Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thầy lang dùng chất lỏng kỳ lạ chữa COVID-19, tự nhận 5 triệu người đã khỏi

Hakim Alokozai, 62 tuổi, tự nhận chữa khỏi COVID-19 cho 5 triệu người bằng thứ dung dịch mà Bộ Y tế Afghanistan cáo buộc là chất gây nghiện.

Mohammad Zaman di chuyển 335 km qua các trạm kiểm soát của Taliban, vượt qua những con đường đất dài bụi bặm từ Kunduz tới Kabul, mang về vài lọ chất lỏng mà ông ta tin rằng sẽ chữa khỏi các bệnh do COVID-19.

Zaman tuyên bố đã khỏi bệnh COVID-19 hồi tháng trước, sau khi dùng thuốc của một thầy lang ở thủ đô Afghanistan có tên Hakim Alokozai. Người đàn ông 50 tuổi cùng 12 người nữa đồng hành từ quê đến Kabul, với hy vọng mang về thứ chất lỏng chữa khỏi COVID-19 cho hàng trăm người ở quê.

"Tôi bị ốm hơn một tháng trước, rất khó thở. Trong 10 ngày sử dụng thuốc, tất cả triệu chứng biến mất", Zaman nói khi uống một ly hồng trà nhỏ thêm ba giọt thuốc.

Hakim Alokozai tuyên bố đã chữa khỏi COVID-19 cho 5 triệu người ở Afghanistan. (Ảnh: Aljazzera)

Giống nhiều người dân Afghanistan khắp cả nước, Zaman và gia đình đã trải qua các triệu chứng mà họ tin rằng đó là do nhiễm COVID-19 và không cần đi viện, ban đầu chỉ uống một loại cocktail gồm thuốc diệt virus, hoa quả và thuốc trị cảm lạnh để tự điều trị.

"Chúng tôi thử mọi cách, không cách nào hiệu quả tới khi dùng thuốc này", ông nói.

Người sáng tạo ra thứ thuốc thảo dược này là Alokozai, đến từ tỉnh Kandahar, miền nam Afghanistan. Ông tuyên bố Zaman là ví dụ điển hình về hiệu quả của loại thuốc chưa qua thử nghiệm lâm sàng này, phương pháp mà Alokozai khẳng định đã chữa khỏi cho 5 triệu người.

"Mỗi người chúng tôi chữa khỏi sẽ giới thiệu cho 50, 100 người nữa, thậm chí nhiều hơn", ông nói dù không đưa ra bằng chứng.

"Những người duy nhất chết vì COVID-19 ở Afghanistan đều là những người đến viện", Alokozai nói về 1.409 ca tử vong ở Afghanistan.

Afghanistan báo cáo gần 40.000 ca nhiễm nhưng các chuyên gia nhận định con số này có thể cao hơn rất nhiều. Người dân thường tránh đến viện, cả viện công lẫn viện tư, vì sợ tình trạng quá tải và thiếu vệ sinh sẽ chỉ khiến họ ốm thêm.

Trong những tháng đầu bùng dịch, chỉ một số cơ sở ở mỗi tỉnh có năng lực chẩn đoán đúng bệnh. Đến giữa tháng 6, Bộ Y tế cho phép tất cả các cơ sở tư nhân mua bộ xét nghiệm COVID-19. Đây được coi là cách giảm bớt áp lực cho bệnh viện công, nơi chỉ có 3.500 giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19 ở quốc gia 37 triệu dân.

Tháng trước, trưởng thanh tra Ghizaal Haress cho hay cả nước có 372 máy thở và ở nhiều tỉnh, nhân viên bệnh viện vẫn chưa được đào tạo kỹ năng sử dụng. Cùng tháng, Bộ Y tế công bố kết quả khảo sát trên 9.500 người, cho biết có tới 10 triệu người có thể đã mắc và khỏi bệnh do nCoV.

Thiếu trông cậy vào sự giúp đỡ ở đất nước nổi tiếng với cơ sở hạ tầng y tế yếu kém sau hơn 20 năm chiến tranh, đồng nghĩa với việc người dân Afghanistan buộc phải tiếp cận Alokozai, người mà các quan chức y tế cho rằng chẳng khác gì kẻ bán đầu rắn.

Hồi tháng 6, Bộ Y tế đã tìm cách bắt Alokozai sau khi một phòng thí nghiệm của nhà nước xét nghiệm loại dung dịch chữa COVID-19 mà ông ta bán là hỗn hợp thuốc phiện, papaverin, codein, morphin và một số loại thảo mộc.

Trong một cuộc họp báo, quyền Bộ trưởng Y tế Ahmad Jawad Osmani cho hay cái gọi là "phương pháp điều trị" của Alokozai chỉ là sự kết các chất ma túy địa phương và việc sử dụng nó dẫn tới gia tăng tỷ lệ nghiện ở quốc gia vốn có hơn ba triệu người nghiện ma túy.

Masooma Jafari, phó phát ngôn viên Bộ Y tế, cho hay Bộ bác bỏ hoàn toàn các tuyên bố của Alokozai.

"Hiện không có cách chữa COVID-19 và hỗn hợp ông ta bán không thể ngăn ngừa căn bệnh", Jafari nói, kêu gọi cơ quan an ninh bắt Alokozai và đảm bảo ông ta không tiếp tục phát tán hợp chất này.

Alokozai đang sống ở Kabul, vẫn chưa bị bắt. Hỗn hợp ông ta pha chế vẫn được phân phát miễn phí ở thủ đô.

"Tôi không phạm tội gì. Tôi rất vui nếu họ đến bắt, hãy thử xem", Alokozai nói.

Ông kêu gọi các nhà chức trách kiểm tra những người mà mình đã điều trị để xem họ còn bệnh hay không.

"Tôi không cố làm gì cao xa cả, tôi chỉ muốn làm cho Afghanistan tốt đẹp hơn", ông nói.

Alokozai, 62 tuổi, thừa nhận chưa qua trường lớp nào nhưng đã hành nghề hơn 40 năm. Ông còn tuyên bố đã phát triển các phương pháp điều trị mọi căn bệnh, từ cúm đến HIV và các bệnh ung thư. Bất chấp nghi vấn về phương pháp chữa bệnh của ông ta, vẫn có nhiều người tin tưởng Alokozai.

Hồi tháng 5, khi Bộ Y tế ra lệnh ngừng mọi hoạt động chữa trị COVID-19 của Alokozai, hàng trăm người đã biểu tình nhiều giờ, chặn một con đường lớn ngoài bệnh viện ở Kabul.

Alokozai cho hay lấy cảm hứng sáng tạo hợp chất chữa trị các triệu chứng COVID-19 như cúm, nhiễm trùng cổ họng, bệnh đường tiêu hóa, chán ăn, mất ngủ, từ tác phẩm Hamlet của thi hào Shakespeare.

"Giống mọi phương pháp điều trị khác của tôi, nó đến khi tôi đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Các phương pháp ấy đến với tôi như một bài thơ đầy cảm hứng", ông nói.

Tuyên bố này cho thấy khó khăn ở một quốc gia như Afghanistan, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn thiếu thốn. Ngân hàng Thế giới ước tính cứ 10.000 người thì chỉ có 3 bác sĩ ở Afghanistan. Ở Mỹ là 26 bác sĩ trên 10.000 dân.

Tháng trước, tại một trung tâm phân phối ở Tây Kabul, hàng chục người từ ba tỉnh khác nhau đã xếp hàng để nhận thuốc của Alokozai cho người thân ở quê.

Mohammad Zaman uống ly trà pha "thuốc" chữa COVID-19 của Alokozai. (Ảnh: Aljazzera)

Ilham, 25 tuổi, một người dân ở Kabul làm tình nguyện viên ở một trung tâm phân phối, cho hay có ngày có tới 500-600 người từ nhiều vùng khác nhau khắp cả nước đến nhận thuốc. Một mình anh đã gửi đi số thuốc cho 100 hộ gia đình quê tại Kapisa.

Việc phân phối thuốc của Alokozai thậm chí gây chia sẽ trong các gia đình ở thủ đô, nơi Bộ Y tế cho hay 53% trong số 5 triệu dân đã nhiễm COVID-19.

Mohammad Kakar, một nhân viên chính phủ, sống trong gia đình 10 người trong độ tuổi từ 6 đến 40, tuyệt đối tin tưởng loại thuốc này.

"Đó là thứ đã cứu sống gia đình tôi, nếu chúng tôi không dùng, có thể bây giờ đã chết", anh nói, cho hay gia đình tránh điều trị ở Kabul vì bệnh viện "quá bẩn" và chật chội.

Nhưng một người thân của Kakar phản đối. "Chúng tôi uống nó và nó chỉ làm chúng tôi ốm thêm", Pari Popal, mẹ chồng của em gái Kakar, nói.

Khi các cơ sở giáo dục, làm đẹp, nhà hàng và hội trường tiệc cưới mở lại trong những tuần gần đây, Alokozai tin rằng đây là lúc mà "vaccine" do mình tạo ra phổ biến hơn.

Ông ta nói sẵn lòng tặng loại dung dịch này, uống cùng với trà ba lần trong 36 tiếng, với sinh viên và nhân viên chính phủ, khi lệnh hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ.

"Đến đâu tôi cũng cho đi loại thuốc này. Tôi tin tưởng vào cách điều trị của mình, đó là lý do tôi cho đi miễn phí", ông nói.

Nguồn: vepf.vnexpress.net

Tin mới