Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023 được Sở GD&ĐT TP.HCM công bố ngày 9/9, phòng GD&ĐT các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cùng hiệu trưởng các trường tiểu học phải đảm bảo dạy môn tiếng Anh, Tin học cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học này theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Tuy nhiên, do thiếu giáo viên môn tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học trong khi chương trình hai môn học này trở thành bắt buộc ở cấp tiểu học từ năm học này, TP.HCM yêu cầu các phòng GD&ĐT, các trường có phương án bố trí giáo viên linh hoạt.
Cụ thể, các phòng GD&ĐT có thể điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học hay biệt phái, điều động giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp THCS giảng dạy tại trường tiểu học. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng bởi việc thiếu giáo viên đang diễn ra ở tất cả các bậc học.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho hay: “Không riêng gì bậc tiểu học mà cả bậc THCS, THPT trên địa bàn quận cũng đang thiếu giáo viên đủ các môn từ tiếng Anh, Tin học, đến các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, chuyên đề,… nên không thể nào choàng vai nhau được, trường nào cũng phải tự chủ động trường đó thôi”.
Nhiều nơi vẫn thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy tiếng Anh. (Ảnh: Như Ý)
Theo ông Thanh, phương án đang được phần lớn các trường thực hiện là hợp đồng với giáo viên về hưu, giáo viên các trung tâm bên ngoài để về dạy học.
Dù thiếu giáo viên nhưng việc tuyển dụng mới không hề dễ, bởi theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, nhiều trường, nhiều bộ môn có rất ít thậm chí là không có người nào ứng tuyển dù chỉ tiêu tuyển dụng không ít. “Nguyên do sâu xa của thực trạng này là giáo viên mới vào nghề lương thấp nên nhiều người bỏ nghề hoặc từ chối không theo nghề sư phạm”, ông Thanh nói.
Giáo viên dạy học tại một trường THCS ở quận Bình Thạnh (xin giấu tên) cho hay, trường đang thiếu nhiều giáo viên ở nhiều bộ môn khác nhau. “Một số lớp thiếu giáo viên, trường không bố trí được người dạy, các em được cho bài tập để làm; cũng có lớp, giáo viên dạy Sử kiêm luôn dạy Địa lý… khiến cả thầy và trò đều rất vất vả.”
Được biết, theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2022-2023, TPHCM cần tuyển hơn 5.200 giáo viên, trong đó tiểu học hơn 2.300, THCS gần 1.700, mầm non gần 900 và THPT gần 300. Các môn thiếu giáo viên, nhiều nhất là giáo viên dạy môn tiếng Anh, Tin học.
TPHCM còn thiếu giáo viên cục bộ. (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Tây Nguyên: Hàng nghìn trẻ chưa thể đến trường
Đắk G’long là một trong những địa phương có số lượng học sinh đến tuổi đi học nhiều của tỉnh Đắk Nông. Những năm qua, địa phương này luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.
Cô Thái Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Lan (xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’long) cho biết, năm học này trường có 2 điểm trường với khoảng 306 học sinh. Trung bình mỗi lớp có 30-40 học sinh và dự kiến còn tăng thêm. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên nên nhà trường chỉ ưu tiên tiếp nhận các em từ 5 tuổi. Còn các em từ 3 đến 4 tuổi chưa được đến trường.
Theo số liệu từ UBND huyện Đắk G’long, địa phương có hơn 1.400 em 3 đến 4 tuổi ở bậc mầm non chưa được đến trường. Lãnh đạo huyện cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu giáo viên, cơ sở vật chất. Số học sinh này tăng cơ học khi thực trạng người dân di cư tự do vào sinh sống. Trong khi hằng năm, ngành giáo dục phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông, năm học 2022-2023, toàn tỉnh còn thiếu 966 giáo viên. Cụ thể, cấp học mầm non thiếu 251 người; cấp tiểu học thiếu 349 người; cấp Trung học cơ sở thiếu 232 giáo viên; cấp Trung học phổ thông thiếu 93 giáo viên.
Thực trạng thiếu giáo viên cũng xảy ra tại tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh này đã có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung 4.481 người làm việc cho ngành giáo dục (3.414 giáo viên, 1.067 nhân viên, quản lý).
Ông Trần Văn Tĩnh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai) nhà trường phải phân công một số giáo viên cấp tiểu học giảng dạy cấp THCS. Nhiệm vụ hoàn thành nhưng về quy định thì không đảm bảo do chưa đúng ngạch.
Trường TH và THCS Anh Hùng Wừu (xã Gào, thành phố Pleiku) cũng luôn trong tình trạng thiếu giáo viên ở cả 2 cấp. Cụ thể, trường thiếu 7 giáo viên tiểu học (5 giáo viên dạy văn hóa, 1 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học); 2 giáo viên THCS dạy môn Lịch sử - Địa lý và giáo viên Hóa học - Sinh học.
Ngành giáo dục Đắk Lắk cũng đang thiếu 1.260 giáo viên, trong đó nhiều nhất là bậc mầm non (671 giáo viên).
Cao Bằng: “Giật gấu, vá vai”
Năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên ở Cao Bằng càng trở nên trầm trọng. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học này, Tin học và tiếng Anh là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3 mà giáo viên hai môn này thiếu nhiều dẫn đến tình trạng “giật gấu, vá vai”, vẫn không đủ giáo viên đứng lớp.
Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết, hiện ngành giáo dục địa phương đang thiếu 482 biên chế so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, tỉnh thiếu 87 giáo viên tin học và 83 giáo viên tiếng Anh để đứng lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2022-2023. Năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục, nhưng chỉ tiêu được giao 519 viên chức, qua thi tuyển, chỉ tuyển được 315 viên chức, hụt 204 người so với chỉ tiêu được giao, nguyên nhân do không có nguồn để tuyển dụng.
Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn Tin học và tiếng Anh, ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường giáo viên bậc trung học cơ sở hỗ trợ giảng dạy ở các trường tiểu học, bố trí giáo viên dạy liên trường và ký hợp đồng với giáo viên Tin học và tiếng Anh đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên hiện có vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu giảng dạy.
Quảng Bình: Thiếu hơn 1.800 giáo viên
Ngày 12/9, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình thừa nhận, hiện ngành này đang thiếu hơn 1.800 biên chế giáo viên so với quy định của Bộ GD&ĐT. Đây là vấn đề nan giải khiến ngành giáo dục và tỉnh Quảng Bình đau đầu và đang tìm cách khắc phục.