Hàng chục nghìn người đã đổ ra đường ở Bangkok vào cuối tuần qua để biểu tình, tiếp nối các cuộc xuống đường đã diễn từ tháng 7, nhằm chống lại chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Thủ tướng Prayut là cựu lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 và đặt Thái Lan dưới sự kiểm soát của quân đội trong 5 năm.
Người biểu tình Thái Lan diễu hành trên phố Bangkok hôm 19/9. (Ảnh: Reuters)
Dưới chính quyền quân sự, hiến pháp mới đã được soạn thảo trước cuộc bầu cử năm ngoái. Ông Prayut đã được bầu là người lãnh đạo chính phủ dân sự, chiến thắng mà giới phân tích cho rằng được các điều khoản hiến pháp mới hậu thuẫn.
Người biểu tình nói rằng toàn bộ cuộc bầu cử đã bị thao túng. Theo đó, họ gửi thư tới Vua Maha Vajiralongkorn để yêu cầu cải cách chế độ quân chủ, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng chính phủ của ông từ chức và soạn thảo bản hiến pháp mới, dân chủ hơn, thay thế hiến pháp hiện tại.
Người biểu tình cũng yêu cầu bãi bỏ luật phỉ báng, quy định nhằm ngăn hoàng gia bị chỉ trích. Đây được xem là một trong các điều luật khắc nghiệt nhất thế giới, có thể khiến người vi phạm phải ngồi tù tới 15 năm với mỗi tội danh.
Làn sóng bất bình của công chúng đã âm ỉ từ tháng 2, khi giới lãnh đạo của đảng đối lập, phe được giới trẻ Thái Lan ủng hộ, bị cấm tham gia chính trị. Nhiều người nói rằng động thái chống lại đảng Tương lai mới mang động cơ chính trị.
Ngoài ra, COVID-19, đại dịch khiến nền kinh tế Thái Lan đóng cửa và rơi vào suy thoái, đã khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo ở quốc gia Đông Nam Á này.
Hồi tháng 6, nhà hoạt động nổi tiếng Wanchalearm Satsaksit, người từng sống lưu vong ở Campuchia, bất ngờ biến mất. Giới hoạt động am hiểu về mạng xã hội Thái Lan đồng loạt đăng Twitter yêu cầu câu trả lời về vụ mất tích.
Chiến dịch trực tuyến này đã chuyển thành biểu tình trực tiếp từ giữa tháng 7 và làn sóng biểu tình trên khắp đất nước nổ ra, với ước tính 50.000 tham dự cuối tuần qua, biến đây trở thành biểu tình lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2014.
Thái Lan nhiều thập kỷ qua đã vướng vào vòng xoáy của biểu tình bạo lực và đảo chính quân sự. Nhưng trong quá khứ, các phong trào này thường được các thế lực chính trị và tài chính hậu thuẫn. Phong trào biểu tình của sinh viên hiện tại không có một nhà lãnh đạo duy nhất, lấy cảm hứng một phần từ làn sóng biểu tình Hong Kong.
Việc người biểu tình lần đầu lên tiếng đòi cải cách chế độ quân chủ, một vấn đề tương đối nhạy cảm, cũng là điểm khác biệt lớn của phong trào hiện tại so với trước đây.
Theo hiến pháp, hoàng gia, gồm Vua Maha Vajiralongkorn, thường không can thiệp vào chính trị, nhưng có sức ảnh hưởng rất lớn. Kể từ khi tiếp quản ngai vị năm 2016, ông thực hiện những thay đổi chưa từng có, khi trực tiếp kiểm soát tài sản của hoàng gia và chỉ huy hai đơn vị quân đội. Hậu thuẫn cho ông là quân đội bảo hoàng và gia tộc tỷ phú quyền lực.
Phong trào biểu tình của sinh viên đã thu hút quan tâm và ủng hộ của đông đảo người dân Thái Lan, trong đó có rất nhiều người thuộc tầng lớp lao động. Phong trào này cũng lan rộng ở nhiều trường trung học khắp cả nước.
"Chúng tôi phải chiến thắng nỗi sợ của chính mình, bởi nếu không chiến đấu, tương lai của chúng tôi sẽ không được cải thiện", Rewat Chusub, thợ may 41 tuổi tham gia biểu tình trước Cung điện hoàng gia cuối tuần qua, nói.
Người ủng hộ hoàng gia Thái Lan biểu tình ở thủ đô Bangkok hôm 30/8. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, các nhóm bảo hoàng cũng tổ chức phong trào chống biểu tình quy mô nhỏ hơn, với hầu hết thành phần tham dự là người lớn tuổi hơn.
Thủ tướng Prayut nói rằng Thái Lan có thể "chìm trong biển lửa", nếu sinh viên tiếp tục đi quá xa, dù ông cam kết sử dụng các "biện pháp nhẹ nhàng hơn" để đối phó với làn sóng biểu tình.
Cho tới nay, hơn 20 người biểu tình đã bị bắt, bị buộc tội nổi loạn và vi phạm quy tắc phòng chống Covid-19, nhưng đã được tại ngoại.
Các nhà hoạt động kêu gọi tiến hành cuộc biểu tình khác bên ngoài quốc hội vào ngày 24/9, thời điểm các nghị sĩ tranh luận về thay đổi hiến pháp. Họ cũng muốn tiến hành tổng đình công vào ngày 14/10 tới.
Paul Chambers, cố vấn đặc biệt về các vấn đề quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN thuộc Đại học Naresuan, nói rằng bằng cách đề cập tới chế độ quân chủ, người biểu tình đã tạo ra thay đổi lớn ở Thái Lan.
Nhiều nhà sử học lo ngại phong trào biểu tình sinh viên hiện tại làm dấy lên nỗi ám ảnh về vụ thảm sát tại Đại học Thammasat năm 1976. Sinh viên biểu tình bị bắn và đánh chết bởi phe bảo hoàng. Matt Wheeler, nhà phân tích cấp cao của International Crisis Group, nhóm nghiên cứu khủng hoảng toàn cầu ở Bỉ, chỉ ra đây có thể là "minh chứng rõ ràng" cho rủi ro người biểu tình ủng hộ dân chủ có thể phải đối mặt.
Người biểu tình tập trung kín phía trước Cung điện hoàng gia ở Bangkok hôm 19/9. (Ảnh: NYTimes)
"Rất nhiều người có thể sẽ chết. Nhưng để có được tự do, chúng tôi phải chấp nhận rủi ro lớn", Panusaya Sithijirawattanakul, một trong số lãnh đạo sinh viên biểu tình cuối tuần qua, cho hay.
Tuy nhiên, Titipol Phakdeewanich, nhà phân tích chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani, nhận định sử dụng vũ lực không phải là lựa chọn trong tình huống này bởi Thái Lan luôn được giám sát chặt chẽ bởi các đồng minh phương Tây. Nếu họ dẹp biểu tình bằng các biện pháp bạo lực và khiến sinh viên thương vong, "đây có thể là dấu chấm hết cho tính hợp pháp của quân đội", theo Titipol.