Theo Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne, chi phí điện trên thị trường châu Âu vào năm 2023 có thể cao gấp 10 lần so với năm ngoái.
"Giá năng lượng đang tăng. Đối với khí đốt, giá thị trường năm 2023 cao gấp 5 lần giá năm 2021” , Thủ tướng Elisabeth Borne nói.
Châu Âu đối mặt với khó khăn khi lệ thuộc khí đốt Nga.
Trước đó, truyền thông Pháp đưa tin, giá bán buôn điện ở nước này sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm tới, vượt 1.000 euro/megawatt giờ (MWh), cao gấp 10 lần so với một năm trước.
Hôm 15/9, bà Elisabeth Borne công bố các biện pháp mới của Chính phủ Pháp để kiểm soát giá khí đốt và điện tăng vọt ở nước này. Theo đó, Chính phủ Pháp cam kết giữ mức tăng giá khí đốt và điện ở mức 15% vào năm 2023. Động thái này được cho sẽ tiêu tốn 16 tỷ euro ngân sách của Pháp.
Chính phủ các nước ở châu Âu đầu tư hàng trăm tỷ euro vào việc cắt giảm thuế, phân bổ và trợ cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm gia tăng lạm phát, buộc các ngành công nghiệp phải đóng cửa sản xuất và tăng hóa đơn tiện ích trước mùa đông.
Thời gian qua, nguồn cung dầu và khí đốt của Nga tới châu Âu giảm mạnh trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, do các lệnh trừng phạt của EU và các biện pháp đáp trả của Moskva. Người dân ở Áo, Cộng hòa Séc và các nước khác trong khối đã xuống đường biểu tình trong những tuần gần đây để phản đối chi phí năng lượng tăng cao.
EU không đạt được đồng thuận về ý tưởng giới hạn giá khí đốt của Nga khi Đức, Hungary và Slovakia nằm trong số những nước phản đối kế hoạch này.
Mới đây, Tổng thổng Putin cảnh báo EU về tương lai không còn năng lượng Nga. Ông Putin khẳng định, Moskva sẽ không xuất khẩu bất cứ nguyên liệu thô nào, kể cả năng lượng, nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của nước này.
EU phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Trước bối cảnh dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu giảm, các quốc gia EU nhất trí giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt để đảm bảo dự trữ cho mùa đông. Mỹ cũng đã đồng ý cung cấp cho châu Âu 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm 2022.