cổng vòm" trên núi Sáng
Theo lời ông Nguyễn Văn Lập, tôi và Hoàng tìm “cây cổng vòm”. Do đã được hướng dẫn trước, chúng tôi nhanh chóng xác định được vị trí của nó từ đằng xa. Tuy nhiên, đến được vị trí đó từ chỗ chúng tôi đứng, cách xa chân núi ít nhất 5 km, là cả một vấn đề.
Bỏ xe lại, chúng tôi bắt đầu theo đường mòn tiến lên, men theo thác Bay. Núi Sáng có nguồn nước dồi dào chảy quanh năm tạo ra nhiều ghềnh thác, hồ nước đẹp. Những đoạn suối lớn là môi trường sống của cá bống, cá trê, cá rô, chạch trấu…
Gọi là thác Bay là bởi nước từ trên cao dội xuống tung bọt nước thành bụi nhỏ li ti bay lan tỏa như sương, như khói. Đây là thác nước được tạo nên bởi một dòng suối chảy xuống từ đỉnh núi Sáng.
Video: Đi ngược thác Bay tìm hang Đề Thám
Cho đến nay, người dân trong vùng vẫn chưa xác định cụ thể có bao nhiêu ngọn thác trong hệ thống thác Bay. Lúc là bốn, có khi đến năm bảy ngọn, rồi có người lại khẳng định có tất cả chín bậc thác. Các thác nước nối nhau liên tiếp, càng lên cao, các bậc thác càng cao, tạo nên một cảnh trí ngoạn mục. Thác Bay là tên gọi của ngọn thác cao nhất và được coi là tên chung của cả hệ thống thác này.
Không có đường đi, chúng tôi cứ men theo bờ suối, leo ngược lên. Địa hình rất gập ghềnh, khó di chuyển. Sau hơn hai giờ, mệt bã người, cả hai mới tới được khu “cổng vòm”.
Tôi quan sát cảnh vật xung quanh. Đây là một vùng cây cối, cả cây cỡ lớn lẫn cây dây leo chằng chịt, đất đá hỗn mang. Chỉ có tiếng chim lẫn trong tiếng suối chảy róc rách.
Tôi chợt nhận ra một thực tế: Đã cả trăm năm trôi qua, với biết bao phong hóa, vật đổi sao dời. Làm sao xác định được phiến đá nào là đá tự nhiên ở đó, và đâu là đá nghĩa quân mang đến lấp hang? Khắp nơi là cây với đá. Làm sao biết chỗ nào từng có cửa hang? Hang đi ngang, hay thông từ trên xuống?...
Hang Đề Thám được nói là ở đâu đây quanh khu vực này
Là người địa phương, từng vào núi Sáng nhiều lần, nhưng đứng trước tình thế này, Hoàng cũng bó tay. Nghỉ một lát, chúng tôi đành men theo dòng suối, leo ngược trở xuống.
Trao đổi với phóng viên VTC News, bà Hoàng Thị Huyền - Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay cơ quan này chưa có thông tin cụ thể về vị trí của hang Đề Thám. Nói đơn giản là chưa xác định được vị trí của hang và cũng “chưa có nội dung này trong chương trình công tác của năm nay”.
Cũng về chuyện này, ông Mạc Thế Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đồng Quế (huyện Sông Lô) cho hay dân địa phương mới chỉ tìm thấy một lỗ sụt nhỏ dẫn vào một cái hang rộng chừng 10 m2. “Nhưng cũng chưa phát hiện vết tích nào, ví dụ như mảnh bát vỡ hay cái gì tương tự, để có thể có căn cứ xác định đó là hang Đề Thám. Vả lại, thời gian cũng quá lâu, tới cả thế kỷ rồi”, ông Tuấn nói.
Như vậy, cho đến nay nguyên nhân cái chết, căn cứ cuối cùng của “Hùm thiêng Yên Thế” Hoàng Hoa Thám vẫn còn là một bí ẩn trong vòng trao đổi, tranh luận của các nhà sử học.
Nhưng, chúng tôi tin rằng sẽ sớm có thêm những nghiên cứu, những chuyến điền dã của các nhà sử học và cơ duyên của người dân địa phương mà những bí ẩn này được giải mã trong tương lai.
>>>Tìm lại dấu thiêng 'Hùm xám': Núi Sáng và bí ẩn cái chết của anh hùng Đề Thám
>>>Tìm lại dấu thiêng 'Hùm xám': Anh hùng Đề Thám bị sát hại ở đâu?