Theo các chuyên gia, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) ở nước ta tuy phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết, như: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh…
Trong khi đó, đại diện nhiều HTX cũng chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất đó là tiếp cận vốn ngân hàng còn nhiều khó khăn do không đủ điều kiện vay.
Vì thế, các HTX mong muốn được giảm bớt các điều kiện được vay vốn; có cơ chế được vay vốn lãi suất ưu đãi; thời gian cho vay đối với sản xuất nông nghiệp có thời gian vay dài tối thiểu từ 10 năm trở lên…
Ảnh minh họa: VnBusiness
Đề xuất này được giới chuyên gia đồng tình. Tại Hội thảo khoa học “Tín dụng hợp tác xã: Thực trạng và giải pháp”, TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cho rằng, để hỗ trợ tài chính cho HTX hình thành và phát triển, Nhà nước có thể sử dụng chính sách thuế, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thủy lợi… hay dùng một phần ngân sách để tạo lập một hệ thống các quỹ hỗ trợ tài chính.
Các HTX vay vốn từ các tổ chức tín dụng bằng hình thức thế chấp (trong đó được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay), tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
“Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy việc thúc đẩy tín dụng cho HTX là đa dạng và dưới nhiều hình thức. Từ đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước để định hướng phát triển các HTX và áp dụng phù hợp vào điều kiện thực tế của Việt Nam”, TS. Phạm Minh Tú nhấn mạnh.
Với giải pháp từ phía ngành Ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, bám sát chủ trương tại Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về việc “tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ ngày 2/2/2023 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số nhiệm vụ:
Cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật;
Thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của HTX để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của HTX.
Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất, các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ đối với HTX ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế.
Thường xuyên nắm bắt và kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vay vốn của HTX để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn.