Mức giá 4 bộ sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dao động từ 179.000 đến 194.000 đồng/bộ. Bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm có giá kê khai là 199.000 đồng/bộ.
Trong khi đó, giá một bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019 - 2020 theo chương trình giáo dục hiện hành chỉ từ 54.000 đồng/bộ.
Đi ngược đề xuất của Bộ?
Để phục vụ cho việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngày 31/12/2019 Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà xuất bản phải cung cấp thông tin, công bố công khai giá sách giáo khoa lớp 1.
Đồng thời, trong văn bản 115 ngày 14/1 mà Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ đề xuất mức kê khai giá sách giáo khoa mới không được vượt quá giá của sách hiện hành.
Trả lời đề xuất này, ngày 4/2, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung kê khai giá sách theo kiến nghị tại văn bản trên. Từ đó tổng hợp, đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.
Tuy nhiên ngày 20/3, Bộ Tài chính có văn bản cho phép các nhà xuất bản tự quyết định giá kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp; không yêu cầu nhà xuất bản phải bán sách mới bằng giá sách cũ. Với các nhà xuất bản chính sách này được coi là lối thoát trong vấn đề kê khai giá.
Đáng nói, cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới đều có giá kê khai cao hơn bộ sách hiện hành từ 3-4 lần. Với lý do, sách chất lượng hơn và hình thức cũng bắt mắt hơn, nếu bán với giá như sách hiện hành, các nhà xuất bản chắc chắn lỗ.
Các nhà xuất bản cho rằng, nếu bắt buộc phải thực hiện kê khai giá theo văn bản số 115 sẽ không thể xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Vậy, liệu rằng việc kê khai giá sách mới có đi ngược lại với đề xuất của Bộ GD&ĐT trước đó?.
Sách giáo khoa lớp 1 được Bộ GD&ĐT phê duyệt đủ điều kiện sử dụng trong năm học 2020-2021.
4 lý do giá sách tăng cao
Lý giải về giá sách kê khai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết giá sách được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, đầu tiên là số cuốn sách trong mỗi bộ. Bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành gồm 6 cuốn, trong khi các bộ sách mới có 9- 10 cuốn.
Yếu tố thứ hai là chi phí tổ chức bản thảo, bao gồm: Nhuận bút (theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP), biên tập, thiết kế, minh hoạ, chế bản, đọc góp ý, thẩm định đề cương chi tiết, bài mẫu, bản thảo, chi phí dạy thực nghiệm.
Sách giáo khoa mới cũng đòi hỏi đầu tư kĩ lưỡng trong công tác tập huấn và triển khai biên soạn, biên tập, thiết kế - chế bản, thực nghiệm. Việc thực nghiệm sách giáo khoa cũng được thực hiện qua nhiều vòng, trên nhiều đối tượng, ở nhiều địa bàn có điều kiện giáo dục khác nhau.
Thứ ba, theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khác với việc cả nước chỉ có một bộ sách giáo khoa, khi có nhiều bộ sách giáo khoa cùng được xuất bản, sản lượng phát hành của mỗi bộ sẽ giảm đi, các khoản chi phí tổ chức bản thảo được phân bổ theo sản lượng đó sẽ cao hơn so với sách hiện hành.
Ngoài ra, chi phí vật tư, công in, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí tích hợp công nghệ 4.0 cũng tác động đến giá sách giáo khoa.
Thứ tư, việc biên soạn sách giáo khoa lần này được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn doanh nghiệp và vay ngân hàng. Giá bán một mặt phải bù đắp các chi phí, mặt khác phải đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu nhằm duy trì việc vận hành, đầu tư tái sản xuất, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.
Chung quy lại, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng giá sách mới được kê khai trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất. Sở dĩ việc kê khai giá sách mới cao hơn sách hiện hành là do sách giáo khoa mới khổ to hơn, chủng loại giấy in dày hơn, sách in nhiều màu, nhiều hình ảnh hơn, nên giá đắt hơn là đương nhiên.
Nhiều ý kiến trái chiều về việc tăng giá sách giáo khoa lớp 1 mới.
Không vội vàng, cần có lộ trình tăng giá phù hợp
Theo Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái, Công ty Cổ phần đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC), cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới được phê duyệt đều có hình thức đẹp, bắt mắt, khổ sách mới lớn hơn, giấy dày, màu đẹp hơn sách cũ nên khó có thể giữ mức giá cũ.
Tương tự, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông năm mới, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ “Cánh diều” cho rằng, Nghị quyết 29-NQ/TW hay Nghị quyết 88 của Quốc hội mới chỉ đề cấp đến xã hội hoá sách giáo khoa, nhiều cuốn sách giáo khoa cho một môn học… Nhưng cả hai nghị quyết đều không hề có đề cập đến quy định về giá cả, mua bán sách giáo khoa ra sao.
“Nếu từ đầu nói xã hội hoá nhưng Nhà nước định giá thì sẽ không ai làm. Nhà xuất bản lỗ thì không ai in sách, tác phẩm của chúng tôi không đến được với học sinh, Nghị quyết của Đảng về xã hội hoá sách giáo khoa không thực hiện được”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Thầy Trần Đức Tùng, Giảng viên Đại học Sư phạm thẳng thắn chia sẻ, nếu so sánh giá của một bộ sách giáo khoa lớp 1 (8-10 cuốn) với các loại sách khác thì không hề cao.
Sách giáo khoa cũng là công trình khoa học có đầu tư chất xám kỹ lưỡng từ các nhà nghiên cứu, được công bố đạt chuẩn, in ấn trên chất liệu tốt, thì không có gì là đắt so với vật giá hiện nay. Dĩ nhiên, trong cơ chế thị trường, tiền nào của đấy, của tốt thì tiền cao là quy luật chung ai cũng hiểu.
“Tuy nhiên, các nhà xuất bản có phần nóng vội khi kê khai cao hơn so với bộ sách giáo khoa hiện hành, vô tình đã khiến phụ huynh và dư luận “sốc giá”. Cần có một lộ trình tăng giá phù hợp hơn”, vị này đánh giá.
Theo thầy Tùng, các nhà xuất bản có thể coi năm đầu tiên phát hành sách giáo khoa mới là đánh giá chất lượng sách trên diện rộng. Chịu hoà vốn để duy trì cho năm tiếp theo, khi sách của các nhà xuất bản thật sự tốt, được các trường và phụ huynh tin dùng thì chúng ta có thể tăng dần về giá vào các năm học tiếp theo.
Bên cạnh việc tăng giá, các nhà xuất bản cũng nên tuyên truyền chính sách trợ giá đối với các gia đình khó khăn, vùng nghèo, khu vực miền múi, hải đảo… đảm bảo tất cả học sinh được công bằng, bình đẳng cùng học sách chất lượng tốt như nhau cả về nội dung lẫn hình thức, vị này đề xuất.
Video: Bộ GD&ĐT hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa năm học 2020-2021