Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sự thật phần mộ của Hùm thiêng Yên Thế

(VTC News) - Ven đường đi xóm Tân Lập có một nấm mồ vô chủ chưa được xây cất, mà người ta vẫn truyền tụng nhau là mộ Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám.

(VTC News) - Ven đường đi xóm Tân Lập có một nấm mồ vô chủ chưa được xây cất, mà người ta vẫn truyền tụng nhau là mộ Hùm thiêng Yên Thế, tức cụ Hoàng Hoa Thám.



Kỳ 1: Người nằm dưới mộ là hành khất hay cụ Đề Thám?



Gần một thế kỷ đã qua từ khi Hùm thiêng Yên Thế ra đi, nhưng câu hỏi về cái chết và nơi an nghỉ thực sự của ông thì vẫn là bài toán hóc búa mà các hậu duệ và những ai yêu mến, kính trọng danh nhân này chưa tìm ra đáp số.



Nhân kỷ niệm 98 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chúng tôi tìm về xóm Tân Lập (xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) để tìm hiểu sự thật về phần mộ của người anh hùng Hoàng Hoa Thám mà người dân nơi đây vẫn truyền tụng nhau trong suốt chục năm nay.



Ven đường đi xóm Tân Lập có một nấm mồ vô chủ chưa được xây cất, mà người ta vẫn truyền tụng nhau là mộ Hùm thiêng Yên Thế, tức cụ Hoàng Hoa Thám.



Ngôi mộ người hành khất, được cho là của Hoàng Hoa Thám. 

Vào 1991, hai cháu nhỏ đang chơi trong vườn thì nhìn thấy hai xương chóng chân trong ngôi mộ hở ra, liền báo cho người lớn biết. Sau đó, ông Sử (cháu 5 đời của cụ Lý Loan, bạn của cụ Đề Thám) đã tìm thấy một số di vật được chôn cạnh ngôi mộ, trong đó, đáng chú ý là bài thơ ký tên Loan (tức cụ Lý Loan) nói về nỗi uất hận của cụ Đề Thám về sự nghiệp dang dở của mình), đã báo Phòng Văn hóa huyện Hiệp Hòa và viết đơn thư gửi lên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang yêu cầu xem xét.



Năm 2004, nhân dân trong xóm góp tiền xây dựng ngôi đền thờ vị anh hùng Hoàng Hoa Thám. Năm đó, con cháu Đề Thám cũng về thăm ngôi miếu, sau đó 2 năm có tặng ngôi miếu một bức tượng đồng tạc chân dung Hùm thiêng Yên Thế.



Đến nay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang lẫn các hậu duệ của cụ Thám chưa đưa ra lời khẳng định hay bác bỏ nào, nhưng ông Sử và những người dân nơi đây vẫn một mực khẳng định người nằm dưới mộ đích thị là người chủ tướng của phong trào khởi nghĩa Yên Thế năm xưa.



Ông bắt đầu câu chuyện bằng một lời khẳng định chắc nịch: “Tôi dám cam đoan là cụ Hoàng Hoa Thám ở đây (nằm dưới mộ), bởi vì có lịch sử các cụ tôi để lại. Khi phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế bị thất bại, cụ Đề Thám đã chạy về nhà cụ Lý Loan để tìm đường qua bến đò Cẩm Xuyên. Nhưng vì có tin báo bên kia sông có mai phục của quân đội Pháp, nên cụ cùng thân tín của mình quay lại nhà cụ Lý Loan rồi giả làm hành khất sống ở nhà Cầu Thày Mai cho tới cuối đời.



Miếu thờ cụ Hoàng Hoa Thám ở Tân Lập. 

Vì cụ Thám giả danh hành khất, nên đám tang được cử hành theo “nghi lễ dành cho hành khất”, nghĩa là chôn cất không có quan tài và đưa đám. Bí mật đó được gia đình cụ Lý Loan giữ kín nhiều đời nay bằng cách chỉ truyền lại cho con trai trưởng trong gia đình”.



Cũng theo lời bác Sử, cách đây hơn 20 năm, trước khi mất, anh trai bác đã truyền lại bí mật dòng họ cho bác mà không truyền lại cho con trai trưởng của mình bởi vì khi đó mấy người cháu của bác còn nhỏ.



Tôi bày tỏ băn khoăn vì sao sau kháng chiến chống Pháp hoặc lúc hòa bình lặp lại, gia tộc bác không công bố bí mật này, hay ít nhất là xây dựng phần mộ cẩn thận, đàng hoàng hơn, (để hai chiếc xương chóng chân của người đã khuất không phải lộ ra ngoài vì mưa gió) mà phải chờ tới khi con cháu cụ Đề Thám đi tìm mộ cụ rồi mới công bố?



Bác Sử nói: “Bố ta sợ bị bọn phong kiến quy tội, phải đi tù nên không công bố. Sau 1954 (miền Bắc được giải phóng) bố ta sợ quân Pháp mạnh, quay lại nên cũng chưa dám công bố”.



Tuy nhiên, lý lẽ này của bác Sử có vẻ không hợp lý lắm. Cả một thời gian dài sau kháng chiến chống Pháp, rồi hòa bình năm 1975, không có gì khó khăn, cản trở việc công bố thông tin phần mộ cụ Đề Thám cả.



Ban thờ trong miếu cụ Hoàng Hoa Thám. 

Bác Sử nói thêm: “Anh ta trước khi mất có ghi giấy truyền lại hẳn hoi “đây là mộ ông ăn mày thất trận về đây, tên ông là Trương Văn Nghĩa. Sau này, ta đi tìm hiểu trên Yên Thế thì biết Trương Văn Nghĩa chính là cụ Hoàng Hoa Thám, lúc đó ta mới biết”.



Tiếp lời bác Sử, cô Hiền (một trong số những người có công xây dựng ngôi miếu thờ cụ Hoàng Hoa Thám, nằm cạnh ngôi mộ người hành khất bí ẩn) nói: “Nghe nói cụ Hoàng Hoa Thám chết ở đồi thông Hiệp Hòa. Năm 1984, người ta đào tìm cụ ở đồi thông Hoàng Thanh (một xã cũng thuộc huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) thì cây nhỏ, không phải rừng già. Còn ở đây có đồi thông cổ, lại có cây thông cong giống như ghế của cụ Hoàng Hoa Thám, lại có chuôm Yên Thế, cụ về cụ đặt, gò chanh gọi là gò Cai Chanh. Vì thế, dân ở đây mới nghĩ có khi là cụ Hoàng Hoa Thám thác ở đây rồi nên mới cử ông Sử đại diện cho dân đi trình báo các nơi”.



Kết thúc câu chuyện, cô Hiền còn chốt lại: “Ông Sử là người hiểu biết hơn, nên chúng tôi gom góp vào cử ông Sử đi. Tôi nói thế có đúng không?” Bác Sử trả lời: “Đúng như thế đấy!”.



Thông tin đáng chú ý: Năm 2005, ông Trần Văn Lạng, khi đó là Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, đã trực tiếp về Tân Lập tiếp nhận hiện vật đào được ở cạnh ngôi mộ cụ hành khất. Hiện vật bao gồm một chiếc liễn sành úp ngược xuống đất, được ốp chặt đáy bằng một chiếc đĩa, bên trong có hai tờ giấy, một tờ có một bài thơ ký tên Loan. Xung quanh được ốp bằng lá trầu khô và một lớp vữa (vôi và cát).



Những mâu thuẫn và căn cứ thiếu thuyết phục trong câu chuyện của bác Sử và những người dân nơi đây, khiến tôi băn khoăn rằng, ngôi mộ cụ Hoàng Hoa Thám ở xóm Tân Lập phải chăng chỉ là tin đồn, đoán mò? Những hiện vật mà bác Sử đào được ở cạnh mộ cụ hành khất có liên quan đến ngôi mộ, có ý nghĩa như thế nào và vì sao 7 năm nay (từ khi phát hiện hiện vật) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng?



Còn tiếp…



Thảo Lăng




Nguồn:

Tin mới