Tại talkshow Vietnam ON số 4 chủ đề “Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo AI” do Kênh VTC1, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức, PGS.TS Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ xoay quanh vấn đề triển khai chiến lược quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam được hình thành và ngày càng phát triển, đi sâu vào nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội. Theo Thứ trưởng, Việt Nam có 3 lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đóng góp nhiều nhất.
Thứ nhất là các lĩnh vực tài chính có nhiều hội nhập về quốc tế. Đặc điểm của lĩnh vực tài chính là dữ liệu rất dồi dào vì các giao dịch liên thông quốc tế. Vì thế, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực này rất thuận lợi.
PGS. TS Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự talkshow Vietnam ON số 4 với chủ đề “Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo AI”.
Thứ hai là lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội. Ví dụ như việc ứng dụng các camera giám sát, camera nhận dạng biển số xe tự động để vào ra các bãi gửi xe, hay các bến bãi đỗ xe bên đường.
Thứ ba là lĩnh vực giáo dục. Đó chính là ứng dụng trí tuệ nhân tạo liên quan đến tiếng Việt, có thể kể đến như chữ viết tiếng Việt, tiếng nói tiếng Việt, hội thoại tiếng Việt của các ứng dụng thông minh như giao tiếp, nhận dạng tiếng nói, hội thoại, kể cả các robot tự động...
Ngoài 3 lĩnh vực trên, trí tuệ nhân tạo cũng được áp dụng trong các doanh nghiệp, lĩnh vực y tế và cả báo chí truyền thông. Hiện nay, rất nhiều đài truyền hình trên thế giới đang sử dụng biên tập viên là trí tuệ nhân tạo. Nhiều ứng dụng khác như tổng đài viên trực tổng đài của taxi bây giờ đã được thay thế bởi các hệ thống tự động để kết nối, tính toán. Thậm chí các nhân viên khách hàng hiện nay cũng đang bị cạnh tranh bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo, trong các nền tảng tài chính thông minh.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh khi trí tuệ nhân tạo đang hiện hữu trong nhiều mặt của cuộc sống, đòi hỏi con người phải nâng cao trình độ, trau dồi thêm các kỹ năng về thiết kế, sáng tạo.
Ông Bùi Thế Duy cũng bày tỏ quan ngại: "Dù chúng đã có những quan tâm, ý kiến phát triển trí tuệ nhân tạo nhưng vẫn ở mức khá thấp so với thế giới, do chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng về dữ liệu tính toán, công nghệ, nhân lực... Chúng ta có rất nhiều tiềm năng nhưng chỉ ở dạng tiềm năng".
Để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chỉ ra 3 trụ cột cần phải làm.
Đầu tiên là kết nối, thúc đẩy đào tạo về trí tuệ nhân tạo trong xã hội thông qua các cuộc thi. Mong muốn dài hơn chính là hình thành những chương trình ngắn nhưng số lượng học sinh lớn để hình thành một đội ngũ hàng trăm nghìn người làm trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ về 3 trụ cột thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai, triển khai và thúc đẩy các chương trình nghiên cứu phát triển về trí tuệ nhân tạo. Ví dụ như chương trình KC- 4.0 (hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0).
Thứ 3, thúc đẩy hình thành các bộ dữ liệu nghiên cứu song song với các chương trình chuyển đổi số quốc gia, tạo ra dữ liệu lớn ở mọi lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng những bộ dữ liệu sâu, các hành lang pháp lý để xây dựng nền tảng kết nối giữa cung và cầu về công nghệ cũng như nhân lực chuyên gia trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Bộ KH-CN cũng biểu dương, ghi nhận đóng góp của các tập đoàn, doanh nghiệp startup đối với định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh quốc phòng đất nước. Đồng thời, ông cũng bày tỏ hy vọng trong vài năm tới đông đảo lực lượng chuyên gia, nghiên cứu sinh, thực tập sinh có thể triển khai trí tuệ nhân tạo ở mức trung bình.
Theo báo cáo được công bố vào tháng 2/2022 về "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) thực hiện, Việt Nam đứng thứ 62 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN, so với năm 2020, tăng 14 bậc so với xếp hạng thế giới và tăng 1 bậc (thứ 6/10) so với ASEAN.
Đây là năm đầu tiên, điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 51.82, vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới (47.42). Việc đánh giá và xây dựng bộ chỉ số dựa trên nhiều yếu tố như đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, ứng dụng, doanh nghiệp, đặc biệt là sự xuất hiện của chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 của Chính phủ ban hành năm 2021.