Trong vòng 1 năm (2020-2021) tỷ giá USD biến động khó lường, với xu hướng giảm kỷ lục, từ 97,00 điểm xuống 90,00 điểm. USD thậm chí có thời điểm còn suy yếu thảm hại khi rơi xuống dưới ngưỡng 90 điểm.
Nhận định về các diễn biến của thị trường USD một năm qua, trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những biến động của USD hay vàng đều phản ánh tình hình kinh tế chính trị của thế giới. Thực tế cho thấy, tình hình kinh tế- chính trị thế giới trong năm 2020 rất bất ổn. Những khó khăn này tiếp tục "leo thang" trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp.
Hy vọng đến năm 2021, khi tình hình chính trị của nước Mỹ được ổn định hơn, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thị trường USD sẽ trở về bàn cân mới.
Chuyên gia kinh tế cũng đánh giá và nhận định về khả năng phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài. "Họ luôn có khả năng cân đối các khoảng thời điểm để đầu tư. Vì thế ngay khi thị trường có biến động, họ luôn nắm bắt được sớm nhờ có độ nhạy bén, tinh tường của mình", ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Cũng theo chuyên gia kinh tế, những biến động của tỷ giá USD trên thị trường thế giới không tác động quá lớn đến thị trường USD tại Việt Nam. Năm 2020, đồng Việt Nam được đánh giá là giữ giá tốt trong bối cảnh toàn cầu đối diện với cơn bão về tài chính.
Chuyên gia kinh tế đánh giá, sự điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá hết sức chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước đã giúp thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước cơ bản ổn định, bất chấp những biến động liên tục của thị trường tài chính toàn cầu.
Ngoài ra, theo nhận định của ông Nguyễn Trí Hiếu, giới đầu tư Việt Nam vẫn có tâm lý chú trọng yếu tố an toàn, chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thay vì vàng hay USD.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lại cho rằng, thị trường USD đi xuống sẽ là cơ hội cho các đồng tiền khác tăng giá cao và tương đối, trong đó có Việt Nam. Chuyên gia này cũng nhận định USD sẽ khó có những đột biến theo xu hướng tích cực trong năm 2021 do dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ và thế giới vẫn đang phức tạp.
Tuy nhiên, ông Vấn Văn Lực cũng khẳng định, bất chấp những biến động của thị trường thế giới, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước sẽ có những tính toán điều chỉnh giá VND ở mức hợp lý phù hợp với diễn biến nền kinh tế trong nước và thế giới.
Trước đó, khảo sát của các nhà phân tích cho thấy, tỷ giá USD dao động trong một biên độ hẹp trong 6 tháng đầu năm 2020 khi áp lực từ yếu tố cung cầu USD tương đối thấp với bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đã nới lỏng tiền tệ rất mạnh tay.
Thị trường USD năm 2020 giảm thấp nhất trong vòng 3 năm.
Cụ thể, diễn biến tỷ giá USD trong nước từ đầu năm 2020 cho đến giữa tháng 3 khá ổn định với mức dao động chỉ ở mức 0,2 – 0,3%.
Đến giai đoạn từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4/2020, tỷ giá USD tăng khá mạnh khoảng 1,86% do nhu cầu USD tăng mạnh trước biến động của thị trường tài chính toàn cầu.
Từ giữa tháng 4, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt. Đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2020, tỷ giá đã ổn định trở lại và trở về gần với mức đầu năm.
Tháng 7/2020, giới đầu tư toàn cầu bán tháo đồng USD ồ ạt khiến giá trị của đồng bạc xanh đối với 6 ngoại tệ mạnh khác giảm đến 4,4%. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2010. Tính từ mức cao hồi tháng 3 năm nay, giá đồng USD đã trượt dốc đến 10%.
Nguyên nhân chính dẫn đến cú trượt dài của USD được cho là do lãi suất thực Mỹ rơi xuống mức âm.
Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp ở mức báo động và nguy cơ lạm phát cao do các gói kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ cũng tác động tiêu cực đến đồng bạc xanh.
Thị trường USD tiếp tục gặp áp lực khi nước Mỹ khởi động cuộc chạy đua vào Nhà trắng giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden. Bắt đầu từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, giá vàng, USD cũng kịch tính theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tại thời điểm này, USD trên thị trường thế giới đã sụt giảm sâu và xuống đáy thấp nhất trong gần 3 năm. Trong bối cảnh đó, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận hậu Brexit. Đây được xem là “đòn giáng” khiến USD lao dốc.
Đồng bạc xanh tiếp tục giảm sau đó khi Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố khoản hỗ trợ 600 USD cho mỗi người dân được giải ngân ngay từ sáng 30/12 (giờ Việt Nam).
USD giảm còn do đề xuất về việc nâng khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho người Mỹ từ 600 USD lên 2.000 USD cũng có thể sẽ được thông qua.
Ngày 28/12/2020, ông Donald Trump chính thức ký gói kích thích tổng trị giá 2.300 tỉ USD, bao gồm khoản cứu trợ COVID-19 trị giá 900 tỉ USD. Đây là động thái mà hàng triệu người Mỹ thất nghiệp mong chờ suốt một năm qua. Theo giới chuyên gia, điều này cũng góp phần giảm áp lực lên đồng USD.
Ngày 7/1/2021, USD tiếp tục giao dịch quanh mức thấp của gần 3 năm sau khi đảng Dân chủ tạm giành ưu thế trong cuộc bỏ phiếu vào Thượng viện Mỹ tại bang Georgia, mở đường cho gói kích thích tài chính lớn hơn dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Các nhà phân tích cho rằng Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ là dấu hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cho hầu hết những tài sản mang tính rủi ro. Tuy nhiên, điều này lại gây bất lợi cho trái phiếu và đồng USD do thâm hụt ngân sách và thương mại có thể ngày càng mở rộng hơn.
Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU giúp các nhà đầu tư có tâm lý lạc quan hơn về các nền kinh tế trong khi vực, qua đó gây áp lực lên đồng USD.
Năm 2021, USD tiếp tục được dự báo có nhiều biến động, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế Mỹ và thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, một động thái mới đây của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc ký sắc lệnh giúp 'Mua hàng Mỹ' nhiều hơn, được kỳ vọng sẽ tác động tích cực vào thị trường USD.
Mục đích của sắc lệnh mới nhằm lợi dụng sức mua chính phủ để thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo ra thị trường cho các loại công nghệ tiên tiến. Theo đó, Buy American là kế hoạch phân phối 600 tỉ USD từ ngân sách của chính phủ liên bang để mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.