Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thách thức bủa vây doanh nghiệp dệt may trong 4 tháng cuối năm 2021

(VTC News) -

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cùng chi phí logistic tăng cao là những thách thức lớn với doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong những tháng cuối cùng năm 2021.

Thiếu thị trường, nguyên liệu, nhân công và giá vận tải tăng cao do dịch COVID-19 có thể là những rào cản chặn đứng đà tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam trong nửa cuối 2021. 

Khó khăn chồng khó khăn

Theo các chuyên gia phân tích đến từ Chứng khoán VnDirect, ngành dệt may Việt Nam sẽ đối diện nhiều thách thức trong nửa cuối 2021. Sóng gió chủ yếu đến từ dịch COVID-19 và chi phí logistic tăng cao.

Cụ thể, đợt bùng phát dịch COVID-19 ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng một lần nữa do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thời gian giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may khi khoảng 50% nhà máy đặt tại khu vực miền Nam. Hiện tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30 - 35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động.

Ngành dệt may Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức do thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành dệt may vẫn thấp. Với kịch bản tích cực COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của dêt may Việt Nam trong 2021 có thể chỉ đạt 33 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, chi phí logistic tăng cao là trở ngại của ngành dệt may Việt Nam. Hiện chi phí vận tải bằng container đã tăng ba lần trong 6 tháng đầu năm.

Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistic tăng cao có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM và OBM. Hơn nữa, Vitas dự báo rằng nếu dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8/2021, số lượng công nhân dự kiến sẽ chỉ đạt 60-65%. Do đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cũng sẽ thách thức lớn cho ngành dệt may trong quý III/2021”, báo cáo VnDirect nêu.

Dệt may Việt Nam dự kiến đứng trước nhiều sóng gió trong nửa cuối 2021.(Ảnh minh họa).

Bức tranh nhiều màu

Nửa đầu năm 2021, khi COVID-19 bắt đầu bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn kinh doanh lạc quan, thậm chí thu lãi lớn. Nhưng bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp sa vào cảnh lỗ nặng.

Là tên tuổi lớn trong làng dệt may, trong nửa đầu năm nay, Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng MSH) báo doanh thu hơn 2.150 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế là hơn 216 tỷ đồng, tăng 76% so cùng kỳ 2020.

Riêng quý II, doanh thu thuần MSH đạt 1.207 tỷ đồng, tăng 25%; lợi nhuận gộp thu về đạt 239 tỷ đồng, tăng 53%. Trừ các khoản chi phí, May Sông Hồng báo lãi 124 tỷ đồng sau thuế, tăng 114%.

Doanh thu tăng mạnh trong khi giá vốn hàng bán giảm là nguyên nhân chủ yếu giúp May Sông Hồng ghi nhận lãi lớn trong nửa đầu năm nay.

Kết quả kinh doanh khởi sắc giúp giá cổ phiếu MSH của May Sông Hồng bùng nổ trên thị trường chứng khoán. Dữ liệu từ Vietstock cho thấy từ đầu năm, mã MSH tăng 97,5% giúp mỗi cổ phiếu thêm 38.700 đồng/cổ phiếu. Với hơn 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của May Sông Hồng tăng thêm khoảng 1.900 tỷ đồng.

Tương tự, kinh doanh ấn tượng, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) tăng doanh thu 21%, tăng lợi nhuận sau thuế 19,7% lần lượt đạt 2.966 tỷ đồng và 113,1 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm.

Kế hoạch năm nay, TNG đặt kế mục tiêu doanh thu là 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 175 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 tháng, TNG hoàn thành được 61,8% chỉ doanh thu và 64,6% lợi nhuận năm.

Trên thị trường, cổ phiếu TNG cũng tăng 87,8% từ đầu năm, giúp mỗi cổ phiếu có thêm 13.700 đồng. Thanh khoản cũng được cai thiện rõ rệt với hơn 2,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh khó khăn như May Nhà Bè (MNB). Báo cáo tài chính cho thấy, MNB lỗ hơn 21 tỷ đồng trong nửa đầu năm do doanh thu giảm, không đủ bù đắp chi phí tài chính và vận hành.

MNB cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình đại dịch COVID-19 phức tạp khiến thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến doanh thu, trực tiếp đẩy doanh nghiệp vào thua lỗ.

Kết quả kinh doanh kém cỏi khiến giá cổ phiếu MNB giảm 6,3% tính từ đầu năm. Chốt phiên 25/8, mã này đứng mức 28.000 đồng/cổ phiếu, giảm 3,11% so phiên liền trước.

Hòa Bình

Tin mới