Mỹ dẫn đầu thế giới về việc mua các vaccine RNA - đã được chứng minh là hiệu quả nhất trong việc chống lại COVID-19. Nhưng nước này hiện đang bắt đầu dẫn đầu thế giới về việc không sử dụng chúng, theo Bloomberg.
Trên khắp nước Mỹ, có hơn 27 triệu liều Moderna, 35 triệu liều Pfizer/BioNTech chưa sử dụng, theo dữ liệu từ trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Nhiều lời kêu gọi trong cộng đồng y tế mong Mỹ đóng gói vaccine thừa trong đá khô để vận chuyển đến những nơi như Ấn Độ, nơi dịch bệnh vẫn đang hoành hành.
Khi quá trình tiêm chủng của người Mỹ chậm lại và các liều vaccine tồn đọng, nước này dường như đang ở ngã ba đường về sức khỏe, đạo đức và ngoại giao. Trung Quốc, trong khi đó đang xuất khẩu nhiều liều vaccine hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nâng tầm hình ảnh quốc tế và gia tăng ảnh hưởng của mình.
Những câu hỏi được đặt ra là Mỹ có nên tiếp tục mua và phân phối hàng triệu liều vaccine mRNA mỗi tuần, nhắm đến những người đang không vội vàng tiêm chủng hoặc những người có nguy cơ thấp hơn hay không? Hay họ nên trả lại đơn đặt hàng của mình để các nhà sản xuất thuốc gửi nhiều liều hơn đến các quốc gia khác có nhu cầu?
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty)
Vấn đề không đơn giản
Theo Bloomberg, đóng hộp số vaccine chưa dùng đến và gửi đi nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều.
Không có hàng chục triệu liều vaccine Moderna nào "chờ sẵn" trong nhà kho. Hầu hết các liều vaccine chưa sử dụng của Mỹ nằm rải rác trên hàng chục nghìn địa điểm: cơ sở tiểu bang, hiệu thuốc địa phương, địa điểm tiêm chủng và các địa điểm khác. Việc thu thập và gửi chúng ra nước ngoài sẽ vô cùng khó quản lý và làm ảnh hưởng đến các công việc đang thực hiện trong nước.
Pfizer đã gửi một số liều được sản xuất tại Mỹ ra nước ngoài. Và có thể có hàng triệu liều chưa sử dụng nữa từ Johnson&Johnson và AstraZeneca sẽ sẵn sàng được gửi đi trong những tuần hoặc tháng tới, nhưng chưa có ngày chính xác.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp hạn chế chống dịch, chiến dịch tiêm vaccine của Mỹ sẽ cần được thúc đẩy và như vậy nguồn cung vaccine sẽ phải đảm bảo dồi dào.
Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden ban hành hướng dẫn nới lỏng yêu cầu đeo khẩu trang, điều này một phần là để khiến những người còn đang phân vân về việc tiêm vaccine xắn tay áo lên và đón nhận các mũi tiêm. Andy Slavitt, cố vấn cấp cao của nhóm phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, nói: “Khi bạn đang chiến thắng, bạn phải (hành động) mạnh hơn. Mục tiêu của Mỹ tiếp tục là tiêm chủng cho 70% người lớn trước ngày 4/7", ông nói.
Vaccine Pfizer/BioNTech. (Ảnh: Getty)
Vaccine Pfizer đã được sử dụng cho những người từ 12 đến 15 tuổi. Nó cũng có thể sớm được cấp phép cho cả trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn, những người có nguy cơ tương đối thấp từ COVID-19. Tất cả những điều này làm giảm số lượng vaccine có sẵn để chuyển ra nước ngoài.
Richard Besser, bác sĩ nhi khoa và là cựu giám đốc CDC cho biết: “Nếu muốn thực hiện một cách tiếp cận có đạo đức về tiêm chủng, chúng tôi sẽ tiêm vaccine cho những người dễ bị tổn thương nhất ở bất cứ nơi nào họ sống, nhưng đó không phải là thực tế chính trị. Mỗi quốc gia đều tập trung vào việc bảo vệ chính mình”. Và điều đó có nghĩa là trước hết trẻ em Mỹ sẽ được ưu tiên.
Thỏa thuận với các công ty vaccine
Để hiểu chính xác Mỹ đang có bao nhiêu liều vaccine "thừa", cần phải hiểu chuỗi cung ứng vaccine của họ thực sự hoạt động như thế nào.
Các chuyến hàng của Moderna được chính phủ liên bang giám sát. Khi công ty sản xuất vaccine xong, quyền sở hữu sẽ được trao cho nhà phân phối McKesson, công ty này sẽ cất giữ và gửi vaccine đến các điểm tiêm chủng.
Tính đến ngày 12/4, Moderna đã giao 117 triệu liều. Họ đang sản xuất 40 triệu đến 50 triệu liều mỗi tháng, có nghĩa là tính đến cuối tuần trước, họ đã giao khoảng 157 triệu đến 167 triệu liều. Khoảng 140 triệu liều trong số đó đã được vận chuyển đến các địa điểm và tiểu bang, theo CDC Mỹ.
Nếu có khoảng 10 triệu liều được tính vào số đang đặt hàng hoặc đang vận chuyển - thì chỉ còn 7 triệu đến 17 triệu liều chưa được gửi đi các nơi. Lượng vaccine này sẽ chỉ đủ cung cấp trong chưa đến hai tuần, và có thể dễ dàng bị thiếu nếu sản xuất chậm trễ.
Một cơ sở tiêm vaccine COVID-19 ở California. (Ảnh: Bloomberg)
Hợp đồng của chính phủ Mỹ với Moderna nói chính phủ không được sử dụng hoặc cho phép sử dụng đơn đặt hàng vaccine của mình “trừ khi việc sử dụng đó xảy ra ở Mỹ và được bảo vệ trước trách nhiệm pháp lý, theo tuyên bố ban hành trong đạo luật Sẵn sàng và Khẩn cấp cộng đồng". Ông Biden sẽ phải đạt được thỏa thuận với Moderna hoặc tìm cách vượt qua điều khoản trên nếu muốn chia sẻ vaccine.
Trong khi đó Pfizer, nhà sản xuất vaccine mRNA khác của Mỹ, kiểm soát việc phân phối của chính mình. Công ty cam kết cung cấp 220 triệu liều cho Mỹ vào cuối tháng 5. Hơn 170 triệu liều đã được gửi đi và nhà sản xuất thuốc này đang sản xuất nhiều hơn số lượng đặt hàng của Mỹ mỗi tuần.
Theo một nguồn thạo tin của Bloomberg, lượng vaccine dư thừa đó đã được bán ra nước ngoài, chủ yếu ở Bắc và Nam Mỹ, bao gồm cả những nơi bị ảnh hưởng nặng nề như Brazil. Canada, Mexico và Uruguay đều cho biết họ đang nhận vaccine Pfizer.
Khi năng lực sản xuất tăng lên, Pfizer có kế hoạch bán nhiều liều hơn nữa ở nước ngoài, Giám đốc điều hành Albert Bourla cho biết. Do giao dịch của công ty với chính phủ Mỹ, nên họ không cần xin phép để bán vaccine sau khi đáp ứng các nghĩa vụ trong nước của mình.
Thêm thời gian
Ngay cả khi các liều vaccine không sử dụng của Mỹ được gửi ra nước ngoài, nhu cầu toàn cầu có thể vẫn không được đáp ứng. Thế giới cần hàng tỷ liều vaccine chứ không phải hàng triệu và những nơi đang gặp khủng hoảng hiện nay có thể bùng phát dịch bệnh trước khi kịp có sự trợ giúp.
Tuy nhiên, Mitchell Warren, giám đốc điều hành của AVAC: Global Advocacy for HIV Prevention (Trung tâm Vận động toàn cầu phòng chống HIV), người đã ký vào lá thư kêu gọi chia sẻ vaccine Moderna cho biết: “Phần quyên góp có thể là một giải pháp tạm thời. Đây sẽ là nguồn cung cấp ban đầu để cứu trợ khẩn cấp. Theo chúng tôi hiểu, đó là những sản phẩm có sẵn và có thể gửi đi”.
Vận chuyển vaccine ở Mỹ. (Ảnh minh họa)
Vài tuần tới sẽ thể hiện rõ hơn nhu cầu của Mỹ - và những gì họ có thể xuất khẩu. Nhiều tiểu bang thay đổi chiến dịch bằng các hình thức khuyến khích như xổ số cho những người chưa tiêm. Colorado yêu cầu được cấp số liều tối đa mỗi tuần. Tốc độ tiêm chủng của họ vẫn tương đối ổn định với khoảng 50.000 liều mỗi ngày, theo Bloomberg Vaccine Tracker.
Số lượng tiêm của các tiểu bang khác đang giảm. Sau khi đạt đỉnh gần 600.000 liều vào tháng 4, nhu cầu gần đây nhất của Illinois chỉ là 8.510. Họ cũng đang gửi những liều chưa sử dụng đến những khu vực có nhu cầu địa phương cao hơn.
Chính quyền ông Biden đã nói rằng trong những tháng tới, họ sẽ gửi đi khoảng 60 triệu liều AstraZeneca chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ. Ngoài ra còn có hàng chục triệu liều vaccine J&J có thể được cung cấp khi chiến dịch của Mỹ kết thúc.