Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giáo viên chỉ ra điểm chưa chặt chẽ trong thông tư lựa chọn sách giáo khoa

(VTC News) -

Nhiều giáo viên chỉ ra một số điểm cần tính toán thêm trong thông tư lựa chọn sách giáo khoa mới, vừa được Bộ GD&ĐT ban hành.

Mỗi trường một hội đồng chọn sách giáo khoa

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông (hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa. Mỗi trường thành lập một hội đồng. Với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.

Hội đồng bao gồm: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học có sách giáo khoa được lựa chọn; đại diện cha mẹ học sinh của trường.

Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người, trong đó ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 7 người.

Người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia thẩm định sách giáo khoa do các nhà xuất bản tổ chức, tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa và người làm việc ở các nhà xuất bản có sách thì không được tham gia hội đồng.

Bộ GD&ĐT ban hành thông tư lựa chọn sách giáo khoa trong học 2020- 2021.

Hội đồng có nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này và quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Quy trình lựa chọn sách giáo khoa

Quy trình lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện như sau: 

Tổ chuyên môn dựa vào tiêu chí chọn sách của địa phương để nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT công bố.

Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của mình. Tổ chuyên môn báo cáo danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý từ cao xuống thấp cho Hội đồng.

Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.

Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt yêu cầu trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý. Trường hợp sách giáo khoa không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, khi đó Hội đồng sẽ thảo luận, phân tích lại các sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lần nữa.

Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì Hội đồng quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn báo cáo lên.

Các cơ sở giáo dục phổ thông phải niêm yết công bố công khai danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 4 tháng.

Giáo viên nói thông tư chưa chặt chẽ

Sau khi thông tư này được ban hành, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tỏ ra băn khoăn khi thiếu một số phương án tính toán cụ thể.

Cô Lê Hồng Nhung, hiệu trưởng một trường tiểu học (Hà Nội) cho biết, trong quy chế chưa tính đến phương án nếu xảy ra trường hợp danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn báo cáo có những cuốn cùng có số phiếu cao nhất bằng nhau thì sẽ xử lý như thế nào. Chuyện này sẽ không hề hiếm gặp ở các hội đồng.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Đức Mạnh, làm việc tại một trường tiểu học Hà Nội bày tỏ, nếu sau hai lần tổ chuyên môn trình phương án lựa chọn sách giáo khoa, mà vẫn chưa thể chốt cuốn sách được chọn, thì sẽ tính toán ra sao? Lúc này Hội đồng sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chuyên môn lựa chọn hay người đứng đầu có 50% quyền quyết định. Cần quy định rõ hơn.

Tương tự, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc (Nam Từ Liêm , Hà Nội) nói: "Quy chế lựa chọn sách đã rõ ràng, nhưng Bộ GD&ĐT cũng chưa tính toán đến việc mỗi năm học sẽ có một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để dạy hay lựa chọn sách giáo khoa một lần và dùng cho nhiều năm học.

Vì rất có thể, nhiều cuốn sách khi đưa vào dạy học mới bộc lộ nhiều bất cập; giáo viên khi đó muốn kiến nghị đổi sách sách giáo khoa thì các cở sở giáo dục sẽ phải làm thế nào?".

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa, tổ chuyên môn sẽ có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn mình phụ trách.

Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. 

"Theo quy định, trước khi trình lên hội đồng, tổ chuyên môn phải sắp xếp danh mục sách theo thứ tự ưu tiên. Trong trường hợp bỏ phiếu kín xảy ra tình trạng nhiều cuốn sách có số phiếu cao nhất bằng nhau thì lúc này tổ chuyên môn có thể tổ chức bỏ phiếu lại, bàn bạc, thống nhất... để đưa ra một danh sách đảm bảo yêu cầu. Vì thế, sẽ không có xảy ra việc lên đến hội đồng nhà trường vẫn không có thứ tự lựa chọn", ông Thành cho hay.

Hà Cường

Tin mới