Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thượng đỉnh G7 bàn cách sử dụng tài sản bị phong toả của Nga

Các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông tiếp tục là tâm điểm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) diễn ra ở Italia.

Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó đặc biệt nhằm vào các công ty Trung Quốc được cho là hỗ trợ Nga gia tăng “ngân sách chiến tranh”.

Động thái được xem là thông điệp mạnh mẽ gửi tới các đồng minh và đối tác, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo G7 vẫn chưa thống nhất được việc sử dụng tài sản bị phong toả của Nga như thế nào để tài trợ cho Ukraine. 

“Chúng tôi đang làm việc với các đối tác để giải phóng tải sản bị đóng băng của Nga, cũng như sử dụng các công cụ mà chúng tôi có để ứng phó với xung đột ở Trung Đông và quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, bao gồm việc đảm bảo rằng các công nhân và doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng và bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Italia sẽ bàn cách sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga. (Ảnh: Reuters)

Những cáo buộc của Mỹ và Liên minh châu Âu về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc cũng là một nội dung được quan tâm tại hội nghị lần này. Các nhà lãnh đạo G7 được cho là sẽ xem xét khả năng áp dụng các biện pháp bổ sung, bao gồm cả tăng thuế đối với hàng hoá Trung Quốc nhằm mang lại “sự công bằng” cho các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác.

Các nhà lãnh đạo G7 có thể sẽ bày tỏ quyết tâm trong việc giải quyết gánh nặng nợ nần mà nhiều thị trường mới nổi và các nước đang phát triển phải đối mặt. Italia cũng đang thúc đẩy một hiệp định về mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia dù thừa nhận một thỏa thuận sẽ không thể hoàn tất ngay trong tháng này như kế hoạch trước đó.

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này có chương trình nghị sự khá rộng về các cuộc xung đột tại Ukraine, Trung Đông, vấn đề nhập cư, Ấn Độ Dương Thái Bình Dương đến an ninh kinh tế, trí tuệ nhân tạo (AI).  

Trên cương vị Chủ tịch G7, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cam kết hành động hết sức mình vì một tương lai công bằng, bền vững và lành mạnh cho tất cả mọi người và ở tất cả mọi nơi.

“G7 sẽ xác nhận sự ủng hộ của mình đối với Ukraine và sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Chúng tôi sẽ giải quyết xung đột ở Trung Đông, nỗ lực ngăn chặn sự leo thang căng thẳng, khôi phục hòa bình, ổn định và an ninh trên toàn khu vực.

Chúng ta sẽ giải quyết những thách thức lớn của thời đại, từ mối quan hệ giữa khí hậu - năng lượng cho đến an ninh lương thực. Cùng nhau, chúng ta sẽ đặt nền móng để xây dựng mối quan hệ bình đẳng mới và cùng có lợi với các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi”, Thủ tướng Meloni nhấn mạnh.

Dù không phải là một diễn đàn ra quyết định, song G7 là một diễn đàn chính sách toàn cầu quan trọng khi 7 quốc gia thành viên nằm trong số 9 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 7 trong số 15 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, 7 trong số 10 nhà xuất khẩu hàng đầu và 7 trong số 10 nhà tài trợ hàng đầu của Liên hợp quốc.

Thu Hoài/VOV1

Tin mới