Chia sẻ với VTC News, không ít người cho biết, để mưu sinh, họ phải tranh thủ ngày đêm đi thả lưới, đánh bắt cá tôm trên sông Hồng.
Từ sáng sớm, Anh Trần Xuân S., 36 tuổi (trú tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã chuẩn bị tươm tất đồ nghề, một mình rong ruổi trên sông để đánh bắt tôm cá. Phải nghỉ việc giữa đại dịch COVID-19 đã 4 tháng nay, đây là công việc duy nhất mà anh S. có thể làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học.
Anh S. chia sẻ: “Trước đây, tôi là một nhân viên văn phòng, chuyên tìm kiếm, chăm sóc và phát triển mạng lưới khách hàng trong lĩnh vực quảng cáo, tài trợ truyền hình. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh nghiệp tôi buộc phải thu hẹp bộ máy. Tôi và nhiều nhân sự khác bị mất việc. Không có sự lựa chọn khác, tôi bám vào cái nghề mà bố tôi đã dùng nó nuôi tôi ăn học để mưu sinh, lo cho gia đình và con cái”.
Công việc thả lưới vất vả, đi sớm về muộn song thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Anh S. ra khỏi nhà từ lúc 3 giờ sáng và đến khoảng 5 giờ chiều mới trở về. Mỗi ngày như thế cũng chỉ thu về được 2-3kg tôm cá.
“Trừ chi phí dầu nhớt, tính ra cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày. Cũng còn hơn là không kiếm được gì”, anh S. nói.
Cũng bám vào sống nước để mưu sinh, chị Vũ Thị N., 36 tuổi (trú tại xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội) cùng chồng chạy ghe thuyền đi đánh tôm cá từ 2h sáng. Chị Nẻo cho rằng, đây là nghề lấy công làm lãi, chỉ đủ ăn qua ngày. Hôm nào may mắn thì vợ chồng chị vợt được nhiều tôm cá, bữa nào trống lưới thì cũng phải đành chịu.
Chị N. cho biết, trước đây làm công việc dọn vệ sinh cho một công doanh nghiệp quảng cáo truyền hình, có hợp đồng đường hoàng. Những vì đại dịch COVID-19 ảnh hưởng ghê gớm quá, doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng nên những nhân sự không chủ chốt như chị bị mất việc từ hồi cuối tháng 5/2021.
Được biết, công việc đánh bắt tôm cá này của họ khá vất vả, thường xuyên diễn ra vào ban đêm, lúc rạng sáng. Vì ban ngày, các xà lan, thuyền lớn thường đi lại tấp nập nên lượng tôm cá ở tầng đáy sẽ bị tản mát, thu về không nhiều.
Thả lưới trên sông Hồng từ tờ mờ sáng, anh Trịnh Khu B. 32 tuổi, xã Văn Đức) cũng ngán ngẩm, chỉ mong dịch bệnh tạm lắng để anh quay lại phụ việc ở công xưởng. Tuy đồng lương không cao nhưng thu nhập ổn định cũng giúp vợ chồng chị vơi bớt phần nào nỗi lo cơm áo.
"Nếu hôm nào hai vợ chồng chịu khó đi thả lưới từ sáng sớm thì lượng tôm cá thu về sẽ nhiều hơn. Nói chung, đây cũng là công việc để người lao động chúng tôi duy trì, kiếm sống qua ngày khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Trời yên bể lặng thì chúng tôi đỡ lo hơn. Những hôm mưa gió, nước sông lên đột ngột, nhiều cột sóng cuồn cuộn dâng cao, liên tục đánh táp vào bờ làm cho thuyền dân nhiều khi bị đắm nước, tốc mái là chuyện bình thường" - anh B. cho biết.
Chị Nguyễn Thị P. , 28 tuổi, (trú tại Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, công ty thu hẹp bộ máy tối đa, nhân viên như chị phải lao đi tìm việc mới, nhưng tìm việc ở thời điểm này cũng không dễ dàng bởi tỷ lệ cạnh tranh cao, nhiều người ứng tuyển trong khi nhu cầu tuyển người của doanh nghiệp thấp, lương và đãi ngộ cũng hạn chế.
Trước khi bị mất việc, chị P. Làm công việc xúc tiến kinh doanh bán thời lượng, khai thác gói quảng cáo, tài trợ truyền hình tại một công ty lớn ở nội thành Hà Nội.
"Nhiều người bạn phải tìm việc trái ngành, nhưng đi ứng tuyển không đúng chuyên môn và chưa có kinh nghiệm nên nộp đơn khắp nơi mà chưa chỗ nào nhận. Những người may mắn được nhận cũng phải mất 2 tháng thử việc khắt khe. Có nhiều người vì không xin được việc nên phải làm tạm một vài công việc khác như kinh doanh online, bán nước giải khát vỉa hè… hoặc về quê", chị P. tâm sự thêm.
Thừa nhận khó trụ vững giữa đại dịch COVID-19, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên về quảng cáo cho biết, doanh nghiệp phải tiết giảm nhân sự, hạn chế mọi khoản chi, do đó, nhiều lao động buộc phải làm việc bán thời gian, thậm chí là mất việc. "Đó là việc ngoài ý muốn do doanh nghiệp cũng đã quá khó khăn trong suốt hơn một năm qua. Chỉ mong COVID-19 được kiểm soát để mọi hoạt động lại được phục hồi như trước", vị này nói.