Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp dệt may trong ‘bão’ COVID-19: Lợi nhuận trồi sụt, cổ phiếu bay cao

(VTC News) -

Cổ phiếu đa số doanh nghiệp dệt may tăng phi mã từ đầu năm bất chấp hoạt động kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong “bão” COVID-19, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt vẫn xoay xở làm ăn có lãi, song cũng có một số rơi vào khó khăn, thậm chí thua lỗ.

Kẻ cười, người khóc

Là tên tuổi lớn trong làng dệt may, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) báo doanh thu 946 tỷ đồng, tăng 20%. Đồng thời lợi nhuận doanh nghiệp này cũng đạt 62 tỷ đồng, tăng 83% so cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp dệt may ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tương phản song giá cổ phiếu hầu hết tăng cao. (Ảnh: TNG)

Theo TCM, tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA và giá sợi những tháng đầu năm tăng dần là những nguyên nhân giúp lợi nhuận được cải thiện so với các năm trước.

Bức tranh kinh doanh khởi sắc của ngành dệt may quý đầu năm ghi nhận Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã chứng khoán GIL) tăng lợi nhuận 66% so với cùng kỳ đạt 71 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dù doanh thu đi lùi song Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK) vẫn báo lãi tăng 35% đạt 70 tỷ đồng trong quý I.

Tổng công ty May Sông Hồng (mã MSH) cũng báo lãi 93 tỷ đồng tăng 50% trong khi doanh thu chỉ tăng 1%.

Một ông lớn trong ngành là Tổng công ty May Việt Tiến (mã VGG) gây bất ngờ khi lãi ròng 4 tỷ đồng, dù doanh thu giảm 1% và lỗ 22 tỷ đồng trong quý I/2020.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng vượt được vòng xoáy khắc nghiệt của dịch COVID-19. Ông lớn của ngành là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) cho thấy khả năng chống chịu với dịch bệnh không tốt khi giảm doanh thu 15% ghi nhận 3.377 tỷ đồng và giảm lợi nhuận 12% ghi nhận 99 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã GMC) cũng khép lại quý I với khoản doanh thu chỉ 306 tỷ đồng, giảm 18%. Lợi nhuận sau thuế của GMC còn thảm hơn khi ghi nhận 2 tỷ đồng, giảm 92% so cùng kỳ 2020.

Giải trình về việc này, GMC cho biết do tình hình dịch COVID-19 nên số lượng đơn đặt hàng của một số khách hàng giảm. Bên cạnh đó, GMC phải nhận thêm mặt hàng gia công nội địa nên doanh số xuất khẩu giảm.

Từng là điểm sáng trong năm 2020 nhưng ba tháng đầu 2021, lãi ròng của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) lại giảm sâu tới 34% khi ghi nhận chỉ 22 tỷ đồng.

Theo TNG, dịch COVID-19 bùng phát khiến giá sản phẩm giảm trong khi các chi phí đầu vào, chi phí phải trả người lao động không giảm dẫn đến chi phí cho một sản phẩm tăng.

Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, Tổng công ty May Nhà Bè (mã MNB) thậm chí còn lỗ 14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2 tỷ đồng.

Cùng gam màu xám, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (mã FTM) lỗ 47 tỷ đồng trong quý đầu năm, nâng số quý lỗ liên tiếp lên con số 9 với tổng lỗ lũy kế gần 244 tỷ đồng.

Đặc biệt, doanh nghiệp dệt may đang đối diện với viễn cảnh không mấy tốt đẹp khi một số đối tác nước ngoài rơi vào cảnh phá sản. Đơn cử Công ty cổ phần May Sông Hồng vốn có quan hệ làm ăn tốt đẹp lâu năm với hãng bán lẻ thời trang RTW Retalwinds của Mỹ. Tuy vậy đối tác này hiện đang trở thành nỗi lo sợ của May Sông Hồng khi nộp đơn phá sản vào đầu 2020.

Báo cáo tài chính cho thấy, May Sông Hồng phải trích lập dự phòng khoản thu ngắn hạn khó đòi hơn 256 tỷ đồng, trong đó có hơn 218,2 tỷ đồng từ New York & Company. Ngoài ra MSH cũng trích dự phòng gần 27,8 tỷ đồng từ Tập đoàn Prime Apprael và hơn 10 tỷ đồng từ các khách hàng khác.

Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công cũng đang đứng trước nỗi lo mất tiền khi có khoản nợ khó đòi từ Roebuck & Co và Kmart Corporation, vốn là hai công ty con của Sears - từng là tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, gần cuối năm 2018 doanh nghiệp này rơi vào khó khăn dẫn đến phá sản, khiến hàng loạt nhà cung cấp điêu đứng.

Cổ phiếu bay cao

Trái ngược với kết quả kinh doanh trồi sụt, cổ phiếu của đa số doanh nghiệp ngành may lại sôi động từ đầu năm. Theo đó, chốt phiên giao dịch hôm nay 21/5, mã TCM của Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đứng mức 92.500 đồng, tăng 5,71% so với hôm qua, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 5000 đồng. Từ đầu năm (1/1 – 21/5), mã TCM tăng tới 106,3%, tức 47.670 đồng mỗi cổ phiếu.

Cổ phiếu VGT của Vinatex cũng tăng phi mã 7,5% trong hôm nay lên 17.200 đồng. Tính từ đầu năm, mã này trải qua 92 ngày giao dịch, tăng 7000 mỗi cổ phiếu, tức 68,6%. Trong diễn biến liên quan, Vingroup mới đây đã quyết định bán hơn 12,2 triệu cổ phiếu VGT trong số 50 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Hiện Vingroup vẫn là cổ đông lớn tại Vinatex khi sở hữu hơn 37,7 triệu cổ phiếu VGT.

Không có được đà tăng mạnh như TCM hay VGT song mã GMC của Garmex Sài Gòn cũng chạm ngưỡng 32.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 2,07%. Tính từ đầu năm, cổ phiếu GMC tăng 69,3%, tương đương thêm 13.100 đồng mỗi cổ phiếu.

Dù đi ngược thị trường hướng thị trường trong phiên giao dịch hôm nay khi để giảm 4,17% song tính từ đầu năm, mã MPT của Tập đoàn Trường Tiền vẫn tăng 15%. Tuy nhiên điều đáng buồn là mã này vẫn đang dưới mệnh giá, và thuộc nhóm “cổ phiếu trà đá”.

Cổ phiếu Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã GIL) cũng tăng 38,8% từ đầu năm giúp mỗi cổ phiếu có thêm 16.300 đồng. Tuy vậy trong phiên hôm nay, mã GIL giảm sập sàn 6,8% khi về mức 58.300 đồng.

Hòa Bình

Tin mới